Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong Thương mại điện tử ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong Thương mại điện tử ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Nguồn: Tổng hợp
Thứ hai, ngày 30/05/2016 – 02:37 chiều

Hiện nay trên thế giới, các nước đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển công nghệ mạnh mẽ, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Ở Việt Nam, TMĐT cũng đang là một lĩnh vực hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đông đảo người dân. Trong đó, giai đoạn 2001-2010 được coi là thập kỷ ra đời và bước đầu phát triển của thương mại điện tử. Trong giai đoạn này, cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ các ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam đã dần được hoàn thiện. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử cũng đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của thương mại điện tử Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Thanh toán là điểm mấu chốt trong hoạt động giao dịch thương mại. Đối với thương mại điện tử, bên bán và bên mua có nhiều phương thức để thanh toán cho nhau, nhưng trong đó, phương thức thanh toán điện tử phải là ưu tiên đối với các thị trường thương mại điện tử phát triển. Tại đó, các doanh nghiệp luôn tập trung xây dựng uy tín, người tiêu dùng có niềm tin đối với doanh nghiệp, việc thanh toán trực tuyến trước cho người bán hàng sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý được nguồn vốn, nguồn lực tốt hơn để tái đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng.

Sự phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy kinh doanh qua mạng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Theo khảo sát, 48% website TMĐT tại Việt Nam đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán là tiền mặt (74%), hình thức thanh toán qua ngân hàng (chiếm 41%), hình thức trung gian thanh toán qua các website thương mại điện tử (chiếm 8%).

Các dịch vụ, phương thức thanh toán mới đã được các Ngân hàng thương mại phát triển đa dạng bên cạnh việc hoàn thiện và phát triển các phương thức truyền thống, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, dịch vụ thanh toán cho khách hàng cá nhân. Việc phát triển dịch vụ thẻ, tài khoản cá nhân góp phần không nhỏ để tạo điều kiện thúc đẩy thương mại điện tử. Tính đến cuối Quý I/2016, các ngân hàng phát hành thẻ với trên 101 triệu thẻ và trên 500 thương hiệu. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm gần 90%, thẻ tín dụng chiếm trên 4%, còn lại là thẻ trả trước. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện. Đến hết Quý I/2016, số lượng máy ATM đạt trên 17.044 máy, số lượng POS/EDC đạt gần 240.000 máy. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giao dịch qua POS đạt trên 19,1 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng trên 58.296 tỷ, trong đó giao dịch thanh toán chiếm trên 90%.

Tỷ lệ thẻ thanh toán và thói quen sử dụng thẻ tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển, tuy nhiên tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng còn thấp. Trong Ngày mua sắm trực tuyến 2015, theo thống kê, trong gần 800.000 đơn hàng, với tổng giá trị gần 600 tỷ đồng trong ngày, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chỉ chiếm hơn 3%, còn lại chủ yếu các giao dịch được thực hiện qua hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (C.O.D – Cash on Delivery). Thực tế này xuất phát một phần do lo ngại từ phía người tiêu dùng hiện thiếu các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo về chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau khi đã thanh toán tiền trước cho người bán hàng. Tuy nhiên, vấn đề này ngược lại cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện nay, khi sử dụng C.O.D, chi phí chuyển phát bị đẩy lên đến 20 – 30% tổng chi phí hoạt động, dẫn đến nhiều doanh nghiệp số lượng đơn hàng càng nhiều, càng lỗ. Vấn đề này rõ ràng cần sớm được nghiên cứu, trao đổi và đề xuất các giải pháp để khắc phục.

Một vấn đề nữa là bên cạnh sự cần thiết về một hạ tầng thanh toán an toàn, đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng cho thương mại điện tử, mảng dịch vụ tiện ích thanh toán được phát triển cho các dịch vụ hành chính công, dịch vụ công ích cũng chưa được các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán quan tâm, đầu tư. Đây là các dịch vụ mang tính chiến lược lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội, tuy nhiên chi phí đầu tư lớn và chưa mang lại nhiều lợi nhuận nên ít được các doanh nghiệp quan tâm.

Trong thời gian tới, các yếu tố có vai trò thúc đẩy sự phát triển của thanh toán điện tử bao gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường biện pháp an ninh bảo mật; tăng cường công tác giám sát hoạt động thanh toán; xây dựng hạ tầng thanh toán đảm bảo; phát triển các giải pháp hỗ trợ cho các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020, Cục TMĐT và CNTT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để tập trung đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, đặc biệt thanh toán trực tuyến, cụ thể:

– Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến thanh toán trong thương mại điện tử phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển thương mại điện tử đến 2020.

– Truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử.

– Phát triển Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hoàn thiện giải pháp quản lý, giám sát giao dịch thanh toán trong thương mại điện tử, giúp Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh toán và thương mại điện tử, xây dựng môi trường thanh toán trong thương mại điện tử an toàn, đảm bảo.

– Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp thanh toán điện tử trong các dịch vụ công ích, dịch vụ hành chính công của Chính phủ.

– Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử tích hợp thanh toán điện tử.

– Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn tín nhiệm cho hoạt động thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử.

– Phối hợp với các tổ chức phát hành thẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thẻ (người tiêu dùng) kích hoạt thanh toán trực tuyến đơn giản, tiện lợi.

Trong thời gian tới, thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng của thị trường. Thương mại điện tử sẽ thật sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có thêm một phương thức mua sắm hiện đại và hiệu quả. Thương mại điện tử sẽ là công cụ đắc lực để hoàn thành mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *