Một số thống kê về hạ tầng thanh toán điện tử và tình hình mua sắm trực tuyến năm 2015

Một số thống kê về hạ tầng thanh toán điện tử và tình hình mua sắm trực tuyến năm 2015

Nguồn: Tổng hợp
Thứ sáu, ngày 22/04/2016 – 10:52 sáng

Ở Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân. Giai đoạn 2001-2010 được coi là thập kỷ hình thành TMĐT và có thể thấy đến thời điểm hiện tại, hạ tầng cơ bản cho các ứng dụng TMĐT tại Việt Nam trong đó có hạ tầng thanh toán điện tử đã cơ bản được hoàn thiện. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ đã biết tận dụng ưu điểm của TMĐT để phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, điển hình là các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn… Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập website TMĐT để bán hàng hoặc để cho các doanh nghiệp, tổ chức khác tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên website của mình.​

Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT), Bộ Công Thương vừa công bố sau khi điều tra khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp trên cả nước. Đối tượng khảo sát bao gồm các doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình, lĩnh vực và quy mô. Các phân tích trong chương này dựa trên kết quả của 4.751 phiếu thu về từ cuộc khảo sát. Báo cáo này cho thấy 45% doanh nghiệp có website, 8% doanh nghiệp cho biết sẽ xây dựng website trong năm tiếp theo.Tỷ lệ website có chức năng đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến lần lượt là 53% và 17%.

Sự phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy kinh doanh qua mạng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Theo khảo sát năm 2015 của Cục TMĐT và CNTT, 97% doanh nghiệp chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 16% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán.

Một số thống kê về hạ tầng thanh toán điện tử 2015

Nguồn: Báo cáo thương mại điện tử 2015 – Cục TMĐT và CNTT

Về tình hình mua sắm trực tuyến với cá nhân, năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến của một người ước tính đạt khoảng 160 USD và doanh số TMĐT B2C đạt 4,07 tỷ USD. Máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng và thời trang và phụ kiện là 2 nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các website cung cấp dịch vụ TMĐT với đồng tỷ lệ là 23%. Nhóm dịch vụ bất động sản chiếm 12%, thực phẩm đồ uống 10%, dịch vụ lưu trú và du lịch 8%.

Theo Báo cáo thương mại điện tử năm 2015 hiện nay hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Và theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và POS có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến cuối tháng 3/2015, trên 16.100 ATM và trên 192.000 POS/EDC được lắp đặt (tăng 41% và 269% tương ứng so với cuối năm 2010), tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 11,89% vào tháng 10/2015.

Mặc dù TMĐT phát triển sôi động trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho giao dịch trên mạng, đặc biệt là việc xây dựng lòng tin của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này vượt khỏi phạm vi các biện pháp chế tài và quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự chung sức của cả người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn mức chuẩn mực chung mà pháp luật quy định để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào một mô hình kinh doanh hay một đơn vị kinh doanh cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *