Thanh toán điện tử tại Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển nhanh của thương mại điện tử

Thanh toán điện tử tại Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển nhanh của thương mại điện tử

Nguồn: Tổng hợp
Thứ hai, ngày 29/02/2016 – 04:04 chiều

Các nước trên thế giới đã tiến hành thanh toán điện tử từ lâu. Thậm chí, ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%. Ở nước ta, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy thanh toán trực tuyến nhưng thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi dẫn đến thanh toán điện tử vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.

Thanh toán điện tử trong dịch vụ công và doanh nghiệp với những số liệu không mấy khả quan dù tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến từ nhiều năm nay và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về loại hình dịch vụ này nhưng kết quả vẫn không cao. Tổng số tiền đã nộp vào Ngân sách Nhà nước qua cổng thuế điện tử của Tổng cục Thuế từ ngày 1/1/2015 đến cuối năm 2015 đạt hơn 104.000 tỷ đồng, với trên 600.000 lượt giao dịch thực hiện (qua cổng của Tổng cục Thuế đạt 97.500 tỷ đồng; qua dịch vụ Ebanking ngân hàng hơn 6.500 tỷ đồng).

Theo Chỉ số thương mại điện tử năm 2015 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam xây dựng sau cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 9 tới tháng 11 năm 2015 tại 4.735 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán là 16%. Tỷ lệ này không có sự khác biệt lớn so với các năm trước. Hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ được 4% doanh nghiệp sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Tỷ lệ thanh toán cho các giao dịch trực tuyến thông qua thẻ cào tiếp tục ở mức rất thấp là 2% và có xu hướng giảm dần.

Trong khi các hình thức thanh toán tiên tiến, chẳng hạn qua các thiết bị di động, đang hình thành ở Việt Nam thì hình thức giao hàng thu tiền vẫn là kênh thanh toán phổ biến nhất.

Trong Ngày mua sắm trực tuyến được tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 năm 2014, phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt giao hàng nhận tiền (COD) và chuyển khoản chiếm ưu thế với tỷ lệ tương ứng là 72% và 13%. Các phương thức thanh toán điện tử như ví điện tử, thẻ thanh toán hay Internet banking chỉ chiếm 11%.

 Đã có nhiều nhận định lạc quan về tiềm năng rộng mở và tương lai sáng lạn của thương mại điện tử cũng như thanh toán điện tử tại Việt Nam… Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy con đường thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều gập ghềnh, nhiều rào cản và bất cập, trong đó thanh toán điện tử là một vấn đề nổi cộm và có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất của kinh doanh thương mại điện tử.

Có thể liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu được giới thương mại điện tử đưa ra như thói quen sử dụng tiền mặt đã bám sâu vào người dân, tâm lý muốn kiểm tra sản phẩm trước khi trả tiền… Mặt khác, hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử chưa đáp ứng sự phát triển của thương mại điện tử. Trong khi số lượng thẻ phát hành khá cao thì độ phủ của các POS còn hạn chế và chỉ tập trung ở một số thành phố lớn. Hơn nữa, mức phí chiết khấu đối các đơn vị chấp nhận thẻ chưa phù hợp với các đơn vị bán lẻ. Các hình thức thanh toán tiên tiến, đặc biệt là thanh toán qua các thiết bị di động, chậm được triển khai.

Mặc dù tỷ lệ thanh toán điện tử hiện nay còn thấp nhưng có đánh giá cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường phát triển thanh toán điện tử tiềm năng nhất so với các nước khác ở châu Á do có mức tiêu thụ lớn, dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, số đông người dân vẫn sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Ngược lại, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh sẽ tạo động lực để thanh toán điện tử phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *