Tổng quan thực trạng ứng dụng thương mại điện tử Hải Phòng năm 2016 và khuyến nghị

Tổng quan thực trạng ứng dụng thương mại điện tử Hải Phòng năm 2016 và khuyến nghị

Nguồn: Tổng hợp
Thứ năm, ngày 23/02/2017 – 11:31 sáng

Ứng dụng Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã diễn ra trên 10 năm nay và đã có những bước phát triển rõ rệt góp phần thúc đẩy thương mại mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Hải Phòng luôn đứng trong 5 tỉnh/thành phố đứng đầu về ứng dụng TMĐT. Nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT thành phố, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh  của thành phố, đưa Hải Phòng đến năm 2020 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, ngày 23 tháng 8 năm 2016 Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số: 1746/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030.

Năm 2016 TMĐT Hải Phòng đã có những bước phát triển rõ ràng thông qua, kết quả khảo sát của Trung tâm Thương mại điện tử – Sở Công Thương Hải Phòng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều có những ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh như tìm kiếm thông tin (84,4%), thư điện tử (55,6%), … Về tình hình xây dựng website, một tín hiệu tốt là trong năm 2016 doanh nghiệp đã chú trọng phát triển các tính năng cung cấp thông tin sản phẩm, cho phép đặt hàng trực tuyến (website bán hàng trực tuyến), thanh toán trực tuyến. Nếu như năm 2015, chỉ có 19% website trên tổng số doanh nghiệp có website được điều tra có chức năng cho phép đặt hàng, thì năm 2016 tỷ lệ này đã tăng thành 41%.

Về tình hình ứng dụng TMĐT của người dân, kết quả điều tra cho thấy có đến 95,4% người được điều tra đã kết nối Internet, trong đó có đến 54,4% người được điều tra đã kết nối Internet trên 5 năm (năm 2015 là 37,4%) và mức thời gian sử dụng Internet có xu hướng tăng với khoảng 60% người sử dụng Internet trên 3h/ngày. Có nhiều điều đáng mừng từ thị trường bán lẻ điện tử khi người tiêu dùng đã quen dần với mua sắm qua Internet, và có sự chuyển dịch rõ nét sang hình thức mua qua điện thoại thông minh. Đây là xu hướng thay đổi khác biệt trong những năm gần đây tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Có đến 46% số người trả lời đã mua hàng qua phương tiện này.

Ngoài ra, việc khảo sát tình hình hỗ trợ ứng dụng TMĐT của cơ quan/doanh nghiệp trên địa bàn cũng được chú trọng, đối tượng điều tra bao gồm các cơ quan hành chính thuộc ủy ban nhân dân các cấp, ngân hàng thương mại, các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử, công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics, hải quan, thuế…Kết quả khảo sát cho thấy các hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử đã mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp và người dân nhiều nhất là tăng cơ hội kinh doanh (khoảng 40%), sau đó là kết nối thị trường mua và bán (khoảng 37,3%), tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn ,….

Bên cạnh những mặt tích cực hoạt động TMĐT Hải Phòng năm 2016 còn tồn tại một số hạn chế. Theo kết quả khảo sát, mặc dù số doanh nghiệp xây dựng website chiếm tới 35,7% nhưng hầu hết website tồn tại dưới hình thức đơn giản, là cổng giới thiệu doanh nghiệp, và chủ yếu được xây dựng trong thời gian từ năm 2010 đến nay.

Về tần suất mua hàng qua mạng Internet, thì mức tần suất mua hàng hàng ngày vẫn rất thấp mới có 1,7%, chủ yếu tần suất cao nhất là mua hàng hàng tháng 35,1%, sau đó là hàng quý 28,1%. Và về mức chi tiêu mua hàng qua mạng Internet của người dân, theo kết quả điều tra năm nay, có đến 38% số người chi tiêu dưới 1 triệu VNĐ, từ 1 đến 3 triệu đồng chiếm khoảng 59%, và chỉ có 3% có mức chi tiêu trên 5 triệu đồng trong 1 năm….

Để duy trì vị trí, rút ngắn khoảng cách phát triển TMĐT với hai thành phố đi đầu cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số chuyên gia về TMĐT của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin – Bộ Công Thương cho rằng các cơ quan hỗ trợ phát triển TMĐT, doanh nghiệp và người dân Hải Phòng cần lưu ý các khuyến nghị sau:

Đối với doanh nghiệp ứng dụng TMĐT: cần tăng tính chủ động trong ứng dụng TMĐT thông qua xây dựng kế hoạch dài hạn, để có những đề xuất hỗ trợ kịp thời với các cơ quan quản lí và phát triển TMĐT trên địa bàn.

Đối với người dân: nâng cao nhận thức về ứng dụng TMĐT, biết tự bảo vệ khi tham gia thương mại điện tử, tăng cường khai thác kết hợp TMĐT với thương mại truyền thống để giảm bớt rủi ro khi mua hàng trực tuyến

Đối với các cơ quan hữu quan: nắm rõ định hướng và chính sách phát triển TMĐT quốc gia, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa vai trò đầu mối trong hỗ trợ, quản lí và thúc đẩy phát triển TMĐT.

Nhìn chung  trong thời gian qua hoạt động ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công TMĐT cần có sự chung tay và nỗ lực của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc đề ra những quyết sách đúng đắn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *