Khắc phục điểm yếu để đưa nông sản Việt “đem chuông đi đánh xứ người”

Công nghệ bảo quản còn hạn chế, thiếu vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn… là những “điểm yếu” mà hầu hết hợp tác xã, doanh nghiệp nông sản đang gặp phải khi muốn “mang chuông đi đánh xứ người”.

Nhiều điểm yếu của nông sản chưa được khắc phục

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản đã tăng mạnh. Hiện cả nước có 7.500 cơ sở chế biến rau củ, trái cây, trong đó có 157 cơ sở hiện đại, quy mô công nghiệp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và ĐBSCL.

Các sản phẩm chế biến rau quả cũng bắt đầu có xu hướng thay đổi, tập trung vào nước ép cao cấp và sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì vẫn chưa đạt. Hiện tất cả các loại sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu mới chỉ khoảng 15%, còn 85% vẫn là giá trị xuất tươi, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 23%. Trong khi đó, công nghệ bảo quản quả tươi vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hao hụt cao, làm giảm giá trị nông sản Việt.

Khắc phục điểm yếu để đưa nông sản Việt "đem chuông đi đánh xứ người"
85% nông sản Việt vẫn đang đang xuất khẩu tươi

Chia sẻ tại Hội nghị tham vấn Đề án phát triển ngành chế biến rau củ quả phục vụ tái cơ cấu diễn ra ngày 30/10 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Ưng Thế Lãm – Chủ tịch HĐQT HTX Làm nông minh bạch -cho biết: Vướng mắc lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi cũng như chế biến là không biết vùng nguyên liệu nằm ở đâu, có đạt chất lượng không. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều đang phải mua nguyên liệu ở nhiều vùng nguyên liệu khác nhau, do đó, chỉ cần một vùng không đạt chất lượng thì cả lô hàng sẽ phải bỏ. Trong khi đó, với trái cây tươi, xử lý sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn thấp nên khả năng cạnh tranh kém.

Theo ông Lãm, hiện nay tất cả các thị trường đều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cũng như an toàn thực phẩm. Điển hình như, thị trường Âu – Mỹ quy định, công ty phải có tiêu chuẩn ISO để biết cách giao tiếp quốc tế, nhà máy phải đạt chuẩn HACCP để kiểm tra chất lượng. Với nguyên liệu cũng phải đạt chuẩn Global GAP. Hay như với thị trường Trung Quốc, giờ đây thị trường này cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng. Nên dù doanh nghiệp xuất sản phẩm tươi hay sản phẩm chế biến thì đều phải đáp ứng chất lượng.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến cần có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 25.000 – 30.000 ha. Để có được diện tích này, công ty phải liên kết với các hợp tác xã, song khi liên kết như vậy, vấn đề đặt ra là chất lượng sản phẩm lại không đạt yêu cầu.

“Tại Bắc Giang, nông sản thu hoạch chủ yếu là quả vải. Tuy nhiên sản lượng vải tại đây chỉ đủ công suất cho dây chuyền hoạt động từ 1,5 – 2 tháng. Trong khi đó, các loại cây trồng khác chưa đủ khối lượng để đưa vào chế biến”, vị này cho biết thêm.

Cần thêm cơ chế thúc đẩy chế biến nông sản

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến rau quả, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường; tạo môi trường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh nội địa kết nối chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu. Mặt khác cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến rau quả.

Trong khi đó, ông Ưng Thế Lãm cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề này thì nhà nước cần hướng dẫn cho các địa phương đăng ký cụ thể thông tin về vùng trồng, diện tích… để các doanh nghiệp biết. Ví dụ như thanh long ở Bình Thuận có 30.000ha, trong đó khu vực nào đạt tiêu chuẩn VietGAP, khu vực nào đạt tiêu chuẩn Global GAP, khu vực nào trồng hữu cơ đều được kê khai rõ ràng. Từ đó, doanh nghiệp đăng ký thu mua, đảm bảo đầu ra cho nông dân, đồng thời tránh được tình trạng phá giá, cạnh tranh nguyên liệu, giành giật thị trường…

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch HĐQT Vina T&T, muốn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nông sản xuất khẩu thì người dân và doanh nghiệp phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển. Để làm được điều này, cần xây dựng các hợp tác xã nhằm liên kết nông dân với nhau và liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *