Ngành dăm gỗ: Mất cân đối giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu

Những vùng có các diện tích rừng trồng lớn nhất cũng chính là vùng có năng lực chế biến sâu hạn chế nhất. Sự hình thành và phát triển của ngành dăm gỗ là kết quả tất yếu của việc mất cân đối này.

Xuất khẩu dăm vẫn trên đà tăng

Báo cáo “Tại sao Ngành dăm gỗ của Việt Nam Phát triển” do Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội gỗ gồm: VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA và BIFA vừa công bố cho thấy, hiện nay đang có sự mất cân đối giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu.

Đến nay ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ (gọi tắt là ngành dăm gỗ) đã trở thành một hợp phần quan trọng trong hệ sinh thái ngành gỗ. Bình quân mỗi năm xuất khẩu dăm đem lại trên dưới 1,5 tỷ USD, chiếm 15-18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của cả Việt Nam. Lượng dăm xuất khẩu hàng năm khoảng 12 triệu tấn, tương đương với 24 triệu m3 gỗ tròn nguyên liệu đầu vào. Trong 7 tháng đầu 2020, lượng dăm xuất khẩu đạt trên 6,9 triệu tấn và 923 triệu USD. Xuất khẩu dăm vẫn trên đà tăng.

4056-xuat-khau-dam
Trong 7 tháng đầu 2020, lượng dăm xuất khẩu đạt trên 6,9 triệu tấn và 923 triệu USD

Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành dăm chủ yếu là từ nguồn gỗ rừng trồng của hộ trồng rừng. Điều này có nghĩa rằng sự tồn tại và phát triển của ngành dăm có liên quan trực tiếp tới sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, bao gồm nhiều hộ gia đình nghèo sống ở vùng núi.

Con số thống kê gần đây của Cục Kiểm lâm cho thấy hiện có khoảng 1,1 triệu hộ gia đình tham gia vào khâu trồng rừng nguyên liệu, với diện tích trên 1,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 1,4 triệu ha đã thành rừng. Số hộ gia đình tham gia trồng rừng lớn với các diện tích rừng trồng rộng lớn cho thấy ý nghĩa to lớn về cả mặt xã hội và môi trường mà các hộ mang lại.

Đến nay vẫn còn có những quan điểm không ủng hộ sự phát triển của ngành dăm. Các quan điểm này dựa trên các nghi ngại rằng ngành dăm thực chất là xuất khẩu nguyên liệu thô và do vậy không đem lại giá trị gia tăng cao cho nguồn gỗ rừng trồng của hộ. Theo luồng quan điểm này, ngành dăm sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ nhỏ, từ đó khuyến khích các hộ khai thác rừng sớm, làm hạn chế việc hình thành nguồn cung gỗ rừng trồng là gỗ lớn. Điều này cản trở sự hình thành nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào là gỗ lớn sử dụng cho ngành chế biến sâu – ngành mang lại giá trị gia tăng cao hơn ngành dăm.

Đồng tình với luồng quan điểm này, trong những năm vừa qua Chính phủ đã áp dụng cả hai loại hình công cụ là “cây gậy” và “củ cà rốt”. Cụ thể, công cụ cây gậy thể hiện qua việc áp thuế xuất khẩu dăm ở mức 2% kể từ 1/1/2016. Công cụ “củ cà rốt” bao gồm các hỗ trợ về tài chính cho người trồng rừng nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn.

Câu hỏi là trọng tâm đặt ra trong Báo cáo này là tại sao ngành dăm tiếp tục phát triển bất chấp các nỗ lực của Chính phủ nhằm hạn chế sự phát triển của ngành này? Trả lời câu hỏi này Báo cáo tìm hiểu mối tương quan giữa ba hợp phần: Phân bố các diện tích rừng trồng hiện nay, là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho cả ngành chế biến sâu và ngành dăm; Phân bố các doanh nghiệp chế biến sâu trong cả nước hiện nay; Phân bố các doanh nghiệp dăm.

Phân tích các mối tương quan trên, Báo cáo chỉ ra rằng hiện đang có sự mất cân đối mang tính chất hệ thống giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu tại các vùng này. Cụ thể, ở những vùng có diện tích rừng trồng rất lớn như Bắc Trung Bộ, Duyên Hải, và Đông Bắc, sự hiện diện của các doanh nghiệp chế biến sâu mỏng. Điều này tạo nền tảng và cơ hội cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp chế biến dăm nhằm tiêu thụ nguồn cung gỗ nguyên liệu sẵn có từ các vùng này.

Ở các vùng có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào, không có sự cạnh tranh về gỗ nguyên liệu đầu vào giữa ngành chế biến sâu và ngành dăm như một số người thường hay quan niệm. Do vậy, các biện pháp can thiệp của Chính phủ như áp dụng thuế xuất khẩu dăm hay khuyến khích trồng rừng gỗ lớn nhằm hạn chế sự phát triển của ngành dăm đang và sẽ tiếp tục không đạt được kết quả kỳ vọng. Ngược lại, các biện pháp “cây gậy”, đặc biệt là thông qua áp dụng thuế xuất khẩu đã và đang có tác động ngược, làm tăng chi phí và giảm lợi ích của nguồn gỗ rừng trồng của các hộ.

Nên để thị trường điều tiết

Phát triển hay suy thoái của ngành dăm nên để thị trường điều tiết. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường, tuy nhiên không phải qua công cụ là “cây gậy” mà cần phát huy hiệu quả của “củ cà rốt” dựa trên những thông tin chính xác về tương tác giữa các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng và năng lực chế biến sâu tại các vùng này trong mối tương quan với ngành dăm.

Chính phủ và chính quyền các địa phương nơi có các diện tích rừng trồng lớn và các cơ sở chế biến sâu chưa phát triển cần ban hành các cơ chế và chính sách vĩ mô nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu vào các vùng này. Các cơ chế và chính sách này cần ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistic, ưu đãi về thuê đất, tạo chuỗi liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung, liên kết giữa ngành dăm và các ngành chế biến sâu.

Báo cáo cũng cho rằng ngành dăm không thể tồn tại mãi như hiện nay mà cần có sự chuyển đổi nhằm phù hợp với xu thế phát triển. Chuyển đổi của ngành cần dựa trên các lợi thế cạnh tranh, đảm bảo rằng các lợi ích của các sản phẩm thay thế, bao gồm cả về xã hội và môi trường, cao hơn so với sản phẩm dăm. Chuyển đổi có thể bao hàm việc đa dạng hóa đầu ra sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng, tạo thị trường cạnh tranh về gỗ nguyên liệu, tạo các sản phẩm có thế mạnh dựa trên các vùng sinh thái, từ đó góp phần nâng cao giá trị cho nguồn gỗ rừng trồng của các hộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *