Hải Phòng hướng tới trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ quốc gia và khu vực
05-08-2024 10:14 AM
Hải Phòng được biết đến là đô thị cảng biển đã hình thành được hơn 135 năm, với hơn 126 km bờ biển, hơn 4.000 km diện tích mặt biển; là đầu mối giao thông - giao lưu quan trọng của Việt Nam và quốc tế. Thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông (đường biển, bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa) thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới.
Với lợi thế, tiềm năng từ vị trí địa lý, những năm qua, Hải Phòng tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo ba trụ cột kinh tế gồm:Công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Thành phố hiện có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tạo nên tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, thành phốphát triển các bến mới với hơn 100 cầu bến các loại, trong đó có 50 bến cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Namtrên 2 tuyến luồng hàng hải quốc gia là Hải Phòng và Phà Rừng.Nổi bật là Khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đã được hoàn thành và đưa vào khai thác 2 bến khởi động từ tháng 5 năm 2018,có thể tiếp nhận tàu lên đến 160.000 DWT. Quý 1-2025, có thêm 4 bến tại Lạch Huyện đi vào khai thác.
Ngoài ra, Hải Phòng còn có hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính…
Với những lợi thế, tiềm năng vị trí địa lý, cùng quyết tâm mạnh mẽ của thành phố và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, logistics dần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Theo quy hoạch, mạng lưới logistics Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 1.700 - 2.000 ha và đến năm 2040 khoảng 2.200 - 2.500 ha, gồm trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính.
Tuy nhiên hiện nay, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành logistics của Hải Phòng đang tồn tại một số vấn đề nhưdịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thếcủa thành phố;chi phí logistics còn cao do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ;công nghệ thông tin còn hạn chế…Đây là những trở ngại trên con đường trở thành trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ quốc gia và khu vực của Hải Phòng.
Vừa qua, UBND thành phố phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chứcDiễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 với chủ đề : "Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2024". Tại diễn đàn, các nhà quản lý; các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện hiệp hội logistics đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như thành phố Hải Phòng nói riêng.
Cùng với đó tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước đến với Hải Phòng bằng chính sách hấp dẫn. Đồng thời, khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển, tăng tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp; gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu là thế mạnh của thành phố, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hình thành và hoạt động hệ thống trung tâm logistics…
Đặc biệt, Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới, như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng… mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng./.