Hải Phòng là vùng đất có truyền thống văn hoá với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong những di sản văn hoá ấy, nổi bật là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – một lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại hơn 10 năm nay và được Nhà nước xác định là 1 trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hoá, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người. Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức chính thức vào 9/8 âm lịch hàng năm:
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”
Độc đáo
Có nhiều ý kiến về nguồn gốc ra đời của lễ hội Chọi trâu và những căn cứ giải thích khác nhau, nhưng ở Đồ Sơn vẫn có câu thành ngữ “Trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ” để lập luận Hội Chọi trâu ra đời cùng với việc trở thành hoàng làng. Theo truyền thuyết và thần tích thì Lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18.
Tương truyền rằng, xa xưa, vào một đêm trăng thanh nhưng sóng to, gió lớn, mưa giăng, ông Chủ tế của làng nằm mơ thấy đôi trâu chọi nhau rất lâu, rất hăng ở xó Sóng. Biển cả tung lên những ánh bạc lấp lánh. Dân làng hò nhau ra xem thì đôi Trâu biến mất. Sáng hôm sau, có đôi trâu nhà ở xóm Đông, dưới chân núi Độc tự nhiên chọi nhau, dân chài dưới thuyền, trên bến kéo nhau ra xem đông nghịt cả một vùng.
Ông Chủ tế bèn kể lại cho dân làng Tổng nghe. Dân làng cho đó là điềm lành, nên bàn nhau mở hội Chọi trâu vào ngày mồng 9/8 âm lịch hàng năm, ngày 10/8, làng thịt Trâu tế thần, cầu thần phù hộ cho nhân khang, vật thịnh, xuôi chèo, mát mái vào lúc xa khơi. Từ đó, Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn đã hình thành và được nhân dân duy trì hàng nghìn năm cho đến tận ngày nay.
Thu hút
Trước mỗi trận đấu, hàng chục nam thanh nữ tú múa cờ, đánh trống, hò reo tưng bừng. Sau tiếng loa thông báo, từng cặp trâu vào sới. Hai “Ông Trâu” xông vào nhau dùng sức mạnh để húc, để ghì, để khóa sừng trong tiếng reo hò vang dội đất trời của dân làng và những người tham gia Lễ hội. Trâu nào bỏ chạy là thua, trâu thắng sẽ được tham dự vòng chung kết. Trâu đoạt giải nhất sẽ được rước về đình trong tiếng hò reo hân hoan của người dân. Tuy nhiên, trâu thắng, hay trâu thua đều được làm thịt để cúng thần và chia đều cho mọi người gọi là “lộc” và đây là tập tục của địa phương mà tất cả mọi người dân đều phải theo. Sau khi trâu tham gia chọi bị giết thịt, mọi người lấy một bát tiết cùng một ít lông trâu (mao huyết) dâng lên cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. Mọi người cùng ăn chúc phúc. Truyền rằng, sau khi ăn thịt con trâu thắng cuộc, may mắn sẽ đến, đặc biệt đối với ngư dân đi biển.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: việc trâu dùng để chọi được chủ trâu lựa chọn rất công phu trong khoảng một năm. Các chủ trâu phải đi mua trâu ở khắp các nơi, không nề hà chuyện trâu xa hay gần. Có khi chủ trâu phải đi sang các nước khác như Malaysia, Singapores… để tìm trâu. Trâu tốt phải là trâu có nước da đen bóng, sừng đen như mun, mắt đen, tròng đỏ….Trâu được mua về phải qua vòng đấu loại gồm 32 trâu, thi đấu trên 17 phường, sau đó chọn lấy 16 trâu vào chung kết. Trâu chọi có người huấn luyện và chăm khá công phu, kỹ lưỡng.
Người vùng biển đã gửi gắm tinh thần và ý chí của mình vào những “kháp đấu” giữa các “ông trâu”. Mỗi “ông trâu” trên xới đấu thắng thua ra sao sẽ chứng tỏ tài năng của các ông chủ trâu, của phường, xã mình. Như vậy các “kháp đấu” giữa những ông trâu đã trở thành nghệ thuật, có tính biểu tượng, thể hiện bản sắc văn hoá.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục hồi như hiện nay nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chấn hưng lễ hội, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Ngày nay, Hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành ngày hội truyền thống của người dân miền biển, không chỉ thu hút người dân Hải Phòng, mà còn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo có một không hai trên cả nước.
Một điều khá thú vị khác là các “ông trâu” khi tham gia thi đấu đều được mua bảo hiểm. Bản thân du khách đến xem cũng được mua bảo hiểm… nhằm bảo vệ sự an toàn cho khách. Để lễ hội năm nay thực sự trở thành ngày hội, Phòng văn hóa quận có sự chuẩn bị khá công phu, kĩ lưỡng từ việc đảm bảo an toàn cho lễ hội cũng như việc chuẩn bị hàng rào thoát trâu được đầu tư, nâng cấp…