Cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng vệ thương mại: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, chính sách về phòng vệ thương mại (PVTM), bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, công tác cải cách hành chính (CCHC) đang được Cục PVTM (Bộ Công Thương) tích cực triển khai, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực PVTM, công tác CCHC thể hiện trên các mặt, như: Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa nền hành chính; công tác về cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục PVTM đã tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, cũng như tổ chức trong việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn, nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM.

Thực hiện Quyết định số 3806A/QĐ-BCT về công bố TTHC được thay thế trong lĩnh vực PVTM thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, hiện Cục PVTM đang thực hiện 3 TTHC: Thủ tục khai báo nhập khẩu (NK) đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM; thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, NK và tạo thuận lợi thương mại của Bộ Công Thương giai đoạn 2018-2020, các TTHC trong lĩnh vực PVTM sẽ được kết nối với Cơ chế hải quan một cửa trong năm 2020, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN và các bên liên quan.

1809-ynh-chyn
Đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức về PVTM

Bên cạnh đó, thời gian qua, Cục PVTM luôn duy trì việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; niêm yết công khai các TTHC tại trụ sở; chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các TTHC. Đồng thời, Cục đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện việc triển khai hệ thống tài khoản tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị trên trang Dịch vụ công quốc gia; Cục cũng sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ hành chính và chuyển phát kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, công dân với Bưu điện TP. Hà Nội.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ Công Thương, Cục PVTM đã xây dựng cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc hành chính. Cụ thể, ứng dụng hệ thống văn bản điện tử (iMOIT) của Bộ Công Thương vào hoạt động chuyên môn; sử dụng chữ ký số; ứng dụng hệ thống thư điện tử (email) để trao đổi thông tin… rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm tải, tiết kiệm giấy tờ; duy trì vận hành Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc PVTM đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam; hoàn thành việc xây dựng và công bố Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Kết quả trong công tác CCHC đang góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về PVTM. Tuy nhiên, PVTM là lĩnh vực mới, phức tạp khi Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế quốc tế. Vì vậy, Cục PVTM xác định, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, trong đó chủ động cập nhật các văn bản pháp luật mới liên quan đến công tác chuyên môn, kịp thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cục PVTM đang nỗ lực đáp ứng mục tiêu cải cách TTHC, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *