Doanh nghiệp da giày cần đánh giá rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường EU

Trước những khó khăn thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp da giày trong nước đang cố gắng duy trì hoạt động và tìm cách khẳng định thương hiệu của mình đối với thị trường thế giới, trong đó có châu Âu (EU). Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật vẫn là những trở ngại khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Khó khăn hàng rào kỹ thuật

Để giúp các doanh nghiệp da giày tận dụng các cơ hội trong bối cảnh thương mại mới, ngày 25/9, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp da giày và túi xách Việt Nam tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định trong các hiệp định thương mại thế hệ mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Thị Thanh Xuân –Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho biết: Các Hiệp định thương mại thế hệ mới đã có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong thời gian qua và đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) đã có hiệu lực, hứa hẹn mang đến một bước phát triển mới cho ngành công nghiệp da giày, túi xách Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp da giày trao đổi, thảo luận, cập nhật chia và hiểu rõ hơn về các quy định thương mại thế hệ mới cũng như các quy định, luật mới sửa đổi ban hành thực thi trong thời gian tới, tránh những rủi ro trong quá trình hợp tác với các nước.

Cũng trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Trúc, Trưởng phòng thử nghiệm hóa, Công ty TNHH TUV SUD Việt Nam đã cập nhật những quy định mới đối với giày dép xuất khẩu vào thị trường EU: Trong đó, các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định khác về hóa chất của EU liên quan trực tiếp đến ngành da giày. Cụ thể, quy định thứ nhất là REACH Regulation (các hóa chất có nguy cơ cao). Thứ hai là BPR (các chất sát khuẩn) và ba là POPs (các chất ô nhiễm môi trường khó phân hủy).

“Đây là 3 rào cản tiêu chuẩn cần thiết mà các doanh nghiệp phải nắm được, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng nhằm đi trước dẫn đầu, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có đơn hàng nhiều hơn”, ông Trúc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Trúc, đại diện Công ty TNHH TUV SUD Việt Nam chia sẻ về những quy định mới đối với giày dép xuất khẩu vào thị trường EU

Do đó, các doanh nghiệp phải ký cam kết với các nhãn hàng, phải đánh giá rủi ro khi ký cam kết với các khách hàng. Quy định cấm các chất CMR (là các hóa chất gây ung thư) trong sản phẩm dệt may và da giày sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2020. Nếu sản phẩm dệt may và da giày không tuân thủ quy định REACH CMR sẽ không được lưu hành trên thị trường”, ông Trúc cho biết thêm.

Như vậy, các doanh nghiệp có thể nhận thấy, hiện nay, mức độ phức tạp của các luật định, sự minh bạch thông tin, mức độ thông minh của người tiêu dùng ngày càng tăng, yêu cầu về sự tuân thủ ngày càng khắt khe hơn. Đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao hơn về trình độ quản lý chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hỗ trợ kết nối cung cầu

Đánh giá về những khó khăn của ngành da giày hiện nay, bà Doãn Thị Thu Thủy- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp day giày đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận thực tế, các doanh nghiệp da giày trong nước đang rất cố gắng thiết kế mẫu mã, tự khẳng định thương hiệu của mình trên thế giới.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Nhà nước và Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động mang tính cấp thiết qua kênh online, phù hợp với tình hình mới nhằm tăng cường hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, tham gia triển lãm, hỗ trợ đưa các đoàn doanh nghiệp của Việt Nam giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, và đưa các đoàn nước ngoài vào hợp tác tại Việt Nam.

Bà Doãn Thị Thu Thủy- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hỗ trợ các doanh nghiệp da giày tăng khả năng xuất khẩu

Đặc biệt, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp lúc này là cần hết sức lưu ý về việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định mới của EU trong quá trình ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể như thuê tư vấn, thiết kế sản phẩm, đào tạo nâng cao nghiệp vụ… gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp quản lý tốt hơn các hoạt động xuất khẩu”, bà Thủy chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những thảo luận liên quan đến các kiến nghị như đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cho doanh nghiệp cơ hội tái đầu tư. Hỗ trợ lãi suất và chính sách tiếp cận đất đai đối với các doanh nghiệp hỗ trợ. Theo các chuyên gia nhận định, nếu công nghiệp hỗ trợ không có chính sách đột phá thì sẽ không thể phát triển được.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, bà Xuân cho biết, Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, những vướng mắc hiện có. Trên cơ sở nắm được nhu cầu của doanh nghiệp, hiệp hội sẽ hỗ trợ tối đa để có những đề xuất kịp thời, những kiến nghị phù hợp lên các cơ quan ban ngành nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *