Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ Thuỷ sản Cát Hải được thành lập năm 1959, có trụ sở tại địa chỉ: Tổ dân phố Lục Độ, Cát Hải, Hải Phòng. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực: Sản xuất và kinh doanh nước mắm, nước chấm các loại và dịch vụ thủy sản. Công ty có nhà máy sản xuất vận hành trung bình một năm là 312 ngày, với số giờ vận hành mỗi ngày: 8 giờ/ngày.
Với đặc thù sản xuất kinh doanh thời gian hoạt động trong năm của Công ty là 312 ngày, mỗi ngày sản xuất 1ca 8 tiếng. Bởi vậy, hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, hệ thống chiếu sáng sản xuất, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống máy nén khí đều có thời gian vận hành 8h /ngày.
Năng lượng sử dụng trong sản xuất gồm: điện, củi trấu, được cung cấp từ các hệ thống phụ trợ. Công nhân đóng vai trò vận hành, giám sát, xử lý các sự cố tại vị trí trong quá trình sản xuất.
Khối văn phòng của Công ty làm việc theo giờ hành chính, bao gồm có các phòng: hành chính, nhân sự, kỹ thuật, kế toán... Khối văn phòng này sẽ đảm nhận các công việc liên quan đến các thủ tục hành chính, quản lý bố trí nhân sự, kế toán tài chính, …
Bộ phận bảo trì có nhiệm vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa, giám sát thiết bị công nghệ, đảm bảo phục vụ cho sản xuất ổn định.
Việc vận hành các hệ thống điện, hệ thống cẩu, … do phòng kỹ thuật thực hiện. Công tác vận hành máy móc thiết bị được thực hiện theo quy trình quản lý thiết bị do công ty ban hành.
Ban giám đốc công ty rất quan tâm đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Với hệ thống thiết bị nhà xưởng được đầu tư rộng thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí sản xuất hợp lý. Việc thu thập các thông số của quá trình sản xuất hiện tại đang được các cán bộ kĩ thuật phụ trách trong từng dây chuyển đảm nhiệm. Tuy nhiên, đó chỉ là quá trình quan sát dựa trên các thông số hiển thị trên tủ điều khiển của dây chuyển.
Quy trình quản lý năng lượng của công ty mới dừng lại ở mức độ giám sát thông số của dây chuyền. Các thông số này không thường xuyên được cập nhật đến ban giám đốc nên không tạo được mối liên hệ xuyên suốt.
Là một doanh nghiệp sản xuất nước mắn truyền thống, Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ Thủy sản Cát Hải luôn ý thức được việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như là một giải pháp quan trọng nhất của Công ty. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Công ty đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, có thể kể đến như:
- Thay thế nhiên liệu đốt than bằng nhiên liệu chất đốt sinh khối.
- Đào tạo tuyên truyền, phổ biến tiêu chuẩn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến cán bộ công nhân viên thông qua các khóa đào tạo đầu vào, đào tạo định kỳ, các poster hướng dẫn.
- Công ty luôn tạo điều kiện cho cán bộ vận hành được tham gia các khóa đào tạo trung hạn và ngắn hạn nhằm nâng cao tay nghề, tiếp thu các kiến thức mới và công nghệ, tiên tiến.
1) Về quy trình công nghệ sản xuất, Nước mắm là một sản phẩm được tạo thành từ việc chiết xuất cá theo phương pháp ngâm ủ cá với muối để phân giải tự nhiên từ Protein phức đến Protein đơn và dừng lại khi tạo thành các amino axit nhờ tác dụng của các enzym có sẵn trong cá. Nước mắm sản xuất và chế biến tại huyện Cát Hải là nước mắm được sản xuất, chế biến theo phương pháp cổ truyền (đánh quậy và phơi nắng). Đặc trưng của phương pháp này là quá trình phân giải Protein và lên hương được diễn ra tự nhiên, không sử dung hoá chất (HCL, NaOH…) hay các loại vi khuẩn, nấm mốc. Nhằm tạo hương tự nhiên, giữ vị đượm và giàu giá trị dinh dưỡng. Phương pháp đánh quậy và bổ xung muối nhiều lần nhằm phòng chống thối, tiêu diệt các vi sinh phân huỷ thông thường, nhưng không kìm hãm quá nhiều khả năng hoạt động của men.
- Xử lí nguyên liệu
+ Cá sau khi được lựa chọn cần làm sạch, loại bỏ các tạp chất.
+ Cá cần được phân loại theo kích thước và loại cá để đảm bảo chất lượng đồng đều của chượp.
-Trộn muối
+ Cá tươi sau khi được xử lí làm sạch cần cho vào ang (chum) hay bể ướp để trộn với muối theo tỉ lệ nhất định. Lượng muối thông thường từ 25-30% lượng cá.
+ Cần phải trộn đều muối với cá, một lớp cá xen một lớp muối và trên bề mặt cần phủ một lớp muối dày 1-2cm để giữ nhiệt và ngăn các loại côn trùng xâm nhập, sau đó đậy kín.
+ Có thể trộn đều cá với muối ở ngoài rồi cho vào ang (chum) để ủ chượp.
+ Không cho nước vào ngay từ đầu vì cần dành thời gian để cho quá trình muối ngấm vào cá có thể tiết ra nhiều nước bổi, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển sau này. Sau 24-48h có thể cho thêm ít nước lã để thuận tiện cho việc đánh đảo, tăng tiếp xúc của các enzym hay vi sinh vật với thịt cá nhằm đẩy nhanh quá trình phân giải.
+ Đối với cá đã ướp muối, nếu thân cứng và tóp lại, mắt lõm và đanh thì tức là cá đã quá mặn, cần dùng nước lã để thoát bớt muối trong cá.
-Ủ chượp, đánh quậy và phơi nắng
+ Trong giai đoạn ủ chượp, hàng ngày phải mở ra đánh đảo, phơi nắng ban ngày, ban đêm đậy lại để giữ nhiệt làm cho chượp nhanh chín. Đánh quậy và phơi nắng như vậy nhằm thúc đẩy sự phân giải.
+ Chú ý theo dõi, nếu cá nổi lên mặt nước tức báo hiệu có hiện tượng thiếu muối, có thể gây nên tình trạng thối rữa. Trong trường hợp này cần bổ xung muối. Khi bổ xung cần tạo trên bề mặt một lớp muối dày từ 1-2cm.
+ Việc bổ xung muối tuỳ thuộc vào thời tiết, kích cỡ của cá. Chú ý nếu cho muối sớm quá sẽ làm cho quá trình thuỷ phân bị ức chế, muộn quá thì chượp dễ bị thối rữa giảm sút chất lượng. Tổng số lần cho muối khoảng 30% cho với cá sau 3-4 tháng.
+ Kiểm tra nếu thấy nước bổi mặn ( đo độ mặn trên 23
o Be ), có thể do cá đã mặn đầu hoặc bị ướp quá nhiều muối thì cần chắt một lượng nước bỏ ra cho vào chỗ khác và bổ sung thêm một lượng nước lã thích hợp ( thường lượng nước lã chiếm khoảng 20-30% so với lượng cá).
+ Khi đánh đảo phải đảo chượp từ dưới lên và từ trên xuống khiến chượp trở nên tơi và đồng đều. Cẩn trọng không được để muối lắng đọng xuống đáy bể. Trong tháng đầu cần phải đánh quậy thường xuyên, trung bình 1-2 ngày/lần. Từ tháng thứ 2 có thể giảm xuống 4-5 ngày/lần.
+ Chu trình chăm sóc chượp bằng đánh quậy, thêm nước hay muối rồi phơi nắng diễn ra nhiều lần cho tới lúc chượp chín (khoảng 9 tháng đến 1 năm).
+ Có thể đánh giá chượp chín bằng cảm quan hay phân tích thành phần. Nếu đánh giá cảm quan, chượp chín có mầu đỏ hoặc nâu tươi. Nước cốt có màu vàng rơm đến cánh dán. Mùi thơm đặc trưng, không có mùi chua, hôi. Cá đã nát nhuyễn lắng xuống đáy, cái chượp màu sáng, khi đánh quậy không còn sủi bọt. Chượp xấu có màu đen, mùi hắc.
-Lọc
+ Chượp loại tốt được cho vào bể để tiến hành lọc. Để đạt được sự đồng nhất và chất lượng cao, cần tiến hành đăng náo (tháo đảo) kỹ trước khi thu nước mắm thành phẩm loại chất lượng cao.
+ Chú ý mở nút lù để nước mắm chảy ra từ từ. Nước mắm được bơm lại bể chượp và lọc nhiều lần cho đến khi nước mắm trong được gọi là nước mắm cốt.
+ Số lần lọc thường là 4 lần để lấy hết cốt.
-Nấu cô
+ Bã sau khi lọc được sử dụng cùng chượp xấu để chế biến nước mắm loại 1, loại 2 bằng cách nấu cô, pha chế thêm.
-Bảo quản, đóng chai sản phẩm
+ Mắm sau khi được lọc rút cần được bảo quản ở điều kiện tự nhiên của môi trường trong các bể chứa bằng xi măng, các ang hay téc hợp vệ sinh và phải có mái che.
+ Sau khi kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, tiến hành đóng chai hoặc can theo quy định.
-Nhập kho
+ Thành phẩm được tiến hành nhập kho, bảo quản và chờ xuất xưởng.
Các thiết bị chính trong quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty như thiết bị bơm, máy nén khí, máy biến áp… đều hoạt động ổn định, có hiệu suất làm việc tốt. Công ty luôn chú trọng công tác bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống thiết bị trong quá trình sản xuất kinh doanh đảm bảo cho hoạt động sản xuất vận hành ổn định với hiệu suất cao. Công ty đã có một số biện pháp để tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm có thể cải tạo, sửa chữa nhằm giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ hơn nữa như:
Hệ thống chiếu sáng: Hiện tại Công ty đang sử dụng bóng đèn compac 80W dùng để chiếu sáng cho khu vực xưởng sản xuất. Đây là các thiết bị chiếu sáng có hiệu suất không cao và tiêu tốn điện năng, Công ty có thể tiến hành thay thế bằng thiết bị chiếu sáng mới có hiệu suất cao hơn và tiết kiệm điện hơn.
2) Hệ thống cấp điện
Hiện trạng, điện năng sử dụng trong công ty cấp thông qua 2 trạm biến áp dân sinh thuộc Công ty TNHH MTV Điện Lực Hải Phòng - Điện Lực Cát Hải.
Trạm biến áp Lương Năng MBA 400kVA-10/0,4kV cấp điện cho toàn bộ phân xưởng đóng gói và phân xưởng sản xuất chế biến chượp 2.
Trạm biến áp Cát Hải MBA400kVA – 10/0,4kV cấp điện cho khối văn phòng, phân xưởng sản xuất chế biến chượp 1 và phân xưởng sản xuất chế biến chượp 3. Chi phí điện năng sử dụng cho hai phân xưởng được thanh toán áp theo một đồng hồ công tơ ba pha điện tử ba giá. Ngoài ra công ty còn sử dụng ba máy phát điện dự phòng trong trường hợp nguồn điện lưới xảy ra sự cố mất điện, máy phát 60kVA làm nguồn dự phòng cho phân sản xuất chế biến chượp 2 và phân xưởng đóng gói. Máy phát điện 25 kVA làm nguồn dự phòng cho khối văn phòng.
Hệ thống thiết bị đóng cắt: Thiết bị đóng cắt sử dụng chủ yếu là cầu dao điện được lắp đặt trong hộp điện, chưa có thiết kế đồng bộ.
Hệ thống dây dẫn: Hệ thống dây dẫn phân nhánh tới các phụ tải sử dụng loại cáp đồng CU/XLPE/PVC có các dạng tiết diện khác dải từ 3*70mm
2 + 1*50mm
2 chưa được bố trí lắp đặt theo máng cáp. Các vị tủ thiết bị điện, không được theo dõi thường xuyên và kiểm tra bảo dưỡng theo định kỳ, tại các tủ điện chưa có dàn sơ đồ mạch động lực điều khiển thiết bị điện. Đối với khu vực có điện nguy hiểm cũng không có biển cảnh báo, rào che chắn bảo vệ và rất nguy hiểm cho người vận hành
Hiện tại công ty chưa có sự phân khu và theo dõi thực trạng sử dụng điện năng đối với các khu vực sản xuất, và các thiết bị tiêu thụ điện năng chính như (hệ thống bơm nước, máy nén khí...).
Phụ tải điện MCCB 400A (phụ tải TBA lương Năng) tại thời điểm đo phụ tải tiêu thụ dao động trong khoảng từ có Pmin = 47 kW ÷ Pmax = 80 kW, tương ứng với dòng điện và điện áp trong khoảng Imin = 76 A ÷ Imax = 141 A, Umin = 375V ÷ Umax = 382V. Hệ số công suất dao động cao cosφmax = 0,85, cosφtb = 0,95. Phụ tải hoạt động ổn định, không có hiện tượng lệch pha, hệ số công suất cao, luôn luôn duy trì trên 0,9. Đáp ứng yêu cầu của bên cung ứng điện.
Phụ tải điện CD 400A (phụ tải TBA Cát Hải) tại thời điểm đo phụ tải tiêu thụ dao động trong khoảng từ có Pmin = 30 kW ÷ Pmax = 43 kW, tương ứng với dòng điện và điện áp trong khoảng Imin = 46 A ÷ Imax = 68 A, Umin = 375V ÷ Umax = 380V. Hệ số công suất dao động cao cosφmax = 0,93, cosφtb = 0,97. Phụ tải hoạt động ổn định, không có hiện tượng lệch pha, hệ số công suất cao, luôn luôn duy trì trên 0,9. Đáp ứng yêu cầu của bên cung ứng điện.
Khuyến nghị:
Cần theo dõi thống kê tiêu thụ điện năng để thuận tiện cho việc quản lý, kiểm soát suất tiêu hao điện năng trên sản lượng theo từng công đoạn và có sự so sánh điện năng tiêu thụ giữa các tháng với nhau trong năm được dễ dàng hơn.
Các vị trí tiêu thụ điện năng chính cần lắp đặt các đồng hồ đo đếm điện năng cho từng khu vực cần phải được thống kê và theo dõi ghi lại chỉ số công tơ và được kiểm soát thông qua bộ phận kĩ thuật điện tại công ty.
Hệ thống điện, các tủ điện, và hệ thống dây dẫn cần theo dõi, kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên nhiều hơn tránh hiện tượng bụi bẩn bám nhiều gây mất an toàn cho các thiết bị đóng cắt và nguy hiểm đối với người vận hành. Cần lập sơ đồ đơn tuyến điện và lắp đặt thiết bị đồng hồ báo dòng điện, báo điện áp tại vị trí cầu dao tổng (hệ thống điện đầu nguồn) dễ dàng xác định độ lệch pha trong mạng điện một cách thuận lợi.
4)
Hệ thống bơm là hệ thống tiêu thụ năng lượng điện chính của công ty. Do đặc thù sản xuất của công ty nên những động cơ bơm có công suất vừa và nhỏ, củ và cánh bơm đã được thay đổi nhiều lần để phù hợp với môi trường muối mặn. Hầu hết các bơm đều mất tem mác và thông số định mức. Tất cả các động cơ bơm tại công ty đều khởi động trực tiếp, đóng cắt bằng cầu dao 3 pha.
Công ty sử dụng động cơ bơm 3 pha khởi động trực tiếp có công suất 7,5kW. Dùng để bơm nước biển vào bể chứa, mục đích để lấy nước rửa dụng cụ sản xuất.
Động cơ đặt xa so với nguồn điện tổng, dây dẫn dài và nhỏ. Vì vậy trong quá trình hoạt động của công ty gây lên hiện tượng sụt áp cho động cơ bơm.
Tất cả động cơ bơm bể chượp là động cơ 3 pha của nhật, buồng bơm rời bằng inox. Công suất của động cơ bơm là 3,7kW, khởi động trực tiếp. Bơm được đặt trên xe bò để có thể di chuyển được tới các bể chượp
Bơm bể chượp
Khuyến nghị: Thay thế đường dây dẫn, tránh xảy ra sự cố bơm.
5) Hệ thống máy nén khí:
Nhu cầu sử dụng khí nén chủ chủ yếu phục vụ cho hệ thống đóng gói sản phẩm tại Công ty.
|
|
Hệ thống máy nén khí tại doanh nghiệp |
Hiện trạng:
+ Môi trường hoạt động: Không gian bố trí máy rộng, thoáng và sạch.
+ Các máy nén được bảo dưỡng thường xuyên (thường là 3 tháng/ lần).
+ Máy nén khí pittong Fusheng có công suất định mức 10 Hp, hoạt động chế độ on- off với dải công suất từ 0- 30 kW.
6) Hệ thống chiếu sáng
Chiếu sáng tại Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải gồm 2 khu vực chính, chiếu sáng văn phòng bộ phận hành chính và chiếu sáng xí nghiệp sản xuất. Hệ thống chiếu sáng xí nghiệp sản xuất được bố trí tại 02 xí nghiệp riêng biệt là xí nghiệp chượp và xí nghiệp đóng chai, trong đó bao gồm các khu vực sản xuất khác nhau như khu chế biến, khu nấu cô, khu vực nhà lọc…
Phòng làm việc: Sử dụng các bóng led huỳnh quang lắp ở độ cao 2,5m, các đèn được bố trí lắp xung quanh tường. Ngoại trừ phòng họp, toàn bộ các bóng đèn còn lại đều không được trang bị choá phản quang. Qua khảo sát thấy các bóng chiếu sáng được vệ sinh thường xuyên nên hiện trạng hoạt động và hiệu suất chiếu sáng rất tốt.
Tại xí nghiệp sản xuất: Sử dụng chủ yếu bóng Compact 85W và một số lượng nhỏ bóng led 120 W chiếu sáng tại nhà lọc và xí nghiệp đóng chai. Hầu hết các bóng chiếu sáng đã được lắp choá phản quang, tình trạng vệ sinh bóng đèn tại xí nghiệp sản xuất rất tốt, hiệu suất phát quang cao. Tại xí nghiệp sản xuất chượp, do hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra ngoài trời và tận dụng ánh sáng tự nhiên để làm chín chượp, nên các bóng chiếu sáng tại nhà lọc hoạt động không nhiều, công ty chỉ sử dụng chủ yếu vào các tháng mùa đông.
|
|
Hệ thống chiếu sáng tại xưởng sản xuất |
Tại trần và tường xung quanh nhà lọc và xí nghiệp đóng chai có bố trí lắp đặt các tấm nhựa trắng và cửa sổ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên vào công việc sản xuất, tuy nhiên do không được vệ sinh thường xuyên, các tấm nhựa trắng ở trên trần nhà lọc bị bám bẩn khá nhiều, không phát huy hết tác dụng, làm giảm khả năng tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Các tấm nhựa trắng được lắp đặt
lấy ánh sáng tự nhiên |
Hệ thống chiếu sáng công cộng |
Kết quả đo đạc tổng hợp trung bình tại các khu vực sản xuất từ 47 – 319 Lux. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7114-I:2008, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008/BXD và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2013/BXD về mật độ công suất sử dụng năng lượng hiệu quả, phần lớn hệ thống chiếu sáng tại phân xưởng đã đáp ứng được điều kiện chiếu sáng đảm bảo trong sản xuất. Tuy nhiên tại một vài nơi thuộc hệ thống chiếu sáng tại khu vực văn phòng chưa đáp ứng được quy chuẩn chung, Công ty cần có biện pháp nâng cao điều kiện chiếu sáng tại khu vực này.
7) Hệ thống lò hơi :
Công ty sử dụng 2 lò đốt than và đốt sinh khối công suất 6 tấn/h. Hiện nay nhà máy vận hành luân phiên do nhu cầu sản xuất.
+ Môi trường hoạt động: Không gian bố trí hệ thống lò rộng, thoáng. Điều kiện thông gió và thoát hơi tốt.
+ Công ty đã sử dụng hệ thống thu hồi nước ngưng. Nhiệt độ nước cấp cho lò hơi đo được tại bể đạt 42
oC, điều này giúp Công ty tiết kiệm được nước, tận dụng tối đa nhiệt độ giúp gia tăng nhiệt độ trong nước cấp, tăng hiệu suất lò hơi.
Lớp bảo ôn vỏ lò cách nhiệt hiệu quả hiệu quả khi đạt khoảng, đo nhiệt độ vách lò tại công ty khoảng 41-45
0C, điều này dẫn đến kết luận hệ thống bảo ôn lò hơi khá hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay Công ty vẫn chưa tận dụng được nhiệt dư trong quá trình sản xuất
Khuyến nghị:
Lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt dư có thể tận thu đối đa được lượng nhiệt từ quá trình bốc hơi trong cô mắm. Lượng nhiệt này sẽ được bổ xung cho quá trình ủ chượp, rút ngắn thời gian ủ tự nhiên từ 11 ÷ 12 tháng xuống còn 9 ÷ 10 tháng, điều này sẽ làm tăng đáng kể sản lượng sản xuất nước mắm của công ty, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
8) Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải là một trong những đơn vị sản xuất mặt hàng truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng với quy mô vừa. Theo tính toán kinh tế kỹ thuật các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí hàng năm từ các giải pháp là đáng kể do vậy công ty cần có một chiến lược và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngay từ bây giờ.
Tuy vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải là một quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư. Khuyến nghị doanh nghiệp nên tiến hành thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã đề xuất. Không những đảm bảo an toàn về việc sản xuất, tối ưu hóa quá trình sản xuất mà còn giảm được tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm đến mức thấp nhất. Cải thiện chế độ lương và môi trường làm việc cho người lao động trong Công ty.