Công ty TNHH Tân Huy Hoàng thành lập năm 1984 với ban đầu là Xưởng sản xuất xốp Tân Huy Hoàng. Công ty có trụ sở tại địa chỉ 129/143 đường Trường Chinh, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, HP. Công ty có nhà máy sản xuất với diện tích 6739m2, thời gian làm việc trung bình của công ty là 300 ngày/năm với các thiết bị, hệ thống tiêu thụ năng lượng lớn.
Với việc sản xuất theo đơn hàng đặt trước thì việc bố trí thời gian hoạt động của công ty được phân theo hình thức khoán sản phẩm và theo khối lượng công việc với khối sản xuất trực tiếp. Khối quản lý hành chính bao gồm các bộ phận kế toán, công nghệ … thực hiện chế độ làm việc hành chính. Khối trực tiếp sản xuất làm việc 2 ca/ngày, mỗi ca là 8 giờ luân phiên với các thiết bị hoạt động 16/24h trong quá trình sản xuất 1 đơn hàng cụ thể.
Sản phẩm chủ yếu của Công ty là xốp cách nhiệt từ nguyên liệu hạt nhựa, cung cấp cho thị trường trong nước. Các sản phẩm chính bao gồm: Các sản phẩm xốp cách nhiệt EPS, Các loại thùng đông lạnh, hộp xốp đựng hoa quả, thủy sản xuất khẩu. Xốp bao bì chèn thiết bị, máy móc và các sản phẩm định hình khác. Xốp bảo ôn đường ống hơi nóng, lạnh. Các loại tấm Panel cách nhiệt 02 mặt dán tôn kim loại. Các loại sản phẩm xốp POLYURETHANE. Các loại phao cứu sinh tập thể, cá nhân (theo tiêu chuẩn SOLAS’96).
Quá trình sản xuất sản phẩm xốp cách nhiệt cần chủ yếu 02 dạng năng lượng là điện năng và nhiệt năng. Điện năng được sử dụng cho vận hành các thiết bị động cơ và nhiệt năng dùng trong quá trình gia nhiệt và gắn kết các hạt nhựa thành sản phẩm. Ngoài ra, để định hình nhanh các sản phẩm công ty bố trí hệ thống cấp nước làm mát tới các khuôn đúc sản phẩm.
1) Hệ thống chiếu sáng tại Công ty TNHH Tân Huy Hoàng gồm 2 khu vực chính, chiếu sáng văn phòng bộ phận hành chính và chiếu sáng xưởng sản xuất. Hệ thống chiếu sáng xưởng sản xuất được bố trí tại 1 số phân xưởng riêng biệt như phòng máy nén khí, lò hơi buồng quay hạt. Phòng làm việc: Sử dụng bóng huỳnh quang T8 36W và bóng compact 11W lắp ở độ cao 2,5m. Các đèn được bố trí lắp sát trần, toàn bộ các bóng đèn T8 đều được trang bị choá phản quang và được vệ sinh thường xuyên.
(
Chiếu sáng văn phòng)
Tại các phân xưởng: Công ty sử dụng chủ yếu bóng Sợi đốt 200W và bóng Compact 85W chiếu sáng tập trung tại các bộ phận sản xuất. Một số bóng đã được lắp choá phản quang, tình trạng vệ sinh bóng đèn tại hầu hết các phân xưởng khá tốt. Tại phân xưởng cơ điện, công ty đã áp dụng biện pháp chiếu sáng tập trung trong hoạt động sản xuất, bóng đèn được lắp ở những bộ phận sản xuất trực tiếp, góp phần tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất của Công ty. Tuy nhiên do sử dụng chủ yếu bóng sợi đốt 200W nên lượng tiết kiệm được không đáng kể.
Tại khu vực lò hơi, tình trạng của hệ thống chiếu sáng đã xuống cấp. Do xây dựng đã lâu và không được vệ sinh thường xuyên, các tấm nhựa trong ở trên trần xưởng bị bám bẩn và hư hại nhiều, không phát huy tác dụng, làm giảm khả năng tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Bố trí tấm nhựa trong lấy ánh sáng tự nhiên
|
|
Hệ thống chiếu sáng công cộng: Để chiếu sáng khu vực lối đi chung của khu vực văn phòng và xưởng sản xuất, công ty sử dụng bóng Natri cao áp 250W lắp ở độ cao 5m dọc theo lối đi và các cổng phụ của công ty. Do diện tích công cộng của công ty nhỏ nên số lượng bóng chiếu công cộng không nhiều.
(
Hệ thống chiếu sáng công cộng)
Kết quả đo đạc độ rọi tổng hợp trung bình tại các khu vực sản xuất từ 206 – 934 Lux. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7114-I:2008, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008/BXD và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2013/BXD về mật độ công suất sử dụng năng lượng hiệu quả, phần lớn hệ thống chiếu sáng tại các phân xưởng đáp ứng được điều kiện chiếu sáng đảm bảo trong sản xuất. Riêng hệ thống chiếu sáng tại khu vực văn phòng chưa đáp ứng được quy chuẩn chung, Công ty cần có biện pháp nâng cao điều kiện chiếu sáng tại khu vực này.
Giải pháp khuyến nghị:
- Thay thế 24 bóng Compact 11W bằng bóng Led 3W đui xoáy. Theo tính toán kinh tế kỹ thuật, Giải pháp này cho tiềm năng tiết kiệm 553 kwh/năm. Chi phí đầu tư 696.000 đ/năm. Thời gian thu hồi vốn 0.86 năm.
- Thay thế 30 bóng Huỳnh quang T8 36W bằng bóng huỳnh quang T5 28W. Giải pháp này cho tiềm năng tiết kiệm 1469 kwh/năm. Chi phí đầu tư 2.910.000 đ/năm. Thời gian thu hồi vốn 1.35 năm.
- Thay thế 24 bóng Sợi đốt 200W bằng bóng Compact 85W. Giải pháp này cho tiềm năng tiết kiệm 7949 kwh/năm. Chi phí đầu tư 4.493.000 đ/năm. Thời gian thu hồi vốn 0.39 năm.
- Thay thế 15 bóng Natri 250W bằng bóng cao áp SON-T PIA Eco 220W kết hợp lắp chấn lưu 2 cấp công suất. Giải pháp này cho tiềm năng tiết kiệm 4590 kwh/năm. Chi phí đầu tư 11.910.000 đ/năm. Thời gian thu hồi vốn 1.77 năm.
Tổng thể, giải pháp thay thế bóng chiếu sáng hiệu suất cao cho tiềm năng tiết kiệm 9971 kwh/năm. Chi phí đầu tư ban đầu 8 triệu đồng/năm. Thời gian thu hồi vốn trung bình 0,55 năm.
2) Hệ thống máy nén khí
Hiện trạng, Công ty sử dụng 02 máy nén khí, cung cấp khí nén điều khiển thiết bị dây chuyền sản xuất và cấp khí nén hoạt động cho các khuôn đúc.
Các máy nén khí đều được tích hợp biến tần điều khiển động cơ theo nhu cầu thực tế tải giúp tiết kiệm điện năng. Hệ số cosφ 02 máy đạt khá cao, chu kỳ tải thực tế 02 máy tương đối ổn định. Tuy nhiên, quy trình bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hệ thống máy nén khí chưa được giám sát kiểm tra. Hiện tượng nước đọng nhiều trong bình tích áp không được xả theo định kỳ.
Máy nén khí được thiết lập chế độ vận hành áp suất khá cao (6-7bar) trong khi nhu cầu thực tế nhà máy không yêu cầu áp suất khí nén cao, điều này đồng nghĩa với việc tiêu tốn điện năng khi vận hành. Giảm áp suất 1 bar trong máy nén sẽ giảm tiêu thụ điện năng 6-10%. Có hiện tượng rò rỉ khí nén trên đường ống phân phối khí nén.
Giải pháp khuyến nghị:
Thiết lập lại chế độ vận hành, giảm áp suất cấp tại máy nén tới nơi tiêu thụ xuống khoảng (5-6 bar). Khắc phục các điểm rò rỉ khí nén trên đường ống phân phối. Theo tính toán kinh tế kỹ thuật, giải pháp giảm áp suất vận hành của máy nén khí và khắc phục rò rỉ khí nén cho tiềm năng tiết kiệm điện khoảng 37.178 kwh/năm với chi phí đầu tư trung bình 50 triệu đồng/năm. Thời gian thu hồi vốn 01 năm.
3) Hệ thống lò hơi:
Hiện trạng, Công ty sử dụng hệ thống lò hơi để cung cấp hơi gia nhiệt máy kích nở hạt nhựa và khuôn ép định hình sản phẩm. Hơi bão hoà được sản xuất thông qua lò hơi 5 tấn/h, hơi bão hoà sinh ra có áp suất từ 6-7 bar, nhiệt độ hơi 150 – 165 0C được đưa vào ống góp hơi và phân phối tới 2 bình tích hơi số 1 và số 2, cung cấp hơi tới các máy sản xuất và xưởng ép, đúc định hình sản phẩm. Nước cấp mới cho lò đã được trang bị bộ xử lý nước, chất lượng nước cấp mới là tốt.
Hệ thống lò hơi với mục đích chủ yếu cung cấp hơi bão hoà cho máy kích nở hạt nhựa và khuôn ép, đúc định hình nhằm gia nhiệt hạt nhựa, ép hạt nhựa tạo ra sản phẩm.
Lò hơi tích hợp bộ hâm nước giúp tăng hiệu suất lò hơi. Tuy nhiên, lò hơi vận hành trong thời gian dài, chu kỳ bảo hành bảo dưỡng không thường xuyên hiện trạng thực tế, lò hơi hoạt động không hiệu quả, hiệu suất lò hơi thấp.
Lớp bảo ôn vỏ lò cách nhiệt chưa hiệu quả, nhiệt độ vách lò khá cao khoảng 55-650C. Đường ống phân phối hơi nhiều đoạn không bảo ôn, nhiệt độ bề mặt đo khoảng 1350C tổn thất nhiệt trên đường ống là rất lớn. Có hiện tượng rò rỉ hơi tại nhiều điểm trên đường ống.
Giải pháp khuyến nghị:
Cải tạo, thay thế lớp bảo ôn trên đường ống phân phối hơi bị hỏng. Khắc phục các điểm rò rỉ trên đường ống phân phối hơi. Bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ tăng khả năng truyền nhiệt buồng lò, nâng cao hiệu suất lò hơi. Theo tính toán, giải pháp cải tạo hệ thống lò hơi nếu thực thi có tiềm năng tiết kiệm khoảng 181 tấn than/năm, với chi phí đầu tư khoảng 652 triệu/năm. Thời gian thu hồi vốn khoảng 0,75 năm.
4) Hệ thống cung cấp điện
Hiện trạng, điện năng sử dụng trong Công ty TNHH Tân Huy Hoàng được mua từ lưới trung thế 6(22)/0,4 kV (thông qua công ty TNHH Điện Lực Hải Phòng, chi nhánh quận Kiến An quản lý). Lưới 22 kV được cấp vào trạm biến áp gồm 1 máy biến áp công suất 250 kVA cấp cho 3 đơn vị sử dụng độc lập là Công ty Xây dựng, Công ty Thành Trung và Công ty TNHH Tân Huy Hoàng.
|
|
Trạm biến áp và tủ động lực Công ty TNHH Tân Huy Hoàng |
Hệ thống thiết bị đóng cắt được bố trí trong tủ động lực khá gọn gàng, các đầu cốt nối được bọc cách điện chắc chắn. Tủ động lực được đặt tại vị trí kín đáo, thoáng mát và an toàn, thuận tiện cho việc đóng cắt, vận hành và bảo trì hệ thống điện.
Hệ thống dây dẫn phân nhánh từ tủ động lực tới các phụ tải được lắp đặt ngang theo tưởng xuỏng và không có máng cáp, không được tách riêng biệt.
Thiết bị đo đếm dòng điện, điện áp, cosφ được lắp đặt đồng bộ theo các tủ động lực.
Để đảm bảo tính ổn định của lưới điện và đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hệ số công suất, Công ty đã trang bị tủ tụ bù cơ tại tủ động lực để nâng cao công suất của máy.
Hệ thống tủ tụ bù
Máy biến áp 1 phục vụ chủ yếu cho hệ thống máy nén khí, sản xuất panel và bộ phận sinh hoạt. Máy biến áp số 1 có biên dạng phụ tải thay đổi lớn, công suất dao động trong khoảng Pmin = 5,4 kW ÷ Pmax = 153 kW tương ứng với dòng điện và điện áp trong khoảng Imin = 41,1 A÷ Imax = 288,1 A, Umin = 392,9 V÷ Umax = 462,3 V. Ngoài ra hệ số cosφ tại máy biến áp rất cao, có xảy ra hiện tượng bù dư. Cosφ max = 0,99. Cosφ min = - 0,98, Cosφ tb = - 0,52.
Giá mua điện của Công ty được tính theo đồng hồ công tơ 3 pha và áp dụng theo hình thức ba giá tính theo thời gian trong ngày, bình thường, cao điểm và thấp điểm. Việc áp dụng các giá điện trên được chia ra theo từng đối tượng dùng điện khác nhau. Trong các ngày làm việc bình thường ( từ thứ 2 đến thứ 7) có khoảng thời điểm áp dụng giá giờ cao điểm, việc tránh giờ cao điểm từ 9h30 ¸ 11h30 khá khó khăn khi phải bố trí lại sản xuất, tiết giảm hoạt động của các thiết bị máy móc.
Khuyến nghị:
Hiện tại công ty chưa có sự phân khu và theo dõi thực trạng sử dụng điện năng đối với các hệ thống hay thiết bị tiêu thụ điện năng chính, chưa lắp đặt các đồng hồ đo đếm điện năng cho từng khu vực. Yêu cầu theo dõi thống kê tiêu thụ điện năng rất cần thiết cho việc quản lý và so sánh điện năng tiêu thụ giữa các tháng với nhau trong năm được dễ dàng hơn. Song song với việc lắp đặt công tơ đo đếm cho từng khu vực sử dụng năng lượng chính, công ty nên thống kê và theo dõi ghi lại chỉ số công tơ và kiểm soát thông qua cán bộ quản lý năng lượng.
Công ty cần cân nhắc trong quá trình bố trí kế hoạch sản xuất, quản lý năng lượng cho phù hợp hơn mà vẫn đảm bảo tình hình sản xuất, nên xem xét và điều chỉnh chế độ vận hành của một số thiết bị hoạt động độc lập, tránh hoạt động vào giờ cao điểm chịu giá điện cao.
Cần có biện pháp giám sát tiêu thụ điện của hệ thống bù, có thể đặt công tơ theo dõi tiêu thụ điện, kiểm tra sự phát nhiệt của tụ. Khi phát hiện tụ già hóa cần phải loại bỏ và thay thế tụ mới, tụ già hóa sẽ tiêu thụ công suất ngày càng tăng.
Do sản phẩm của công ty có khả năng bắt lửa, tủ động lực lắp đặt gần nơi sản xuất nên cần phải kiểm tra vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng hạt nhựa xốp bám nhiều vào thiết bị đóng cắt gây mất an toàn, có thể dẫn đến cháy nổ.
5) Hệ thống Đo đếm và giám sát tiêu thụ năng lượng
Hệ thống đo đếm giám sát tiêu thụ năng lượng điện năng hiện hành tại công ty chưa được kiểm soát và ghi lại chi tiết, điện năng tiêu thụ được đo đếm, giám sát thông qua 1 công tơ 3 pha đặt tại trạm biến áp do công ty điện lực quản lý. Để việc quản lý, giám sát tình hình tiêu thụ điện năng được nắm rõ và kiểm soát chi tiết, công ty cần lắp đặt tại mỗi phân xưởng một đồng hồ công tơ đo đếm điện năng và các thiết bị tiêu thụ năng lượng chính cũng cần được lắp đặt công tơ đo đếm . Việc lắp đặt công tơ điện là tiền đề cho việc theo dõi, giám sát, quản lý năng lượng của công ty.
(
Công tơ 3 pha đặt tại trạm biến áp Công ty TNHH Tân Huy Hoàng)
Công ty TNHH Tân Huy Hoàng là một trong những đơn vị sử dụng năng lượng trung bình trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo kết quả tính toán kinh tế kỹ thuật đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí hàng năm từ các giải pháp là khá lớn do vậy Công ty cần phải có một chiến lược và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngay từ bây giờ.
Việc áp dụng các định mức tiêu thụ năng lượng tại từng dây truyền sẽ có hiệu quả cao cho việc quản lý giám sát tiêu thụ năng lượng. Để thực hiện được điều đó, công ty cần lắp đặt thêm các hệ thống đo đếm (điện, nhiên liệu, nước) tại các điểm tiêu thụ năng lượng chính để giám sát và điều chỉnh tiêu thụ năng lượng.
Việc bảo dưỡng và giám sát là một yếu tố quan trọng để thực hịên tiết kiệm năng lượng đặc biệt là các biện pháp không tốn chi phí như sửa chữa các chỗ rò rỉ trong hệ thống khí nén, hệ thống hơi, đóng tắt các thiết bị không cần thiết,….Điều này phải được thực hiện một cách liên tục, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.
Cuối cùng là hàng tháng phải lập các báo cáo về tiết kiệm năng lượng trình lên ban lãnh đạo và đề ra các mục tiêu mới về sử dụng năng lượng cho nhà máy. Điều này sẽ làm cho nhà máy có thể quản lý năng lượng một cách bền vững và hiệu quả.
Khi áp dụng các giải pháp này, ngoài việc đảm bảo an toàn về việc sản xuất, tối ưu hóa quá trình sản xuất mà còn giảm được tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm đến mức thấp nhất, tiết kiệm chi phí năng lượng mà còn giúp giảm phát thải CO2 và tương ứng tiết kiệm được lượng TOE (tấn dầu quy đổi). Công ty nên xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, có được sự theo dõi, đánh giá hiện trạng từng đơn vị sử dụng năng lượng và đưa ra những chiến lược cải tiến kịp thời, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cải thiện chế độ lương và môi trường làm việc cho người lao động trong công ty.