Giới thiệu đôi nét về thị trường Gambia

Gambia là một quốc gia nằm ở Tây Phi, dân số khoảng 2 triệu người. Gambia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Hiện có tới 75% dân số sống làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

GDP của Gambia năm 2017 đạt 1,482 tỷ USD, tăng trưởng 3,5%. Năm 2018, tăng trưởng ước đạt 5,4%  chủ yếu dựa vào lĩnh vực dịch vụ như du lịch, thương mại, tài chính, vận tải, xây dựng và viễn thông.

Về ngoại thương, cán cân thương mại của Gambia bị thâm hụt ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt khoảng 73 triệu USD với các mặt hàng chính gồm đậu phộng, cá, bông, hạt cọ. Các thị trường xuất khẩu chính là Guinee Bissau, Trung Quốc, Việt Nam, Senegal và Mali. Kim ngạch nhập khẩu của Gambia đạt 377 triệu USD với các mặt hàng thực phẩm, công nghiệp chế tạo, dầu thô, máy móc,trang thiết bị vận tải. Các nước cung cấp chính gồm Bờ Biển Ngà, Braxin, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hà Lan. Đáng chú ý là 80% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Gambia được tái xuất sang nước láng giềng Senegal.

Trước đây, Gambia phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh sản xuất lúa nước, hiện nay nước này đã tự cấp được gạo và Chính phủ Gambia đã ban hành chính sách cấm nhập khẩu loại lương thực này.

Gambia là thành viên của Liên minh châu Phi (AU), khối Pháp ngữ (Francophonie), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và nhiều tổ chức quốc tế khác nữa.

Việt Nam và Gambia đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, tuy nhiên hai nước rất ít trao đổi các đoàn và hầu như chưa ký hiệp định, thỏa thuận hợp tác nào. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia và Đại sứ quán Gambia tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương còn khiêm tốn và tăng giảm thất thường. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều năm 2017 đạt 24 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Gambia khoảng 20 triệu USD, chủ yếu là hạt điều thô, bông, gỗ và xuất khẩu khoảng 4 triệu USD gồm các mặt hàng hạt tiêu, phân bón, hàng dệt may… Đến năm 2018, kim ngạch song phương giảm xuống còn 11 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6 triệu USD và nhập khẩu 5 triệu USD. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu sụt giảm là do Việt Nam giảm nhập khẩu hạt điều thô từ Gambia.

Phía Gambia mong muốn được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Gambia phát triển, đặc biệt là về nông nghiệp, thủy sản, chế biến hạt điều. Gambia cũng kêu gọi khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài sang đầu tư tại Gambia, tận dụng các ưu đãi về thuế mà Hoa Kỳ và EU dành cho Gambia để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường này. Ngày 21/3/2018, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở Kigali, Rwanda, 44 quốc gia châu Phi trong đó có Gambia đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do châu Phi (CFTA). Các nước thành viên cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai. Vì vậy, việc đầu tư vào khu vực này sẽ là cơ hội để cung cấp hàng hóa cho một thị trường rộng lớn 1,2 tỷ dân với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.500 tỷ USD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *