Kinh tế số là nhân tố then chốt thúc đẩy năng suất lao động

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Covid-19 đã vô tình tạo ra một cơ hội thay đổi phương thức phát triển của kinh tế Việt Nam theo hướng áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số.

Trong bối cảnh đó, báo cáo thường niên về đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2019 “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” của trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố ngày 20/4/2020 đã nêu quan điểm coi kinh tế số là yếu tố then chốt thúc đẩy năng suất lao động tại Việt Nam.

Đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam định lượng tác động của kinh tế số đến năng suất lao động các ngành, các khu vực của nền kinh tế; đồng thời cũng dự báo tác động tổng thể cho đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn tâm lý e dè, chưa thực sự mặn mà với kinh tế số bởi nhiều nguyên nhân. Việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế số chưa thực sự đồng bộ và đôi khi là những rào cản để những doanh nghiệp có thể ứng dụng kinh tế số nhưng chưa chắc đã kết nối được với nền kinh tế. Cùng đó là thói quen quản trị theo thủ công, thậm chí là không muốn công khai minh bạch.

Khi chuyển sang quản trị về kinh tế số đòi hỏi phải thay đổi một cách căn bản tư duy về quản trị, phải công khai, minh bạch theo một hệ thống. Những doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách cần mạnh dạn ứng dụng kinh tế số.

Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Đồng thời, trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế.

“Một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như: Công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải – logistics, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao… Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có”- Báo cáo nhìn nhận.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là với diễn biến khó lượng định của dịch bệnh Covid-19, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Báo cáo đã đưa ra 4 kịch bản của kinh tế số và dự báo năng suất lao động đến năm 2030 trong bối cảnh kinh tế số. Ở kịch bản 1 khi nền kinh tế chuyển đổi số chậm, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình là 6,25% mỗi năm, trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 0,43%.

Ở kịch bản 2 khi nền kinh tế đã chuyển đổi số sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành công nghệ thông tin, con số tương ứng là 6,97% và 1,15%. Ở đây mức tăng năng suất lao động cũng như đóng góp của kinh tế số là cao nhất trong các kịch bản.

Ở kịch bản 3 khi ngành công nghệ thông tin Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên, sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp; con số tương ứng là 6,32% và 0,50%.

Kịch bản cuối cùng khi ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin từ các quốc gia khác; con số tương ứng là 6,50% và 0,68%.

Đáng chú ý những kịch bản này không chỉ nghiên cứu năng suất lao động ở khu vực chính thức mà còn nghiên cứu ở khu vực phi chính thức, cá thể.

Như vậy, tính cho cả giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% – 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *