MỐI QUAN HỆ GIỮA VẬN TẢI BIỂN VÀ LOGISTICS

Vận tải biển đóng vai trò quan trọng nhất trong vận chuyển hàng hoá ngoại thương. Khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển không ngừng tăng qua các năm và theo số liệu thống kê, tổng số lượng hàng hoá chuyên chở trong buôn bán quốc tế đạt hơn hàng tỷ tấn mỗi năm thì khối lượng hàng hoá chuyên chở thông qua vận tải biển luôn chiếm đa phần.

Vận tải đường biển đóng vai trò quan trọng như vậy trong thương mại quốc tế vì nó có những ưu điểm nổi bật sau:

Vận tải đường biển có năng lực chuyên chở lớn: Phương tiện vận tải trong vận tải đường biển là các tàu có sức chở lớn, lại có thể chạy được nhiều tàu trong cùng một tuyến đường, cùng một khoảng thời gian nên vòng quay phương tiện vận tải tăng giúp giảm chi phí. Thời gian tàu nằm chờ tại cảng giảm do sử dụng các phương tiện xếp dỡ hiện đại và container nên khả năng thông quan lớn, như cảng Rotterdam: 300 triệu tấn hàng hoá/năm; cảng New York: 150 triệu tấn/năm; cảng Kobe: 136 triệu tấn/năm….

Vận tải đưởng biển thích hợp cho việc vận chuyển hầu hết các loại hàng hoá trong thương mại quốc tế. Đặc biệt thích hợp và hiệu quả là các loại hàng rời có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp như than, quặng, ngũ cốc, phốt phát… Chi phí đầu tư xây dựng các tuyến đường hàng hải thấp: các tuyến đường hàng hải hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên nên không đòi hỏi nhiều vốn, nguyên vật liệu, sức lao động để xây dựng, duy trì, bảo quản trừ việc xây dựng các kênh đào và hải cảng.

Giá thành vận tải biển rất thấp do trọng tải tàu biển lớn, cự ly vận chuyển trung bình lớn, biên chế ít nên năng suất trong ngành vận tải biển cao. Nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong vận tải và thông tin được áp dụng nên giá thành vận tải biển có xu hướng ngày càng hạ. Hiện nay, giá thành vận tải biển chỉ khoảng 0,7USD/kg/km, bằng 1/6 so với giá thành vận tải đường hàng không, 1/2 so với đường sắt và bằn 1/4 so với vận chuyển bằng đường ô tô.

Phát triển vận tải hàng hoá bằng đường biển là động lực thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế: Vận tải hàng hoá bằng đường biển có tác dụng rất lớn thúc đẩy buôn bán quốc tế. Trước đây, khi vận tải quốc tế chưa phát triển rộng khắp, sức chở của phương tiện vận tải biển nhỏ, công cụ vận tải thô sơ, các dịch vụ tại cảng kém an toàn đã hạn chế việc mở rộng việc buôn bán giữa các quốc gia. Ngày nay, hệ thống vận tải trên thế giới đã phát triển tạo điều kiện mở rộng các thị trường tiêu thụ nên hoạt động XNK được thông suốt. Các nước xuất khẩu có khả năng tiêu thụ sản phẩm của mình ở những nước cách xa và các nước nhập khẩu cũng có điều kiện lựa chọn thị trường cung cấp rộng rãi hơn.

Trong buôn bán quốc tế, chi phí vận tải là một bộ phận cấu thành lên giá cả hàng hoá, nó chiếm khoảng 10-15% giá FOB hoặc 8-9% giá CIF. So với các phương thức vận tải khác, vận tải hàng hoá bằng đường biển có chi phí thấp nhất chỉ sau vận tải bằng đường ống do vậy vận tải hàng hoá bằng đường biển sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm do đó làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá đó với hàng hoá cùng loại của các nước khác. Điều đó kích thích tiêu dùng của khách hàng, làm cho việc tiêu thụ hàng càng nhanh chóng, thuận lợi với số lượng hàng lớn, kích thích sản xuất và hoạt động mua bán phát triển. Như vậy vận tải hàng hoá bằng đường biển đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa các nước khi mà thị trường trong nước đã trở nên quá chật hẹp. Hoàn thiện hệ thống vận tải, giảm giá thành vận tải (cước phí), nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ vận tải sẽ tạo điều kiện mở rộng quan hệ buôn bán quốc tế. Ngược lại, khi buôn bán quốc tế phát triển, lượng hàng hoá trao đổi giữa các nước tăng lên, đòi hỏi chất lượng các dịch vụ vận tải càng cao thì dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường biển càng phát triển: phải tăng khả năng chuyên chở của các đội tàu, tăng khả năng xếp dỡ của cảng. Điều này lại kéo theo chi phí càng giảm và lại càng thúc đẩy buôn bán quốc tế phát triển hơn lên. Vận tải hàng hoá bằng đường biển cần lượng hàng lớn đến nhiều thị trường khác nhau, thương mại quốc tế cần chi phí vận chuyển thấp, vận chuyển an toàn, hiện đại, nhanh chóng. Đó chính là mối quan hệ qua lại, tác động chặt chẽ hữu cơ với nhau, cái này lôi kéo tạo đà cho cái kia phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của nhau.

Do hoạt động thương mại quốc tế ngày càng mở rộng nên cạnh tranh giữa các công ty nhằm giành được lợi thế trên thị trường thế giới ngày càng trở nên khốc liệt. Để tạo được lợi thế cạnh tranh, chính sách giá là một vũ khí quan trọng của các DN. Do hoạt động sản xuất đã đạt đến đỉnh điểm trong khai thác năng suất lao động, nên việc giảm giá không còn dựa vào giảm giá thành sản xuất của sản phẩm nữa. Trong giá hàng xuất khẩu, chi phí cho vận tải hàng hoá chiếm tới 30%, và đây là một giải pháp cho vấn đề tăng năng lực cạnh tranh bằng giá vì hiệu quả trong hoạt động vận tải biển vẫn chưa đạt tới ngưỡng tối đa.

Trong thời gian gần đây, hoạt động logistics đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và đã đem lại nhiều lợi ích rõ rệt. Trong hoạt động giao nhận, vận tải biển của thế giới, hoạt động logistics cũng đã được ứng dụng. Nhờ quản lý theo hệ thống logistics mà hoạt động giao nhận, vận tải biển đạt được hiệu quả hơn trước. Logistics giúp tạo nên một chuỗi liền mạch trong quá trình chuyên chở hàng hoá từ điểm đi tới điểm đến, giúp vận chuyển hàng hoá được thông suốt. Trước đây, khi chưa áp dụng quản lý theo logistics, hàng hoá có thể sẽ bị ách tắc tại cảng hay bị mắc kẹt ở trên tàu mà không được thông qua nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thương mại quốc tế. Nó gây ra nhiều phiền hà cho cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Nó còn làm tăng chi phí xuất nhập khẩu hàng hoá vì nhà XNK phải bỏ thêm chi phí lưu kho bãi hay chi phí do bị phạt vì chậm bốc dỡ, chậm giao hàng. Tất cả những điều này làm cho nhà XNK không thể cạnh tranh tốt trong môi trường kinh doanh quốc tế. Nhưng việc áp dụng logistics trong giao nhận, vận tải biển đã giúp hàn gắn lại những lỗ hổng trong quá trình chuyên chở hàng hoá đó và tạo thành một đường thẳng trong hoạt động giao nhận, vận tải biển, giúp tối thiểu hoá chi phí cho hoạt động giao nhận, vận tải biển. Như vậy, vấn đề giảm chi phí cho hàng hoá XNK đã được giải quyết nhờ ứng dụng quản lý hoạt động giao nhận, vận tải biển theo logistics.

Các yếu tố tác động tới vận tải biển và logistics trong tương lai:

Hoạt động logistics chứa đựng các yếu tố thường xuyên vận động, thay đổi theo thời gian. Tạp chí Distribution đã chỉ ra một số xu hướng phát triển chính tác động tới lĩnh vực logistics và vận tải biển trong thời gian tới như sau:

Thương mại quốc tế được đẩy mạnh.

Giá trị giao dịch thương mại quốc tế hàng năm là khoảng 2 nghìn tỷ đô la và ngày càng có xu hướng tăng lên. Đó là vì các nước đều nhận thức rõ được lợi ích của thương mại quốc tế. Quá trình chuyên môn hoá đã giúp cho một số nước có lợi thế trong việc sản xuất một số mặt hàng cụ thể. Nhưng muốn tận dụng được lợi thế này không có cách nào khác là dựa vào hoạt động buôn bán quốc tế. Chỉ có như vậy các nước mới có thể bán được các hàng hoá mà mình sản xuất hiệu quả sang cho các nước khác và mua về những mặt hàng mà mình không thể sản xuất hay sản xuất không có hiệu quả. Nhờ đó, các nguồn lực được sử dụng có hiệu quả hơn, đem lại lợi ích kinh tế nhiều hơn.

Trên quan điểm của logistics quốc tế, xu hướng này sẽ đưa đến nhiều thách thức. Logistics quốc tế sẽ ngày càng phức tạp vì ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, và mỗi quốc gia có thể là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống logistics quốc tế đó.

Kinh tế dịch vụ ngày càng phát triển.

Một xu hướng sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai là sự chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế cung cấp các dịch vụ thay vì hàng hoá hữu hình. Điều này có ý nghĩa rất lớn tới hoạt động logistics vì hoạt động logistics phát triển phần lớn là nhờ nhu cầu tổ chức và điều hành luồng hàng hoá. Các hàng hoá dịch vụ có đặc điểm là không thể dự trữ hay lưu kho được trong khi một trong các yếu tố quan trọng của hoạt động logistics là vấn đề lưu kho. Vì vậy hoạt động logistics cần phải linh hoạt chuyển hướng hoạt động, không chỉ vận chuyển hàng hoá mà vận chuyển cả con người (những người cung cấp dịch vụ) và làm dịch vụ truyền các ý tưởng.

Sự bùng nổ của trao đổi dữ liệu điện tử (EDI – Electronic Data Interchange)

Trước đây, vòng quay phân phối chỉ là sự di chuyển nguyên liệu. Nhưng ngày nay đã có thêm sự di chuyển của thông tin. Rõ ràng là trao đổi thông tin và các thông tin bậc cao đã và sẽ tiếp tục là một trong những thay đổi lớn trong cách thức chúng ta tiến hành hoạt động logistics.

Trao đổi dữ liệu điện tử là sự trao đổi trực tiếp từ máy vi tính tới máy vi tính trong các giao dịch liên công ty. Trao đổi dữ liệu điện tử rất quan trọng vì nó cho phép các công ty trao đổi nhanh hơn, giảm chi phí nhờ loại trừ việc sử dụng giấy tờ. Các công ty sẽ nhận thấy EDI là một phương pháp gửi hoá đơn, đơn đặt hàng, chứng từ hải quan, thông báo về tàu và các chứng từ kinh doanh vô cùng nhanh chóng và kinh tế. Tăng hiệu quả trao đổi chứng từ là nhằm đẩy nhanh tốc độ quá trình kinh doanh. Hơn thế nữa, các quá trình này lại được giám sát chặt chẽ, giúp công ty theo dõi, quản lý và kiểm toán việc thi hành nhiệm vụ.

Mặc dù hoạt động logistics đã ra đời từ lâu nhưng sự phát triển của hoạt động này sẽ không thể mạnh mẽ như ngày nay nếu không có sự hỗ trợ của các phương tiện, công nghệ hiện đại như máy vi tính, mạng Internet… Những công nghệ chủ yếu được sử dụng trong hoạt động logistics là:

Mạng Internet

Có rất nhiều khía cạnh đáng nói đến về mạng Internet. Đây là một công cụ mới có quyền năng lớn dựa trên các máy tính tương đối đơn giản. Sức mạnh của nó nằm ở điểm là chúng đều được liên kết với chi phí rất rẻ. Với mức phí chỉ vài đôla một tháng, một người hoàn toàn có thể tiếp cận với toàn bộ cộng đồng Internet.

Cộng đồng logistics đã tìm thấy một số ứng dụng giá trị của công nghệ Internet. Do nó tương đối rẻ và có thể tiếp cận được nên hầu hết các DN có thể tiếp cận được với Internet. Đây là sự khác biệt rất lớn với các công nghệ khác, những công nghệ chỉ một số DN mới có tiền mua để sử dụng. Do vậy, các DN nhỏ là có lợi hơn cả, và trong rất nhiều lĩnh vực họ có thể cạnh tranh với các DN lớn hơn. Công việc giao nhận cần phải chuyển rất nhiều dữ liệu, mà trước đây đòi hỏi phải có hệ thống đặc biệt. Ngày nay mạng Internet cho phép kể cả những người giao nhận nhỏ nhất cũng có thể chuyển thông tin thông qua mạng hầu như miễn phí.

EDI cho phép dữ liệu được truyền từ máy tính này đến máy tính khác. Đây là một trong những bước đầu tiên để tạo ra mạng Internet. Hệ thống EDI bao gồm các máy tính được trang bị để gửi và nhận các thông tin truyền đi và đường truyền, ví dụ như đường điện thoại. Cần phải có phần mềm đặc biệt và một máy tính trung gian do những máy tính khác nhau có những quy ước khác nhau nên cần phải làm cho chúng tương thích.

Công nghệ viễn thông

Công nghệ viễn thông là việc liên lạc bằng tiếng truyền thống, dữ liệu và truyền hình. Từ khi logistics liên quan tới các hoạt động liên kết nhau trải dài thì công nghệ viễn thông trở nên rất quan trọng. Vấn đề chi phí là một nhân tố quan trọng. Khi gọi điện thoại đường dài qua đường đây điện thoại truyền thống sẽ đắt. Người ta có thể lựa chọn thay thế nó bằng cách sử dụng Internet để gửi thư điện tử, và gần đây còn để gọi điện thoại.

Điện thoại không dây đã đóng góp một không gian mới cho hoạt động logistics và ngành vận tải. Trước đây, việc kiểm soát hoạt động giao hàng đồng nghĩa với việc chỉ có thể liên lạc được với phương tiện vận tải khi nó dừng lại tại đâu đó. Khả năng có thể liên lạc với phương tiện vận tải vào bất kỳ lúc nào đã cơ bản thay đổi các phương thức vận hành và di chuyển. Nó tăng cường hiệu quả của hoạt động vận tải.

Hệ thống thông tin địa lý (GIS)

Một hệ thống thông tin địa lý là một hệ thống thông tin có thể sử dụng dữ liệu có trong không gian. Nếu giải thích đơn giản hơn thì đây là một cái bản đồ được vi tính hoá.

Bây giờ, khi hệ thống GIS đã phát triển thì chúng có thể được sử dụng để tìm tuyến đường tốt nhất cho chuyến hàng. Những con tàu sử dụng hệ thống GIS để tính toán các dòng hải lưu và thời tiết để tìm lịch trình thích hợp nhất giữa hai cảng.

Hệ thống vệ tinh

Vệ tinh được sử dụng cho rất nhiều ứng dụng thương mại và khoa học. Ở đây chúng ta sẽ đề cập tới hai ứng dụng được sử dụng trong logistics và vận tải. Thứ nhất là thông tin liên lạc. Ngoài EDI, mạng Internet và hệ thống viễn thông, một số công ty lớn thấy các liên lạc vệ tinh trực tiếp có hiệu quả về chi phí hơn. Đó là bởi vì hiện nay có các máy truyền tín hiệu nhỏ được gọi là “các trạm thu phát cực nhỏ” (VSATs) cho phép người sử dụng bắt đầu sử dụng vệ tinh với khoản đầu tư rất nhỏ. Liên lạc vệ tinh có vị trí rất quan trọng trong việc giúp các DN trên toàn cầu liên lạc với nhau.

Một ứng dụng khác của vệ tinh là hệ thống định vị (GPS). Đây là thiết bị của quân đội được sử dụng cho thương mại. Quân đội Mỹ phóng các vệ tinh trên toàn thế giới và chúng đều phát tín hiệu xuống Trái đất. Máy thu GPS, có kích cỡ bằng một tế bào điện thoại, nhận những tín hiệu này và tính toán xem nó định vị ở chỗ nào trên trái đất.

GPS vi phân sử dụng các trạm nối đất để thay thế cho việc truyền bằng vệ tinh, do đó cho phép đọc chính xác giúp các máy bay hạ cánh v à tàu thuỷ vào được các kênh đào hẹp. Hiện nay các máy bay sử dụng các tín hiệu radio phát từ hai đầu của đường bay, do vậy đòi hỏi có sự tiếp cận dài và thẳng. Truyền thông tin qua GPS vi phân phát đi mọi phía nên máy bay có thể nhận được tín hiệu từ bất cứ nơi nào và sử dụng tàu vũ trụ có hiệu quả hơn. GPS vi phân cho phép máy bay xếp sát nhau hơn, có thể tăng thêm 20% máy bay đỗ mà không sợ làm tăng độ rủi ro về an toàn. Chi phí cho hệ thống này vào khoảng 6 trăm nghìn đôla cho vài đường băng trong khi chi phí cho hệ thống dựa vào radio là khoảng 2 triệu đôla cho mỗi đường băng.

Có thể nói những công nghệ mới đang ngày càng thúc đẩy sự phát triển của hoạt động logistics. Tuy nhiên trong thời đại thông tin liên lạc phát triển như vũ bão thì chúng ta sẽ còn được chứng kiến hoạt động logistics hoàn thiện hơn nữa trong tương lai do những đòi hỏi tất yếu khách quan của các hoạt động kinh tế.

Việc áp dụng logistics trong giao nhận, vận tải biển tại Việt Nam có một số thuận lợi rõ rệt. Tuy điều kiện cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa tốt, nhưng bù lại, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này lại dồi dào. Phần lớn trong số họ đều được qua đào tạo chính quy và bài bản về hoạt động giao nhận, vận tải biển tại các trường có chất lượng đào tạo tốt như Đại học Ngoại Thương. Vì vậy, họ đã có kiến thức và khả năng nhận thức tương đối tốt về các hoạt động giao nhận, vận tải biển. Cho nên, theo một số DN được hỏi trong cuộc khảo sát thì nếu Việt Nam phát triển dịch vụ logistics trong hoạt động giao nhận, vận tải biển thì việc đào tạo lại cán bộ sẽ không gặp nhiều khó khăn vì họ rất sẵn sàng tiếp thu các phương thức quản lý và kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, do hiện nay hoạt động này chưa thực sự phát triển tại Việt Nam nên các cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động logistics vẫn chưa cố định. Chính vì vậy, trước mắt Nhà nước có thể ban hành các văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong quá trình hoạt động, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các DN sẽ được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bằng cách thay đổi các quy định hiện hành. Chính vì vậy, có thể nói vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện của nước ta trong lĩnh vực này có thể lại đem lại lợi ích cho hoạt động logistics trong giao nhận, vận tải biển.

Chúng ta cũng đang trong quá trình mở cửa nền kinh tế đất nước, có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Hoạt động giao nhận, vận tải biển cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn nhảy vào thị trường hàng hải vẫn còn non trẻ của Việt Nam hòng mong tận dụng được lợi thế “người đi trước”. Chính vì vậy, hoạt động logistics trong giao nhận, vận tải biển của Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện để nhận được đầu tư không chỉ về vốn, công nghệ mà cả trình độ quản lý hiện đại từ các nước có ngành dịch vụ này phát triển để chúng ta có thể phát triển ngành dịch vụ logistics của riêng mình.

Tuy nhiên, tương lai của ngành cung cấp dịch vụ logistics trong hoạt động giao nhận vận tải biển không hoàn toàn là thuận lợi. Vì bên cạnh những thuận lợi kể trên, vẫn còn đầy rẫy những khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục.

Đầu tiên là cơ sơ hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ

Có tới 67% số DN được hỏi cho biết sự yếu kém của cơ sở hạ tầng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai hoạt động logistics tại Việt Nam gặp khó khăn.

Phát triển logistics đòi hỏi phải có hệ thống kho bãi toàn cầu, nhưng hiện nay các DN giao nhận, vận tải biển Việt Nam chưa có đủ tiềm lực về vốn để xây dựng hệ thống kho tiêu chuẩn toàn cầu và dụng cụ chuyên sâu. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật tại cảng, một điểm triển khai logistics quan trọng trong toàn hệ thống lại chưa được tốt như đã phân tích ở trên. Quy mô đội tàu cũng nhỏ bé và còn lạc hậu. Hệ thống đường sá phục vụ giao thông đường bộ chưa thích ứng với sự phát triển của các loại hình vận tải mới.

Thứ hai là, Hành lang pháp lý cho hoạt động logistics chưa được thiết lập

Do hoạt động logistics vẫn còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam nên hiện nay hoạt động này chưa có văn bản luật nào điều chỉnh. Ngoài ra, các hình thức vận tải hỗ trợ cho hoạt động logistics như VTĐPT ở nước ta hiện nay cũng chưa được pháp luật điều tiết mạnh mẽ. Vì không có quy định cụ thể về quyền lợi cũng như trách nhiệm và phạm vi hoạt động của dịch vụ này nên việc ứng dụng logistics trong giao nhận, vận tải biển ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn trở ngại. Tất cả các DN được phỏng vấn trong phạm vi khoá luận này đều thống nhất ý kiến rằng việc thiếu sự hỗ trợ về mặt luật pháp là nguyên nhân khiến cho việc áp dụng logistics trong giao nhận, vận tải biển tại Việt Nam chưa được rộng rãi. Đó là bởi vì các DN ngại ngần nếu có rủi ro xảy ra thì không biết căn cứ vào đâu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình do hiện nay mới chỉ có văn bản pháp luật điều chỉnh hành vi của người giao nhận vận tải và nó không phù hợp với người cung ứng dịch vụ logistics vì hoạt động giao nhận vận tải chỉ là một bộ phận nhỏ trong toàn bộ quy trình logistics. Điều này chứng tỏ hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa theo kịp thực tiễn kinh doanh và trở thành một cản trở đối với hoạt động kinh doanh.

Thứ ba là, Chưa có đào tạo chuyên môn cho đội ngũ lao động hoạt động trong lĩnh vực logistics

Lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực logistics chưa thực sự được đào tạo một cách bài bản, chính quy về lĩnh vực này. Hiện nay, tại tất cả các trường ĐH trong cả nước đều chưa có môn học nào mang tên logistics. Sinh viên của các trường ĐH thuộc khối kinh tế và ĐH Hàng hải – Khoa Kinh tế vận tải biển, ĐH Giao thông Vận tải – Khoa Kinh tế đều chỉ được đào tạo về về giao nhận, vận tải, bảo hiểm, hải quan, nghiệp vụ ngoại thương… và cũng chỉ được truyền đạt kiến thức về mặt lý thuyết và khi ra trường làm việc trong lĩnh vực giao nhận, vận tải, họ vận dụng kiến thức tổng hợp này để phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ logistics cho các khách hàng. Ngoài ra, các kinh nghiệm thực tế là những bài học quý giá cho họ trong hành trang hoạt động logistics.

Cuối cùng là, Cạnh tranh quá mạnh từ các công ty nước ngoài

Trong số các DN được phỏng vấn, 50% cho rằng việc cung cấp dịch vụ logistics của các DN giao nhận, vận tải biển tại Việt Nam hiện nay gặp khó khăn là do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các công ty logistics của nước ngoài. Nếu muốn triển khai hoạt động logistics một cách toàn diện thì các DN giao nhận, vận tải biển phải bỏ vốn đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống kho bãi tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trên mạng chuẩn và đào tạo nhân lực đủ khả năng điều hành hệ thống này. Trong khi đó, các công ty logistics nước ngoài đã có sẵn cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hệ thống logistics, nên các DN Việt Nam muốn cạnh tranh với các công ty này trong bất cứ khía cạnh nào: giá, chất lượng dịch vụ, đều gặp rất nhiều khó khăn nếu khong muốn nói là trong thời điểm hiện nay, các DN của Việt Nam hoàn toàn chưa có khả năng cạnh tranh với nước ngoài./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *