Nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam và Hàn Quốc cũng được thể hiện sâu sắc qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) với những ưu đãi 2 bên trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tạo động lực tăng trưởng hợp tác thương mại, đầu tư cả về lượng và về chất trong thời gian qua. Theo thống kê, hiện có khoảng 8.900 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động và đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu trong Chính sách Hướng Nam mới, đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN. Không chỉ có các DN lớn đang từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam mà các DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam – ông Hoàng Minh Chiến thông tin.
|
Hội thảo giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc” nâng cao chất lượng đầu tư Việt – Hàn |
Tại Hội thảo, thông tin về những lợi ích các FTA của Việt Nam đối với Nhà đầu tư Hàn Quốc, bà Vũ Việt Nga - Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) - cho hay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hiệp định CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định RCEP vừa được ký kết, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư chiến lược trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Để không bỏ lỡ những cơ hội trên, Chính phủ đã và đang quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư PPP vừa được thông qua theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Đánh giá cao khả năng trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh Covid-19, ông Phạm Khắc Tuyên - Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc – nhận định: Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đều được xây dựng tại những vị trí thuận tiện về giao thông, đảm bảo cấp điện/nước; đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, rác thải... thêm vào đó, hệ thống này ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các DN FDI. “
Việt Nam cũng là nước đầu tư cho hạ tầng nhiều nhất trong khu vực ASEAN” – ông Phạm Khắc Tuyên nhấn mạnh.
Tiềm năng, lợi thế từ địa phương
Các DN Hàn Quốc hiện đang tăng cường xúc tiến, mở rộng đầu tư ra các địa phương khác tại Việt Nam thay vì chỉ tập trung tại một vài khu vực như trước đây. Do đó, ông Hoàng Minh Chiến mong muốn, hội nghị giao thương này là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà đầu tư và các DN đến từ Hàn Quốc trao đổi, tìm hiểu thêm về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào địa phương; tìm kiếm các giải pháp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa DN Hàn Quốc và Việt Nam.
|
Việt Nam - Hàn Quốc đã hợp tác kinh tế, đầu tư ở nhiều lĩnh vực |
Giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương, ông Phạm Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết: Hiện, Vĩnh Phúc đã thu hút được 1.204 dự án đầu tư. Đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động của sự phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh.
Ông Phạm Quang Thắng khẳng định, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ phát triển khu công nghiệp, mà hệ thống đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với sân bay và các hạ tầng mềm như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ và chuyển đổi nghề nghiệp, hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề... đều được triển khai mạnh mẽ tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” với số vốn đầu tư 167 triệu USD, trên diện tích 83ha tại huyện Bình Xuyên.
Đây sẽ là “mắt xích” thiết yếu giúp giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở các quốc gia – Ông Thắng cho hay.
Chia sẻ về môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, vượt qua giai đoạn khó khăn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng sẵn sàng chào đón các đối tác đầu tư đến từ Hàn Quốc. Đồng thời, cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các DN, các nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là thế mạnh của các DN Hàn Quốc, sự hợp tác đầu tư này sẽ có tính bổ trợ, bổ sung cho 2 nước cùng phát triển.
Theo số liệu thống kê, tính lũy kế đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đạt hơn 70,1 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2019, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. |