Ngành thủy sản Ấn Độ tập trung vào việc nuôi trồng bền vững do sản lượng tôm giảm

Sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định, sản lượng tôm của Ấn Độ có khả năng giảm 10 đến 15% trong năm 2019, do giá thấp và nỗi sợ lây lan dịch bệnh đã buộc nông dân nuôi trồng thủy sản phải cắt giảm sản lượng trong các trang trại.

Ông D Ramraj, chủ tịch Hiệp hội trại giống tôm Ấn Độ cho biết, việc thả giống ở các trang trại ở phía nam Andhra Pradesh đã giảm một nửa, trong khi ở phía bắc và trung tâm của bang, tình hình tốt hơn với 80% các trang trại đã thả giống.

Cũng theo ông Ramraj các trang trại ở Gujarat và Tây Bengal cũng sẽ có sản lượng thấp, và các trại sản xuất giống sẽ bị thiệt hại nặng nề vì họ đã không thể bán nhiều tôm giống cho người nuôi. Năm ngoái, sản lượng tôm đạt hơn 600.000 tấn.

Ngành thủy sản cần phải tiến hành nuôi trồng thủy sản bền vững để khắc phục tình trạng này và tăng sản lượng. Năm 2018, nông dân nuôi trồng thủy sản đã thiệt hại nhiều tiền bạc khi bệnh đốm trắng và bệnh EHP hoành hành làm tôm chết nhiều. Năm nay, nỗi lo dịch bệnh đã khiến nhiều người nuôi ít hơn trong các trang trại. Giá tôm toàn cầu cải thiện ít, tình trạng thiếu hỗ trợ tài chính cho nông dân là những lý do thêm vào khiến người nuôi tôm không muốn xuống giống hết công suất.

Sự cần thiết bây giờ là thành lập quỹ nâng cấp công nghệ để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ông Shaji Baby John, chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn Kings cho biết. Việc thành lập cơ quan quản lý riêng cho nghề cá và hỗ trợ lãi suất 2% cho người nuôi trổng thủy sản cũng sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy ngành này phát triển bền vững.

Tập đoàn Kings gần đây đã đưa ra mô hình trung tâm nuôi trồng thủy sản bền vững tại Tuticorin, có thể truy nguyên, được chứng nhận chất lượng. “Chúng tôi đang mở rộng mô hình này sang các khu vực rộng lớn hơn bằng cách chuyển giao công nghệ do chúng tôi phát triển cho nông dân trong toàn bộ chuỗi giá trị, ngay từ nguồn cung tôm bố mẹ”, ông John cho biết thêm.

Tôm chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ trị giá 450 tỷ rupee (khoảng 6,5 tỷ USD).

Hiện nay, ngành cũng tìm cách tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa hiện đang chiếm tỷ lệ tiêu thụ tôm thấp (Ấn Độ có tỷ lệ dân số theo đạo Hindu cao, nên phần đa người dân ăn chay). Tôm ở Delhi có giá tốt hơn, khoảng 800-900 rupee / kg, chỉ ngang với một nửa giá ở Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á khác, ông John cho biết, nếu mức tiêu thụ trong nước có thể đạt 20 đến 30% sản lượng thì sẽ rất tốt cho ngành thủy sản.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *