Các sản phẩm của Việt Nam bước đầu đã thâm nhập vào thị trường châu Mỹ và được người dân tại đây rất có thiện cảm. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt có thể bứt phá và thâm nhập sâu vào thị trường này, tuy nhiên DN cần “máu lửa” hơn nữa, điều chỉnh năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường…
Nhiều tiềm năng hợp tác
Tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020 kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến được tổ chức vào ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.
Đặc biệt, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của rất nhiều các tổ chức quốc tế như WTO, APEC… và cũng đã ký kết trực tiếp các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước tại châu Mỹ, như FTA với Chile, Cuba, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong CPTPP đã có 4 quốc gia thuộc châu Mỹ (Peru, Chile, Canada, Brazil)… đây là những cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nói chung, đặc biệt là DN Việt Nam nếu biết chớp cơ hội mà đưa được sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng vào thị trường hết sức rộng lớn này.
Bà Đỗ Thị Thu Hương – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada – cho biết, hiện nay DN Việt có nhiều cơ hội hợp tác với DN Canada so với trước. Do Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại tới Châu Á. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada. Đặc biệt, dịch Covid-19 cũng lộ mặt trái của chuỗi cung ứng khiến DN phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Bởi vậy, châu Á vẫn được DN Canada quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.
“Thuận lợi trong cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Canada đó là nền kinh tế của hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt với nông sản, thực phẩm. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá có chiến lược chống dịch bệnh tốt, có tình hình chính trị, an ninh ổn định, có dân số trẻ. Đây là những nhận định của nhiều DN, tập đoàn lớn của Canada mà thương vụ nhận được trong quá trình tiếp xúc”- bà Đỗ Thị Thu Hương cho hay.
Đáng lưu ý, gần đây số lượng DN Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn |
Trong khi đó, Argentina- là 1 trong thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ La Tinh, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt mức tăng trưởng hơn 30% – lần đầu tiên vượt ngưỡng hơn 500 triệu USD, đặc biệt các DN Argentina đều đánh giá khá tốt chất lượng hàng hóa Việt Nam. Theo Bí thư thứ ba, phụ trách Thương vụ Phạm Hồng Trang, hiện nay, DN Argentina đang định vị lại thị hiếu và nhu cầu khách hàng, có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào 1 vài thị trường cố định. “Đây là thời điểm hàng hóa Việt Nam có cơ hội có thể thay thế sản phẩm truyền thống mà Argetina vẫn nhập khẩu trong chuỗi cung cấp của mình. Ngoài ra, trong ngắn hạn và trung hạn, các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này như da giày thể thao, nội thất bằng gỗ, mây tre, đan trang trí trong gia đình, một số sản phẩm vật tư y tế…”– bà Phạm Hồng Trang nhấn mạnh.
Tập đoàn Falabella của Chile – một trong những công ty bán lẻ lớn nhất ở Mỹ Latinh – cũng dành sự quan tâm đến việc tìm nguồn cung ứng trong ngành dệt may, giày dép đặc biệt trong lĩnh vực thể thao ở Việt Nam.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn |
Cần chiến lược tiếp cận bài bản
Mặc dù, hàng hóa của Việt Nam bước đầu đã thâm nhập vào thị trường châu Mỹ, song kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn. Theo các DN, trở ngại lớn nhất khi tiến sâu vào thị trường này đó là khoảng cách xa xôi về địa lý. Hiện nay, chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới các quốc gia châu Mỹ, ngoài ra, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, ở châu Mỹ, phần lớn người dân nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
“Thêm vào đó, các DN Việt Nam cũng chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường này. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm, kinh doanh mặt hàng là hết sức quan trọng và cũng có thể nói là sống còn đối với các DN Việt Nam”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Việt – Phó Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings (APH) cho rằng, khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường này là đảm bảo tiêu chí chất lượng của người tiêu dùng. Chưa kể, một số đối tác, nhất là tại Mỹ thường đưa ra những yêu cầu riêng về nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn cải tiến quy trình sản xuất… Tất cả những điều này DN phải chứng minh thực tế năng lực của mình với đối tác nếu muốn vượt và đạt các tiêu chuẩn xuất hàng.
“Châu Mỹ là thị trường lớn, được xem là khách hàng khó tính bậc nhất và có nhiều tiêu chuẩn riêng cho các doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu. Vì thế không còn cách nào khác là DN phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi đưa hàng sang khu vực này“- ông Phạm Hoàng Việt bình luận.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những DN biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Bùi Huy Sơn – Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam tại Mỹ – lưu ý, DN cần điều chỉnh năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường như khi cải thiện bao bì đóng gói, thiết kế mẫu mã hàng hoá… phù hợp với giao hàng trực tuyến đang bùng nổ sau Covid-19.