NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 3 – QUỐC GIA MYANMAR

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng

FTAs Hải Phòng

Thương mại điện tử Hải Phòng

Logistics Hải Phòng

CỔNG THÔNG TIN
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Home TIN TỨC - SỰ KIỆN

NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 3 – QUỐC GIA MYANMAR

21-08-2023 09:52 AM
Kinh tế Myanmar là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, đã phải chịu hàng thập kỷ trì trệ do quản lý yếu kém và cấm vận quốc tế. GDP của Myanmar là 71,2 tỉ USD năm 2019 và tăng trưởng trung bình 2,9% một năm, thấp nhất trong Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng. EUHoa Kỳ và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar, nhưng những lệnh cấm vận này đã được dỡ bỏ từ năm 2011 sau khi Myanmar chuyển từ chính phủ quân sự sang chế độ dân sự. Myanmar là nền kinh tế lớn thứ 7 của khối ASEAN. Khu vực dịch vụ lớn chiếm khoảng 46% GDP, trong đó ngành công nghiệp và nông nghiệp chiếm 28% và 26% GDP. Các ngành chính bao gồm chế biến nông sản, sản xuất, xây dựng và vận tải.   Nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản, và lâm sản chiếm 60% GDP. Các loại hạt và đậu, gạo, gỗ, bắp và sản phẩm thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu chiếm ưu thế của Myanmar. Công nghiệp năng lượng và khoáng sản cũng là ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu hàng năm của đất nước này. Trong vài năm vừa qua, chính phủ Myanmar đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và trong sạch, bao gồm kiểm soát tốt tỷ giá hối đoái, giảm các rào cản thương mại, cải cách chính sách thuế và quản lý. Chính phủ thông qua một số các đạo luật mới trong thương mại và đầu tư nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như nới lỏng một số rào cản hành chính để kinh doanh ở Myanmar. Những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố khu vực tài chính và luật cải cách kinh tế của Myanmar đã thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, Myanmar đã có tốc độ tăng trưởng vào năm 2016: 6,5% , vào năm 2017, 2018 tăng trưởng đạt lần lượt là 6,40%; 6,75%. Myanmar nhận được rất nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt FDI từ Nhật Bản đạt khoảng 62,6 tỷ USD (tháng 6/2017). Các quốc gia đầu tư FDI chính vào Myanmar là Trung Quốc Đại Lục (30,3%), Singapore (27,4%) và Hồng Kông (12,2%). Theo kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, chính phủ Myanmar nhắm mục tiêu thu hút FDI là 140 tỷ đô la vào năm 2030. Khoảng 58% số vốn FDI ở Myanmar được đầu tư vào lĩnh vực dầu khí và điện, trong khi FDI trong các lĩnh vực giao thông vận tải và sản xuất, chiếm 13% và 12% trong tổng số. Trong số khu kinh tế đặc biệt (SEZs) đang được phát triển ở Myanmar, khu vực kinh tế đặc biệt Thilawa ở ngoại ô Yangon có cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh hơn rất nhiều. Khoảng 80 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào khu này, một nửa trong đó là các công ty Nhật Bản. Tổng số 1.873 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang được triển khai ở Myanmar tính đến cuối tháng 9/2021, theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý Công ty. Con số không thay đổi đáng kể kể từ trước khi quân đội nắm quyền kiểm soát, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang đánh giá tình hình trước khi đưa ra bất cứ quyết định rút lui nào. Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư mới được phê duyệt đã giảm xuống còn 48 dự án cho năm kết thúc vào tháng 9/2021 - chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết trong số họ đã được thông qua trước khi quân đội nắm quyền kiểm soát vào tháng 2, thay thế chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo được bầu vào tháng 11/2020. Ngoài vấn đề nhân quyền, các nhà đầu tư nước ngoài còn bị cản trở bởi tình trạng hỗn loạn tài chính dưới thời chính phủ quân sự. Nguồn cung ngoại tệ tại các ngân hàng Myanmar đang thiếu hụt và đồng nội tệ kyat đã tăng mạnh. "Chúng tôi không thể chuyển doanh thu của mình thành USD để trả tiền mua sản phẩm", một nhà nhập khẩu nói và cho biết thêm rằng nhiều công ty khác cũng đang gặp khó khăn tương tự. Danh sách bao gồm các nhà sản xuất có nguồn nguyên liệu và phụ tùng của họ từ nước ngoài. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng -0,1% vào năm 2022, sau đó tăng trưởng khoảng 2,5%/ năm từ năm 2023 đến năm 2026, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng khoảng 6,5% được dự báo trước khi chính phủ do quân đội hậu thuẫn nắm quyền. QUAN HỆ HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM
  1. Quan hệ Ngoại giao:
Việt Nam và Myanmar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-5-1975, trên thực tế hai nước đã có mối quan hệ ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trong lịch sử, hai nước từng có giao thương mạnh mẽ. Ngay sau khi hai nước giành độc lập, đích thân hai lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đã quan tâm thiết lập và vun đắp quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc. Việt Nam đã mở Văn phòng liên lạc tại thủ đô Yangon ngay từ năm 1947 và Myanmar trong suốt nhiều năm là một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Tổng thống U Nu đã thăm Việt Nam năm 1954 và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm đáp lễ năm 1958, đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước.   Trải qua hơn bốn thập kỷ với bao thăng trầm lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar luôn gắn bó, thủy chung và ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất; một trong những mốc son là việc thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện năm 2017. Ngày nay, Việt Nam và Myanmar là các đối tác bình đẳng, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới khát vọng chung là đất nước phát triển, dân tộc phồn vinh, khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; đồng thời là những người bạn chân thành, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu và sát cánh bên nhau. Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt với việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cũng như duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Trong những năm gần đây, khi cả hai nước đều tiến hành cải cách, đổi mới và triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, các chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa hai nước càng có điều kiện diễn ra thường xuyên. Nhiều cơ chế hợp tác song phương ở cấp trung ương cũng như địa phương được triển khai hiệu quả.  
  1. Quan hệ hợp tác kinh tế - thương  mại
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh từ 152 triệu USD năm 2010 lên 1,05 tỷ USD năm 2019, hoàn thành trước hạn mục tiêu 1 tỷ USD đề ra cho năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song trong quý I/2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 250,2 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019. Hiện có hơn 220 đại diện thương mại Việt Nam đang hoạt động sôi động trên nhiều lĩnh vực tại thị trường Myanmar. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2020 cán cân thương mại giữa Việt Nam và Myanmar thặng dư gần 23 triệu USD. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu 53 triệu USD hàng hóa sang Myanmar, bên cạnh đó nhập về 30 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu gần gấp đôi so với nhập khẩu.   Cả năm 2020, Việt Nam xuất sang Myanmar gần 633,3 triệu USD và nhập khẩu 219,1 triệu USD, xuất siêu 414,2 triệu USD. Một số nhóm hàng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar có kim ngạch tăng trưởng đáng kể so với tháng 11 là: sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 536%; cà phê tăng 267%; hạt tiêu tăng 156%; dây điện và dây cáp điện tăng 153%... Phương tiện vận tải và phụ tùng là mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta, trị giá 5,9 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Myanmar tăng 225% so với tháng trước đó. Trong đó, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 640%; hàng rau quả tăng 111%. Hàng rau quả; kim loại thường khác là hai nhóm hàng nhập khẩu chính của nước ta, lần lượt đạt 10,8 triệu USD và 6,3 triệu USD. Năm 2021, Myanmar trong giai đoạn khủng hoảng kép là đảo chính và đại dịch Covid-19. Tình hình thương mại Việt Nam - Myanmar bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm mạnh về trị giá xuất nhập khẩu. 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Myanmar đạt khoảng 639 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 321 triệu USD, giảm 41%; nhập khẩu từ Myanmar đạt 318 triệu USD, tăng 77%. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Myanmar tập trung vào dệt may, máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải xe máy, nguyên liệu nhựa, dây cáp điện, sắt thép các loại.... Tình hình chính trị phức tạp kết hợp với những khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến khó lường khiến thị trường Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề về đầu tư thương mại, ngoại tệ khan hiếm. Không ít doanh nghiệp hàng đầu của Myanmar nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, Anh. Ngoại tệ khan hiếm khiến Myanmar ban hành một loạt các quyết định hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nghiêm ngặt với nhiều ngành hàng. Tất cả những biến động này đã khiến chuỗi cung ứng vào thị trường Myanmar bị gián đoạn, đời sống người dân giảm mạnh, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thị trường Myanmar vẫn rất tiềm năng với Việt Nam, Myanmar có nền sản xuất yếu, không có nhiều rào cản về kỹ thuật, lối sống và thói quen mua hàng tương đồng với người Việt. Bên cạnh đó, Myanmar đang thực hiện cam kết trong khối ASEAN, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang quốc gia này có thuế suất ưu đãi cắt giảm từ 1-5%. Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam từ lâu đã xâm nhập vào thị trường Myanmar và để lại danh tiếng, nhận được nhiều thiện cảm cả về chất lượng lẫn giá cả. Khi tình hình Myanmar ổn định, doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế để khai thác hiệu quả thị trường. Tháng đầu tiên của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Myanmar có sự thay đổi đáng kể về giá trị so với cùng kỳ, cho thấy sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng ở thời điểm hiện tại. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt kim ngạch cao nhất, trên 6 triệu USD, cao hơn 2 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 5,4 triệu USD, cao hơn 1,39 triệu USD; phân bón các loại ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng vọt với 5,6 triệu tấn, cao hơn hẳn so với con số 640,85 tấn cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng giảm sâu từ 6,479 triệu USD trong tháng đầu tiên năm 2021 xuống còn 1,163 triệu USD trong tháng 1 năm 2022. Với dân số gần 60 triệu người, hầu hết sản phẩm tiêu dùng phải nhập khẩu, Myanmar là thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường được Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu. Về lợi thế của hàng Việt khi xuất khẩu sang Myanmar, do cùng nằm trong khối Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, 97-98% hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar sang được hưởng ưu đãi với thuế suất 0% nên rất cạnh tranh với hàng hoá của các quốc gia khác. Nền sản xuất của Myanmar còn yếu, nhiều sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng thô sau đó nhập khẩu thành phẩm. Myanmar không có nhiều rào cản về kỹ thuật. Ví dụ, mặt hàng sắt thép xây dựng cũng như nhiều mặt hàng khác chưa có quy chuẩn mang tính chất luật hoá. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu không phải vướng quá nhiều thủ tục. Điểm thuận lợi nữa, hàng hoá Việt Nam đã có hơn 10 năm tham gia vào thị trường Myanmar và ghi ấn tượng tốt về chất lượng, giá thành cạnh tranh. Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người dân Myanmar tương tự với người dân Việt Nam, do vậy hàng hoá xuất khẩu không phải điều chỉnh nhiều.
  1. 3. Hợp tác đầu tư
Hiện Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Myanmar với 25 dự án với gần 2,2 tỷ USD vốn đầu tư. Các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, viễn thông, năng lượng, du lịch, giáo dục, văn hóa... đều chứng kiến sự phát triển tích cực, năng động, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc mở đường bay thẳng năm 2010 đã góp phần tạo thuận lợi cho việc giao thương, giao lưu, hợp tác du lịch, văn hóa, thể thao, đưa người dân hai nước ngày càng gần gũi nhau hơn. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Myanmar đều đang nỗ lực nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, hai bên sẽ càng có nhiều dư địa hợp tác thực chất, hiệu quả và đa dạng.   Không chỉ trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Myanmar còn hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn quốc tế, nhất là dưới mái nhà chung của đại gia đình ASEAN, các cơ chế tiểu vùng tại Đông Nam Á lục địa, Liên hợp quốc... Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích song trùng và tầm nhìn chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có những vấn đề thiết thân đối với mỗi nước như giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI KINH DOANH VỚI MYANMAR
  1. 1. Các quy định về xuất nhập khẩu
Để thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Myanmar, doanh nghiệp cần nắm rõ một số quy định mới. Bắt đầu từ năm 2022, có thêm 1.428 mặt hàng phải xin giấy phép, nâng tổng số mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar phải xin giấy phép lên con số 5.359. Trong đó vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị và rất nhiều mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar nằm trong danh mục này và phải kiểm tra cụ thể từng mã HS. Quy định trên là giải pháp nhằm giảm tải thanh toán ngoại tệ với nước ngoài của Chính phủ Myanmar do tình hình ngoại tệ khan hiếm. Bên cạnh đó, Bộ thương mại Myanmar cũng thông báo danh mục mặt hàng ưu tiên bán buôn, bán lẻ cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một loạt mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc, thức ăn chăn nuôi… Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng trong danh mục này đều đã được quy định trước đó. Những quy định khó khăn nhất với doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Myanmar vẫn không được sửa đổi, như: Vốn pháp định với doanh nghiệp bán buôn là 5 triệu USD không kể tiềnthuê đất, liên doanh là 2 triệu USD không kể tiền thuê đất, doanh nghiệp bán lẻ vốn pháp định tối thiểu 3 triệu USD không kể tiền thuê đất…
  1. Biểu thuế nhập khẩu
Myanmar là thành viên chính thức của WTO, tuy nhiên chuẩn thuế quan quốc tế chỉ bao gồm 18% hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù có cam kết ràng buộc các hiệp định về thuế quan quốc tế còn hạn chế, Myanmar thường áp dụng mức thuế tương đương hoặc thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Hàng nông sản có mức thuế bình quân là 8.7% trong khi hàng hóa phi nông nghiệp có mức thuế trung bình là 5.1%. Thuế quan thường dao động từ 0 đến 40%. Các mặt hàng cao cấp có mức thuế cao nhất. Là thành viên của khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Myanmar đã cam kết chương trình Ưu đãi thuế quan ưu đãi hiệu quả (CEPT) nhằm giảm thuế nhập khẩu trong nội bộ ASEAN đến 93% tổng số dòng thuế vào năm 2015 và 100% đường vào năm 2018. Các công ty nước ngoài có thể tra cứu mức thuế xuất - nhập khẩu của Myanmar tại trang web của Cục Hải quan Myanamar (http://www.myanamarcustomors.gov.mm) Myanmar theo hệ thống ASEAN và hệ thống Harmonized System of Internatipnal Nomenclature. Chính phủ có thể áp dụng ba loại thuế đối với hàng nhập khẩu: thuế nhập khẩu, thuế thương mại và phí giấy phép. Cục hải quan sẽ tính mức thuế phải nộp căn cứ vào định giá hải quan, bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa (CIF). Đối với một số mặt hàng, Cục Hải quan sử dụng hướng dẫn tham khảo riêng để xác định giá trị hàng nhập khẩu. Hướng dẫn này liệt kê giá cả theo đồng Kyat dựa trên giá của những mặt hàng này ở Myanmar, đôi khi thấp hơn hoặc cao hơn giá trị thực tế ở bên ngoài Myanamar. Các công ty nước ngoài có thể tham khảo thông tin tại Cổng thông tin thương mại quốc gia (http://informationmatrix.net).
  1. Chng từ nhập khẩu
Từ tháng 5/2013, Chính phủ Myanmar đã xóa giấy phép cho 593 hàng nhập khẩu bao gồm: thực phẩm chế biến, hàng may mặc, sản phẩm giầy, sơn, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô, lốp xe, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, phụ kiện máy tính và các sản phẩm y tế… Chính phủ cũng xóa bỏ các yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đối với 166 mặt hàng khác bao gồm các sản phẩm nông sản, lâm nghiệp và các sản phẩm từ động vật. Với các sản phẩm cần giấy phép nhập khẩu có thể đề nghị được cấp từ Bộ Thương mại Myanmar. Chính phủ Myanmar vẫn còn duy trì một danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tuy nhiên tùy từng thời điểm mà các sản phẩm này vẫn có thể được thông quan. Về yêu cầu đối với bộ hồ sơ nhập khẩu hàng hóa, Cục Hải quan Myanmar yêu cầu nhà nhập khẩu cần cung cấp các loại giấy tờ sau: Giấy phép nhập khẩu; Hóa đơn hàng hóa; Vận đơn hàng hóa (đường biển hoặc đường hàng không); Danh sách đóng gói hàng hóa; Giấy chứng nhận và giấy phép khác của các cơ quan chính phủ có liên quan (đối với các sản phẩm hàng hóa có yêu cầu).  
Ý kiến

TIN TỨC - SỰ KIỆN

cong-thuong.png

cong-ttdt.png

© Copyright 2024 - Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng
An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙