NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 4 – QUỐC GIA ĐỨC

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng

FTAs Hải Phòng

Thương mại điện tử Hải Phòng

Logistics Hải Phòng

CỔNG THÔNG TIN
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Home TIN TỨC - SỰ KIỆN

NHỮNG THÔNG TIN SƠ LƯỢC VỀ QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC QUỐC GIA PHẦN 4 – QUỐC GIA ĐỨC

21-08-2023 09:53 AM
Đức có nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất châu Âu.  Đức là một nước xuất khẩu hàng đầu về máy móc, phương tiện vận tải, hóa chất và thiết bị gia đình và lợi ích từ một lực lượng lao động có tay nghề cao. Cũng giống như các nước láng giềng Tây Âu, Đức phải đối mặt với những thách thức đáng kể về dân số để duy trì tăng trưởng bền vững dài hạn. Từ năm 2011 đến 2013 nền kinh tế Đức tăng trưởng với tốc độ mờ nhạt hàng năm. Năm 2019, Đức tiếp tục giữ vị trí thứ 4 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất với GDP là 4.2 nghìn tỷ USD và tăng trưởng đạt 1,8% trong. Đức khẳng định vị thế là 1 trung tâm kinh tế với vị trí địa lý ngay giữa lòng châu Âu. Với trên 80 triệu dân, Đức là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất trong cộng đồng châu Âu (EU). Đức là nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và có vai trò dẫn dắt kinh tế của khối Liên minh Châu Âu. Các ngành  kinh tế trọng điểm - Công nghiệp: Các ngành công nghiệp chủ yếu là: Chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemens AG, Deusche Bank, v.v… Tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức là các công ty có quy mô vừa và nhỏ (thu hút khoảng 20 triệu lao động). - Nông nghiệp: Phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2-3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Vùng bờ biển phía Bắc chuyên nuôi bò sữa và ngựa. Vùng chân núi Alps tập trung chăn nuôi gia cầm, lợn, bò và cừu. Dải đất màu mỡ dọc theo sườn nam vùng đất thấp là nơi gieo trồng lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc, củ cải đường, cây ăn trái, khoai tây và nho. Đức nằm trong số các nước sản xuất sữa, chế phẩm sữa và thịt nhiều nhất thế giới. Nông nghiệp ở Đức được điều tiết theo chính sách nông nghiệp của EU. - Dịch vụ: Phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện đóng góp nhiều nhất vào GDP. Frankfurt là trung tâm tài chính lớn nhất của Đức và cũng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

QUAN HỆ HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM

1.     Quan hệ ngoại giao

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng  phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Năm 2011 quan hệ hai nước nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược.  
  1. Quan hệ hợp tác Thương mại
CHLB Đức hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Hợp tác kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức. Nhiều năm qua, Đức liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong các nước Asean và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Đức tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong giai đoạn 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gần gấp đôi từ mức 5,6 tỷ USD năm 2011 lên đến 10 tỷ USD năm 2020 (số liệu thống kê của Việt Nam) và trên 15 tỷ USD (theo số liệu thống kê của Cơ quan thống kê LB Đức). Hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt - Đức đã và đang giữ tầm quan trọng đặc biệt. Đức là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở EU và châu Âu nói chung và ngược lại Đức cũng coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, với 92 triệu người tiêu dùng và vì hàng hóa “Made in Germany” có uy tín ở Việt Nam.
Các dòng xe ô tô cao cấp do Đức sản xuất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Ngày 30/6/2019, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã được ký kết sau 9 năm đàm phán Sự liên kết tổng hòa 2 hiệp định quan trọng này đã nâng cánh mối quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới trong đó có Đức. Hai hiệp định này mang lại thuận lợi cho các công ty của cả 2 bên, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ, người lao động và người tiêu dùng.
  1. Hợp tác đầu tư và hợp tác phát triển
Trong lĩnh vực đầu tư, Đức đã vươn lên vị trí thứ ba trong EU với 391 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 41 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 218 triệu USD. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 cũng giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Đức luôn là một trong những nước viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Đức đứng thứ 5 trong số 28 nước EU có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ USD. Đức đang tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, đặc biệt ở những lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như sản xuất máy móc, tài chính, bảo hiểm, năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực... Hiệp định Bảo hộ đầu tư IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức về hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ... trong quá trình thực thi hiệp định này. Để hiện thực hoá hiệp định này, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng. Những sửa đổi này nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.   Hiện có hơn 300 doanh nghiệp lớn của Đức đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Cùng với thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Đức dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, Đức đã dành nguồn vốn ODA trị giá hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sát cánh cùng nhau trong đại dịch Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Việt Nam và Đức đã thể hiện tinh thần của Đối tác chiến lược, luôn sát cánh, hỗ trợ lẫn nhau đối phó với dịch bệnh. Năm 2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát và khẩu trang là mặt hàng đang khan hiếm ở Đức, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã trao tặng hàng trăm nghìn khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế tặng Chính phủ và nhân dân Đức.  

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI KINH DOANH VỚI THỊ TRƯỜNG ĐỨC

  1. Các quy định về xuất nhập khẩu
Chứng từ nhập khẩu: Các yêu cầu về chứng từ Hóa đơn: Hóa đơn này đôi khi được yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Yêu cầu bắt buộc phải có ít nhất 2 bản copy Hóa đơn thương mại; Vận đơn/ hóa đơn hàng không; Không có những quy định đặc biệt. Hóa đơn đặt hàng có thể được chấp nhận; Chứng nhận xuất xứ: Điều này là bắt buộc đối với các hàng hóa đặc biệt và phải được ban hành bởi một cơ quan có thẩm quyền; Danh sách đóng gói; Các yêu cầu về sức khỏe cộng đồng; Chăn nuôi (ngoài ngựa, chó và mèo), thực phẩm, sản phẩm động vật, thực vật và các sản phẩm thực vật là đối tượng kiểm soát và quy định chi tiết và nhập khẩu phải kèm theo chứng nhận đặc biệt. Các yêu cầu đặc biệt phải được kiểm tra từ nhà nhập khẩu; Nhập khẩu thuốc và dược phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ; Thuốc trừ sâu và các chất hóa học nguy hiểm nhìn chung bị hạn chế bởi luật. Các chất này phải được chứng nhận và đăng ký với chính phủ Đức sau khi kiểm tra để xác định xem sản phẩm nào là an toàn đối với thương mại thông thường. Các hạn chế về nhập khẩu: Việc cấm và hạn chế các mặt hàng được áp dụng trong những lĩnh vực sau: Vũ khí và đạn dược (vũ khí, vũ khí săn bán, mặt hàng bị cấm); Pháo hoa; Văn hóa phẩm có nội dung bất hợp pháp; Nội dung khiêu dâm; Thực phẩm; Chất ma túy; Thuốc; Chó dữ; Hàng giả (hàng vi phạm bản quyền); Bảo vệ thực vật; Thuốc bảo vệ chống lại bệnh động vật( vật nuôi, các sản phẩm làm từ động vật). Nên nhớ rằng việc cấm và hạn chế lưu chuyển hàng hóa trong phạm vi EU. Một số mặt hàng đòi hỏi chứng nhận nhập khẩu đặc biệt như: Các sản phẩm từ nông nghiệp; Thực phẩm; Dệt may. Một số mặt hàng nhập khẩu bị hạn chế về định lượng (ví dụ: thịt) và/hoặc yêu cầu hoặc chứng nhận nhập khẩu đặc biệt hoặc xác nhận mà nhà sản xuất được chứng nhận xuất xứ xuất khẩu (ví dụ hàng may mặc sản xuất từ các nước đang phát triển). Những quy định nhập khẩu đặc biệt cũng có thể áp dụng đối với những sản phẩm dưới sự kiểm soát độc quyền (ví dụ như các loại thuốc). Kiểm soát tỷ giá là trách nhiệm của Ngân hàng trung ương Châu Âu và được giám sát bởi các ngân hàng.
  1. Chính sách thuế, thuế suất và phí:
Thuế nhập khẩu: Đức áp dụng biểu thuế quan chung (CET) đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Phương pháp định giá tính thuế nhập khẩu: Thuế nhập khẩu được tính bằng cách lấy giá trị hàng hóa nhập khẩu tính theo giá CIF nhân với thuế suất của loại hàng hóa đó. Trong đó, giá trị hàng hóa nhập khẩu tính theo giá CIF bao gồm: tiền hàng, các chi phí (đóng gói, làm thủ tục xuất khẩu, nộp thuế xuất khẩu (nếu có), lập bộ chứng từ xuất khẩu, cước vận tải, phí bảo hiểm...).  Thuế giá trị gia tăng (VAT): Hàng hóa nhập khẩu vào Đức thường phải chịu thuế giá trị gia tăng. Thuế suất này khác nhau đối với từng loại hàng và nước xuất khẩu. Đối với sản phẩm nông nghiệp thuế suất là 7% còn đối với hàng công nghiệp mức thuế này là 16% giá trị hàng nhập cộng với phí thông quan và chi phí vận chuyển tới địa chỉ đầu tiên trong nước. Trong quy định về miễn thuế giá trị gia tăng thì hàng mẫu, hàng quảng cáo cho hội chợ hay triển lãm… nói chung là các mặt hàng tạm nhập thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra những hoạt động như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm cũng được miễn thuế giá trị gia tăng. Các loại thuế suất tiêu biểu cho các loại mặt hàng như sau: Mức VAT chuẩn là 19%; Giảm từ 7% đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm; 8% cho các loại thiết bị sử dụng trong thể thao, thuốc men, sách, chiếu bóng, dịch vụ vận tải hành khách, khách sạn và nhà nghỉ, hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, vườn bách thú, bảo tàng, và các tổ chức hoặc các hoạt động tương tự. Thuế thu nhập: Có 2 mức thuế: Đối với các doanh nghiệp như công ty chứng khoán hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp chuẩn là 15% đối với tất cả các thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; Đối với các công ty hợp danh hoặc thuộc quyền sở hữu duy nhất thì các thành viên không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng phải chịu thuế thu nhập cá nhân Các loại thuế khác đánh vào hàng nhập khẩu: Thuế chống bán phá giá: Thuế chống bán phá giá là thuế đánh vào các sản phẩm được bán ở Đức với mức giá thấp hơn so với mức giá được bán ở nước sản xuất (hay còn gọi là mức giá thị trường). Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào sản phẩm dầu mỏ, rượu, đồ uống có cồn, thuốc lá, cà phê và sản phẩm từ cà phê, dầu thô (tất cả đều theo mức thuế của EU), và rác thải, điện, một số nguồn năng lượng, nước ngọt (theo mức thuế của quốc gia). Mức thuế cao hơn mức chung của EU có thể áp cho các loại hàng sau: giầy dép, cao su, nhựa, kim loại, da sơ chế và một số thiết bị điện. Thuế chống trợ cấp: Thuế chống trợ cấp là thuế dùng để trừng phạt đối với các loại hàng hóa nhập khẩu vào Đức được hưởng trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu khiến cho chúng ảnh hưởng tới hàng hóa nội địa của Đức và của các nước thành viên EU.
  1. Quy định về bao gói, nhãn mác
Quy định về bao gói: Bao bì là một bộ phận không thể thiếu của hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu và vấn đề xử lý phế thải bao bì sau khi sản phẩm được sử dụng đang được đặt ra một cách cấp thiết nhằm mục đích hạn chế tối thiểu phế thải bao bì từ nguồn rác sinh hoạt để bảo vệ môi trường. Đức bao gói sản phẩm được quy định trong Sắc lệnh về bao gói sản phẩm quốc gia (“Verpackungsverordnung”). Điều đầu tiên được chú ý trong Sắc lệnh này là phải tránh phế thải bao bì. Ngoài ra có những điều khoản bổ sung về bao bì tái sử dụng, vật liệu tái sinh và các quy trình khác về phế thải bao bì Sắc lệnh về bao gói của Đức không đưa ra những quy định ngặt nghèo về nguyên vật liệu sản xuất bao bì. Việc sử dung một số vật liệu nhất định để sản xuất bao bì có thể được tài trợ về mặt tài chính. Quy định về chấp nhận mang bao bì trở về: Vấn đề quan trọng trong Sắc lệnh về bao bì đối với các công ty ở những nước đang phát triển là quy định phải chấp nhận mang trở về bao bì mà mình đã đóng gói, nếu bao bì đó không thể tái chế hoặc tái sử dụng. Những nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển (trừ khi chính họ vận chuyển hàng hóa đến Đức) sẽ không phải chịu trách nhiệm nhưng những nhà nhập khẩu của Đức thì phải chịu chi phí. Khi đó, nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu lần sau sử dụng các loại bao bì phù hợp với Sắc lệnh về bao bì - đó là những bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Những nhà sản xuất và phân phối nước ngoài có thể thuê một bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ này, có nghĩa là những bao bì đã qua sử dụng không nhất thiết phải mang về nước xuất xứ. Các tổ chức xử lý rác thải: Nếu doanh nghiệp không muốn tự xây dựng hệ thống thu hồi phế thải bao bì nhằm tái chế hoặc tái sử dụng, thì họ có thể thuê một tổ chức chuyên nghiệp khác làm cho mình. Nhãn hiệu xanh “Green Dot”: Hệ thống DSD (Duales System Deutschland) là một hệ thống về tái sử dụng và tái chế bao bì quan trọng nhất ở Đức. Đây là một chương trình liên kết hoạt động thương mại (với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Liên bang) để giải quyết vấn đề phế thải bao bì một cách hiệu quả và thu thập rác thải với chi phí thấp nhất có thể cho các thành viên tham gia. Các doanh nghiệp sẽ phải trả phí để được phép in chữ Green Dot (der Grüne Punkt) lên bao bì và phải ký hợp đồng về việc này. Hệ thống DSD được duy trì dựa trên đóng góp tài chính của các doanh nghiệp. Mức đóng góp này phụ thuộc vào: Số lượng bao bì bán ra hàng năm ở thị trường Đức; Thành phần của bao bì. Chỉ những công ty nào đảm bảo sẽ thu hồi và tái chế bao bì mới được sử dụng Green Dot. Các vật liệu quy định trong hệ thống Green Dot: Gồm tất cả các loại vật liệu quy định trong hệ thống DSD: thuỷ tinh, giấy và giấy bìa, thiếc, nhôm, nhựa, thùng giấy đóng đồ uống, những vật liệu đóng gói tự nhiên hoặc tổng hợp. Quy định về nhãn mác: Với mục đích đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhãn mác trở nên rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa trên thị trường Đức. Nhãn hàng hóa ở Đức phải bao gồm các thông tin cơ bản sau: Tên sản phẩm (điều kiện vật chất hoặc cách xử lý cụ thể); Tên/địa chỉ của nhà sản xuất, đóng bao, người bán hoặc người nhập khẩu bằng tiếng Đức; Nước xuất xứ; Thành phần theo thứ tự giảm dần về trọng lượng; Trọng lượng và khối lượng theo hệ đo lường mét; Chất phụ gia theo tên các loại; Điều kiện bảo quản đặc biệt; Thời gian sử dụng; Hướng dẫn cách sử dụng đặc biệt.
  1. Văn hoá kinh doanh
Là đất nước có nền kinh tế hùng mạnh với thu nhập bình quân đầu người cao vào bậc nhất châu Âu, người Đức đòi hỏi rất cao về chất lượng và sản phẩm dịch vụ. Họ có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, vì cho rằng những nhãn hiệu này gắn liền với chất lượng sản phẩm và sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng, mặc dù giá của chúng đắt hơn hoặc đắt hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại khác. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng trên thị trường Đức đang có những thay đổi như: không thích sử dụng đồ nhựa và thích dùng đồ gỗ; thích ăn thuỷ hải sản hơn thịt; yêu cầu về mẫu mốt và kiểu dáng hàng hóa thay đổi nhanh, đặc biệt đối với những mặt hàng thời trang (quần áo, giày dép,…). Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sở thích và thói quen tiêu dùng trên thị trường này thay đổi rất nhanh. Ngày nay, người tiêu dùng Đức cần nhiều chủng loại hàng hóa với số lượng lớn và có vòng đời ngắn, giá rẻ hơn với các điều kiện về dịch vụ bán hàng cũng như sau bán hàng tốt hơn, thay vì sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao, giá đắt, vòng đời sản phẩm dài như trước đây. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa vẫn là yếu tố quyết định đối với phần lớn các mặt hàng được tiêu thụ trên thị trường này. Ví dụ một số sản phẩm tiêu biểu:
  • Đối với hàng may mặc: Người Đức chỉ mua hàng may mặc không có chứa chất nhuộm có nguồn gốc hữu cơ (Azo-dyes). Khách hàng Đức đặc biệt quan tâm tới chất lượng và thời trang của loại sản phẩm này. Nhiều khi yếu tố thời trang lại có tính quyết định cao hơn so với giá cả. Đối với mặt hàng này, nhu cầu thay đổi nhanh chóng, đặc biệt về mẫu mốt.
- Thuỷ hải sản: Người Đức không mua những sản phẩm thuỷ hải sản nhập khẩu bị nhiễm độc do tác động của môi trường hoặc do chất phụ gia không được phép sử dụng. Đối với sản phẩm thuỷ hải sản đã qua chế biến, người Đức chỉ dùng những sản phẩm đóng gói có ghi rõ họ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và sử dụng, mã số và mã vạch. Người tiêu dùng tẩy chay các loại thuỷ hải sản nhập khẩu có chứa khuẩn Salmonella, độc tố Lustamine, nhiễm V.Parahaemoliticus, nhiễm V.Cholerae. Người Đức ngày càng ăn nhiều thuỷ hải sản vì họ cho rằng sẽ giảm được béo mà vẫn khỏe mạnh. Một đặc điểm quan trọng ở thị trường Đức đó là người tiêu dùng rất chú trọng đến các khía cạnh môi trường và xã hội liên quan đến sản xuất hàng hóa. Thị phần hàng thực phẩm thân thiện với môi trường trên cả hai phương diện (giảm lượng hóa chất trong thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường) dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng. Bao bì có khả năng tái sinh và ngay cả việc quảng cáo được tiến hành theo cách thức thân thiện môi trường luôn giành được sự ưu ái của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người Đức còn trở nên khắt khe hơn trong việc lựa chọn hàng hóa xuất phát từ quan điểm đạo đức. Hàng hóa có được sản xuất với sự phân chia thu nhập công bằng cho người lao động thực sự, trong những điều kiện lao động phù hợp, không lạm dụng lao động trẻ em… đang là mối quan tâm lớn của thị trường.  
Ý kiến

TIN TỨC - SỰ KIỆN

cong-thuong.png

cong-ttdt.png

© Copyright 2024 - Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng
An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙