Nâng chất nguồn nhân lực
Từ năm 2018 - 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai Dự án hợp tác đào tạo tư vấn và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho DN chế biến, chế tạo, DN CNHT Việt Nam với sự tham gia của 140 DN trên cả nước. Đáng chú ý, Samsung Việt Nam đã hoàn thành chương trình đào tạo 207 chuyên gia tư vấn người Việt Nam để giúp các DN CNHT phát triển.
Nhìn nhận về chương trình này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - khẳng định, thông qua chương trình đào tạo này, các học viên sẽ được trang bị các kiến thức về quản lý sản xuất như nguyên tắc về quản lý hiện trường, cải tiến lãng phí, tìm hiểu về kỹ thuật công nghiệp, nâng cao năng suất, hoạt động cải tiến dòng vận chuyển sản xuất; kiến thức về quản lý chất lượng…
Là DN được chọn trong đợt đào tạo tư vấn, ông Lê Trí Tín - Phó giám đốc sản xuất Công ty Nhựa CLF - chia sẻ, để có thể nhanh chóng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, việc nâng tầm DN Việt là cần thiết và rất cấp bách. Qua chương trình, đã giúp CLF cách quản lý và vận hành, đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành đối tác cung cấp cho các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài chương trình phối hợp với Samsung Việt Nam, mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN (dự án) cũng đã được Bộ Công Thương và Tổ chức các trường Đại học quốc gia Nhật Bản (KOSEN) hợp tác triển khai thí điểm tại 3 đơn vị đào tạo của Bộ Công Thương. Ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) - cho biết, với sự điều phối của Bộ Công Thương và hỗ trợ từ các tổ chức của Nhật Bản, mô hình giáo dục KOSEN đang phát triển tích cực, thu hút 264 sinh viên tham gia đào tạo trong ngành điện - điện tử, điện tử - công nghiệp và cơ điện tử. “DN Nhật Bản không chỉ tìm kiếm các ứng viên có chuyên môn về lĩnh vực kỹ thuật ôtô, điện tử, hóa môi trường mà họ còn “khát” ứng viên có khả năng quản lý, cải tiến dây chuyền sản xuất công nghiệp”- ông Nguyễn Thế Hiếu bày tỏ.
|
Doanh nghiệp có nhu cầu lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao |
Tập trung các giải pháp bứt phá
Để phát triển Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác và hội nhập, theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, việc cấp thiết hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp.
Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao. Năm 2021, Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Samsung. Đây là chương trình đào tạo rất bài bản, thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với các tư vấn viên và DN Việt Nam. Đồng thời, gắn liền với thực tế và hiện trạng của các DN CNHT tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNHT trong thời gian tới.
Về phía mô hình KOSEN, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định, Bộ Công Thương sẽ hợp tác tạo điều kiện triển khai mô hình KOSEN được suôn sẻ; đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ các đơn vị xây dựng, hoàn thiện, nhân rộng mô hình KOSEN, tổ chức đưa cán bộ Bộ Công Thương sang Nhật Bản tìm hiểu sâu hơn về hệ thống giáo dục KOSEN chính thống…
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của từng ngành công nghiệp như chuyên gia tư vấn cải tiến, sản xuất khuôn mẫu... thông qua hợp tác, hỗ trợ từ tổ chức, DN nước ngoài. |