Các biện pháp PVTM được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Xin ông cho biết, năm 2020, cùng với tiến trình hội nhập của đất nước, PVTM đã được tiến hành như thế nào để bảo vệ sản xuất trong nước?
Kể từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu (NK) đối với nhiều mặt hàng. Điều này đặt các doanh nghiệp (DN), ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa NK. Trong bối cảnh đó, các biện pháp PVTM đã đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới DN. Giai đoạn 2016 tới tháng 12/2020, Bộ Công Thương đã áp dụng điều tra 13 biện pháp PVTM đối với phân bón DAP; bột ngọt; các sản phẩm sắt, thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình, tôn màu và màng BOPP... Qua thực tế cho thấy, đến nay, biện pháp PVTM đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng NK gây ra.
|
Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước |
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 199 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Trong các vụ việc nói trên, Bộ Công Thương, cụ thể là Cục PVTM đã và đang sát cánh cùng DN làm việc với cơ quan quản lý các nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng hóa XK, trong đó hầu hết là những mặt hàng mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đồng thời, Cục đã tăng cường sử dụng công cụ PVTM để ổn định sản xuất cũng như ứng phó với các biện pháp do nước ngoài áp dụng. Năm 2020, Cục PVTM đã chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về PVTM. Dự kiến, năm 2021, Cục PVTM sẽ đề xuất xây dựng Thông tư hướng dẫn biện pháp PVTM thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
So với thế giới, hệ thống chính sách về PVTM của Việt Nam ra đời muộn hơn. Điều này có làm cho PVTM của Việt Nam bị “lép” trước áp lực gia tăng chính sách bảo hộ của các quốc gia?
|
Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM |
Thời gian qua, các cơ quan nhà nước và một số DN đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM để phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Hiện, vấn đề PVTM đang được quy định tại Chương V của Luật Quản lý ngoại thương, do chỉ là một chương trong Luật nên một số nội dung không được quy định cụ thể, dẫn đến hạn chế trong quá trình điều tra và thực thi các biện pháp PVTM. Mặt khác, lĩnh vực PVTM đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ làm công tác PVTM ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN.
Đặc biệt, năm 2020, diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 khiến công tác điều tra PVTM gặp không ít khó khăn. Cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động XK, số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam gia tăng đáng kể trong năm 2020, trong khi nguồn lực dành cho công tác này có giới hạn, tạo áp lực ngày càng lớn cho các hoạt động hỗ trợ DN. Mặt khác, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra, một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp PVTM không phù hợp đặt ra ngày càng nhiều vấn đề cần giải quyết.
Năm 2021, nền kinh tế toàn cầu dự báo vẫn còn nhiều thách thức, ông có thể cho biết về xu hướng của PVTM cũng như các giải pháp của Việt Nam?
Trong năm 2021, do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều (đối với hàng hóa XK của Việt Nam và đối với hàng hóa NK vào Việt Nam) dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Điều đó sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Trước tình hình đó, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo tới DN, ngành hàng, đó là cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và của các thị trường đang và sẽ XK; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; chủ động theo dõi tình hình NK các mặt hàng liên quan để kịp thời phát hiện dấu hiệu hàng hóa bán phá giá, trợ cấp, nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Nhận thức được những khó khăn, phức tạp của môi trường thương mại toàn cầu trong tình hình mới, Cục PVTM cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2021 và thời gian tới. Cụ thể: Thứ nhất, đồng hành cùng các DN sản xuất, XK ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài; tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hỗ trợ các DN. Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra PVTM đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Thứ ba, triển khai xây dựng và hoàn thành hệ thống cảnh báo sớm nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ bị điều tra PVTM đối với một số mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Việt Nam để các DN có phương án chuẩn bị. Thứ tư, Cục PVTM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao về tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM. Thứ năm, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước.
Xin cảm ơn ông!