Ngành da giày ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngành da giày nói riêng và ngành công nghiệp thời trang đang có cơ hội rất lớn khi mở được nhiều thị trường lớn. Cùng với đó, năng lực ứng phó dịch bệnh, khả năng cung ứng và nghiên cứu phát triển ngày càng tốt, niềm tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam ngày càng tăng.

Nhiều kết quả tích cực trong năm 2020

Đánh giá về những kết quả mà ngành da giày đã đạt được trong năm qua tại Lễ tổng kết ngành da giày túi xách năm 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2021 diễn ra ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, năm 2020 là năm khó khăn cho toàn ngành công nghiệp nói chung và ngành da giày Việt Nam nói riêng dịch bệnh bùng phát ngay từ những tháng đầu năm 2020 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như thị trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người lao động trong toàn ngành, làm gián đoạn việc cung cấp sản phẩm da giày ra thị trường.

Ngành da giày ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành da giày đã đạt được trong năm 2020

“Kết thúc năm 2020, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt gần 20 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2020 không đạt con số mục tiêu, nhưng đây là kết quả của sự cố gắng của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội. Bên cạnh kết quả xuất khẩu, chúng ta đã duy trì được sản xuất, đảm bảo được công ăn việc làm và đời sống người lao động. Đây là những thành quả rất đáng ghi nhận”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho biết: Trải qua năm 2020 đầy biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy về khả năng cung ứng và nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu, quản trị trên nền tảng số. Cụ thể, trước đây các công ty thiết kế đều phải có người Design của các chuỗi, phải có chuyên gia… nhưng bây giờ việc duyệt mẫu, sửa mẫu đã được thực hiện online, việc chụp hình sửa mẫu cũng thực hiện online, đây là tín hiệu mừng. Đến nay, đa số các chuỗi cung ứng, các nhà phân phối đều rất tin tưởng vào năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như khả năng thích ứng với tác động của dịch bệnh. Đây là thành công lớn nhất của ngành da giày.

Theo ông Thuấn, mặc dù năng lực sản xuất của Trung Quốc hiện vẫn nắm giữ 50% sản lượng toàn cầu, nhưng lần đầu tiên xuất khẩu da giày của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 15%. “Như vậy, giờ đây Trung Quốc không phải nơi cạnh tranh với mình về nguồn cung nữa mà đây là thị trường phải nhập khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam sản xuất”, ông Nguyễn Đức Thuấn thông tin.

Về vấn đề nguồn nguyên phụ liệu, ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Gia Định cho biết, khi đại dịch xảy ra, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước để thay thế nguồn nhập từ nước ngoài. Với giày Gia Định, hiện công ty đã thành lập những cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho ngành nguyên phụ liệu, đồng thời đầu tư một số xưởng để sản xuất nguyên phụ liệu. Ngành nguyên phụ liệu nói chung của Việt Nam hiện đã đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sản xuất của ngành da giày.

Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các FTA

Đánh giá về triển vọng của ngành Da giày trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thuấn cho hay, hiện ngành da giày đang có những tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp đang đã có đơn hàng cho năm 2021. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nhận thấy những rủi ro từ thị trường này và bắt đầu dịch chuyển sản xuất. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao nâng cao năng suất, tích tụ tài chính, tích tụ được khoa học công nghệ, làm chủ được chuỗi cung ứng, đáp ứng được nhu cầu về môi trường để tiếp nhận.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, bước sang năm 2021, đại dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó, hiệp hội và doanh nghiệp cần hết sức cố gắng để giữ vững và tận dụng tối đa các FTA mà chúng ta đã đạt được như EVFTA, UKVFTA….

Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, sát cánh cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm và thâm nhập thị trường. Đồng thời hỗ trợdoanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất bằng các chương trình hành động như: Sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó bổ sung cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ toàn ngành da giày; Triển khai hiệu quả chương trình công nghiệp hỗ trợ năm 2025 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt.

Hiện tại Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021 với mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và xanh hóa ngành da giày Việt Nam. Trong thời gian tới, hiệp hội tích cực phát huy có hiệu quả vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa cơ quan nhà nước với chính phủ để xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035, cũng như việc xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu phát triển da giày theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *