Chính sách đồng kiểm thực tế không mới, đã được các sàn thương mại điện tử lớn thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, từ tháng 3/2019, các sàn thương mại điện tử đồng loạt bỏ chính sách này và thay vào đó đề nghị khách hàng quay video clip quá trình mở kiện hàng để phục vụ công tác đổi trả, khiếu nại khi hàng hóa không đúng chủng loại, bị hỏng hóc do vận chuyển…
Khách hàng có thể yêu cầu nhân viên giao hàng hướng dẫn và hỗ trợ đồng kiểm |
Việc đột ngột dừng chính sách đồng kiểm của các nhà bán hàng đã khiến nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc bởi xuất hiện nhiều vụ việc mua hàng online bị đánh tráo, hàng kém chất lượng xảy ra. Từ đó, một số người tiêu dùng đã đề nghị việc phục hồi quy định cho phép kiểm hàng khi nhận để tránh những rủi ro không đáng có.
Trong bối cảnh trên, gần đây một số sàn thương mại điện tử đã nới lỏng chính sách đồng kiểm, cho phép khách hàng đồng kiểm cùng nhân viên giao hàng để khiếu nại, đổi trả hàng. Đơn cử như trường hợp của sàn thương mại điện tử Shopee. Theo thông báo ngày 22/5 của sàn này thì đơn vị đã chính thức áp dụng chính sách đồng kiểm cho các đơn hàng được đặt từ 0 giờ ngày 19/5/2023 ngay tại thời điểm nhận hàng từ đơn vị vận chuyển, và được trả hàng ngay tại chỗ hoàn toàn miễn phí, trừ các trường hợp khác do Shopee quy định.
Đại diện Shopee cho biết, chính sách đồng kiểm áp dụng cho đơn hàng có hiển thị thông tin “Được đồng kiểm” tại mục “Thông tin đơn hàng” trên ứng dụng Shopee sau khi đặt hàng. Người mua được kiểm tra về mặt ngoại quan sản phẩm, đảm bảo số lượng và màu sắc đúng với mô tả. Nếu khi đồng kiểm sản phẩm không đúng hoặc có dấu hiệu hư hỏng, người mua có quyền từ chối nhận hàng. Ngoài ra, người mua còn có thể yêu cầu đơn vị vận chuyển hướng dẫn cách thức đồng kiểm và cung cấp dụng cụ cần thiết như kéo, dao rọc giấy… để tiến hành đồng kiểm. Đồng thời, đơn vị vận chuyển sẽ được phép chụp hình hoặc ghi hình lại toàn bộ quá trình đồng kiểm để lưu bằng chứng xử lý nếu xảy ra khiếu nại về sau.
Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này cũng yêu cầu người mua phải duy trì tính nguyên vẹn của sản phẩm trong suốt quá trình đồng kiểm, không được làm rơi vỡ, hư, trầy, xước, dính vết bẩn lên sản phẩm. Đặc biệt là không được làm rách, không được mở tem niêm phong của nhà sản xuất, không được mở tem chống hàng giả hoặc làm rách tem hay phiếu thông tin giao hàng của sản phẩm và không được dùng thử sản phẩm.
Đáng chú ý, chính sách đồng kiểm sẽ không áp dụng với một số ngành hàng và sản phẩm đặc thù thuộc nhóm: Voucher & dịch vụ; thực phẩm tươi sống và đông lạnh; sữa – trứng; cây cảnh, ô tô… Bên cạnh đó, đồng kiểm cũng không áp dụng với các đơn hàng có giá trị lớn hơn 3 triệu đồng. Và chính sách này không áp dụng cho các đơn hàng được vận chuyển bởi Viettel Post, VN Post, VN Post Tiết kiệm, kênh Người Bán tự vận chuyển, hoặc kênh Hỏa Tốc.
Ngoài Shopee, sàn Tiki cũng đã chính thức cho phép khách hàng được xem và đồng kiểm tra hàng hóa với nhân viên giao hàng khi nhận hàng. Tuy nhiên, cũng như Shopee, Tiki chỉ cho khách hàng được phép mở kiểm tra ngoại quan của sản phẩm. Tức là chỉ kiểm tra số lượng sản phẩm trong đơn hàng, xem sản phẩm có giống với mô tả khi đặt hàng không, có đúng màu sắc không. Hay có bị móp méo, bể vỡ, rách nát trong quá trình vận chuyển không.
Theo lý giải của Tiki, khách hàng không được mở seal (niêm phong) sản phẩm bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến bao bì và tem dán niêm phong sản phẩm hay kiểm tra khả năng hoạt động của sản phẩm bằng cách sử dụng thử, cắm điện hay ghi chép dữ liệu…
Liên quan đến chính sách đồng kiểm, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, việc đồng kiểm hay không phụ thuộc vào thỏa thuận và chính sách phát triển của từng đơn vị. Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó việc cho phép người mua đồng kiểm có thể sẽ tác động nhiều đến quyết định mua sắm online, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và yêu cầu ngày càng cao, đồng thời tác động đến việc quản lý dịch vụ của sàn thương mại điện tử.