THỰC TRẠNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đến nay, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa đã gặp rất nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, xúc tiến thương mại tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa điện tử là hướng đi tất yếu. Việc chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo lối truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến là giải pháp được cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như không ít doanh nghiệp thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

  1. Một số vấn đề cơ bản về xúc tiến thương mại điện tử

1.1. Xúc tiến thương mại điện tử là gì?

Xúc tiến thương mại điện tử thực chất là cách thức các doanh nghiệp sử dụng Internet, Website và các thiết bị điện tử, các mạng viễn thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mục đích cuối cùng là phân phối được sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ đến thị trường mục tiêu.

1.2. Đặc điểm của xúc tiến thương mại điện tử

Về hình thức: giao dịch thương mại điện tử là hoàn toàn qua mạng

Xúc tiến thương mại điện tử sử dụng chủ yếu là các thiết bị điện tử và môi trường mạng viễn thông để truyền dữ liệu. Con người chỉ đóng vai trò điều khiển và tạo ra nội dung, còn hoạt động truyền thông chủ yếu sử dụng mạng kết nối và phương tiện điện tử.

Nhờ việc sử dụng mạng internet, các bên tham gia vào giao dịch không phải gặp gỡ nhau trực tiếp mà vẫn có thể đàm phán giao dịch được với nhau thông qua mạng thông tin toàn cầu.

Về phạm vi hoạt động: thị trường trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử là thị trường phi biên giới.

Điều này thể hiện ở chỗ, mọi người ở tất cả các quốc gia trên khắp thế giới không phải di chuyển đến bất cứ địa điểm nào mà vẫn có thể thực hiện hoạt động truyền tin hoặc tiếp nhận thông tin khi có kết nối Internet. Hoạt động xúc tiến sẽ không còn bị bó hẹp trong một không gian địa lý nhất định.

Về chủ thể tham gia: trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử phải có tối thiểu ba chủ thể tham gia. Đó là bên thực hiện hoạt động xúc tiến, đối tượng được hướng tới và bên cung cấp các dịch vụ, công cụ trực tuyến. Đây là những người tạo môi trường cho việc chuyển tải thông điệp giữa hai bên còn lại. Đó có thể là các cơ quan cung cấp hạ tầng mạng, các nhà cung cấp tên miền website, server gửi email…

Về thời gian hoạt động: hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến có thể diễn ra một cách linh hoạt, và không bị giới hạn về thời gian. Đa số phương tiện, hạ tầng có thể hoạt động 24/24, sẵn sàng thực hiện hoạt động truyền tin bất cứ lúc nào.

1.3. Vai trò của xúc tiến thương mại điện tử đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

– Bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới

Ngày nay, khi thế giới không ngừng ứng dụng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh trực tuyến thì ở Việt Nam không ít doanh nghiệp còn chần chừ, lo ngại về vấn đề này. Chính sự “ngại đổi mới” mà nhiều doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ phá sản.

Điều gây cản trở không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của nhà nước nói chung. Để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, doanh nghiệp cần phải thay đổi từ phương thức kinh doanh truyền thống, sang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại điện tử.

– Nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh

Việc các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm phương thức truyền thông mới để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng đều nhằm  mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh. Khi các hình thức truyền thông truyền thống như báo giấy, truyền hình, phát thanh đã dần mất đi thế thượng phong thì truyền thông online trên mạng internet giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.

Có thể khẳng định rằng, truyền thông online là một trong những biểu hiện của việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử trên thế giới. Nếu doanh nghiệp nào biết tận dụng tối đa những lợi thế mà truyền thông online mang lại sẽ trụ vững hơn, thành công hơn trong cuộc chiến kinh doanh khốc liệt.

– Mở rộng phạm vi, đối tượng khách hàng

Xúc tiến thương mại điện tử còn giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi đối tượng khách hàng. Lúc này, khách hàng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một tỉnh hay một quốc gia mà được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này đó là biết cách tự kết nối, tương tác, truyển tải đúng, đủ và nhanh nhất mọi thông điệp của mình tới khách hàng thông qua các công cụ xúc tiến thương mại điện tử.

  1. Thực trạng triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) điện tử ở Việt Nam hiện nay

Hoạt động xúc tiến thương mại, nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã đạt được các kết quả tích cực và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác xúc tiến thương mại của cả nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường truyền thống, các thị trường có tiềm năng và các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Công Thương đã cùng với các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại không ngừng đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm và bao gồm 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt 319 đề án thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng. Ngay từ tháng 2/2020, khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra tại Trung Quốc, chưa ảnh hưởng đến các thị trường khác, Chương trình đã nhanh chóng triển khai các đề án XTTM tại các thị trường nước ngoài như hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia 05 Hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới tại UAE, Đức, Anh. Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động XTTM truyền thống thực hiện theo phương thức trực tiếp đều không thể thực hiện được. Trong bối cảnh đó, Cục XTTM với vai trò trung tâm điều phối hoạt động xúc tiến thương mại trong cả nước, đã rà soát, tham mưu Lãnh đạo Bộ hủy 80 đề án do không thực hiện được và bổ sung 66 đề án tập trung vào các hoạt động XTTM thị trường trong nước, các hoạt động XTTM thực hiện trên môi trường mạng, khai thácthị trường các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác; các hoạt động tuyên truyền quảng bá, thông tin thị trường, đào tạo nâng cao năng lực

Bên cạnh các hoạt động XTTM trực tiếp, truyền thống, Bộ Công Thương và hệ thống các cơ quan XTTM cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng  công nghệ thông tin (CNTT) chuyển đổi số, đổi mới, nâng cao hiệu quả XTTM hỗ trợ DN kết nối khách hàng, duy trì và phát triển kênh phân phối thị trường trong nước, củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu với chi phí thấp hơn. Cụ thể nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thông qua các kênh thương mại điện tử, Cục XTTM đã triển khai Chương trình hợp tác với Tập đoàn Alibaba (thông qua Alibaba.com theo phương thức B2B*) và Tập đoàn Amazon (thông qua Amazon.com theo phương thức B2C**). Đây là 02 sàn giao dịch thương mại có quy mô nhất trên thế giới với các sản phẩm đa dạng và cách tiếp cận linh hoạt (B2B và B2C) để DN cân nhắc tham gia. Năm 2020, ngay sau khi ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Alibaba, Cục XTTM đã triển khai 06 sự kiện huấn luyện về thương mại điện tử tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Lào Cai. Các khóa huấn luyện đã thu hút gần 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và nhận được đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ trong công tác XTTM đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như:

– Về tổ chức các hoạt động XTTM trực tuyến

Trong bối cảnh không thể thực hiện được các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với nước ngoài, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, các cơ quan XTTM nước ngoài và tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến. Các phiên giao thương này được tổ chức với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU,…) và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa (châu Phi, Úc, Mecosur…).  Đặc biệt, tháng 12/2020, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hội chợ Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (Vietnam Food Expo hàng năm được tổ chức trực tiếp) và tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng chục hội chợ quốc tế trực tuyến.

Các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp kết nối các nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, duy trì quan hệ khách hàng cũng như tiếp xúc với khách hàng mới để tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hoạt động XTTM trực tiếp ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Theo thống kê, hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã được hỗ trợ kết nối giao thương trực tuyến thông qua hình thức này. Các mặt hàng tham gia giao thương đa dạng phục vụ nhu cầu xuất khẩu (sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm…) cũng như nhu cầu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước. Bên cạnh các hoạt động XTTM trực tuyến, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon.com (theo phương thức B2C), Alibaba.com (theo phương thức B2B) đào tạo, huấn luyện các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa qua các nền tảng này, qua đó quảng bá được thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

– Về xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác XTTM

Nhằm đổi mới công tác XTTM để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ cuộc cách mạng này, trong năm 2020, Cục XTTM đã triển khai xây dựng 05 ứng dụng, phần mềm bao gồm:

+ Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM): Đây là hệ thống kết nối các đơn vị hỗ trợ XTTM bao gồm các tham tán của Việt Nam tại thị trường, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đến nay, hệ thống đã cập nhập thông tin của gần 13.000 doanh nghiệp, thông tin về các Sở Công thương, Trung tâm XTTM ở 63 tỉnh thành và các hiệp hội ngành hàng. Trong Quý 1/2021, hệ thống hoàn thiện giai đoạn 2 và đi vào vận hành.

+ Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ): là một nền tảng ứng dụng tích hợp các dịch vụ XTTM như tư vấn/đào tạo, truy xuất xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm… Giữa Quý 2/2021, Hệ sinh thái đã được đưa vào vận hành.

+ Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com). Hệ thống hiện đã hoàn thành các chức năng cơ bản và Quý I/2021 đã đưa vào vận hành. Hiện nay, Cổng thông tin đã được đưa vào vận hành, sử dụng.

+ Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org);

+ Nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning).

Việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục (55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam, gồm cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật và thị trường tiềm năng như ở châu Phi, Úc…), huy động cả hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động XTTM trên thực tế ở nước ngoài, đồng thời giúp nhiều ngành hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, vật tư y tế, bao bì,… duy trì được các hoạt động XTTM thông qua hình thức trực tuyến có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của các cơ quan XTTM gồm hiệp hội ngành hàng và tổ chức XTTM địa phương, trong năm 2020, hệ thống cơ quan XTTM đã triển khai hơn 1.000 đề án XTTM, đạt 70% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động XTTM năm 2020 từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn khác khoảng 255 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 183 tỷ đồng. Các hoạt động XTTM trên cả nước đã hỗ trợ trên 18.000 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường; Giá trị hợp đồng và giao dịch tại sự kiện đạt hơn 300 tỷ đồng và 43,8 triệu USD đơn hàng xuất khẩu (chưa tính kết quả đạt được sau khi kết thúc sự kiện, doanh nghiệp tiếp tục đàm phám, giao dịch). Các đề án hủy thực hiện chủ yếu là các đề án tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, giao thương với các doah nghiệp nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kết quả này đã cho thấy mặc dù xúc tiến thương mại trực tuyến mới chỉ phổ biến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và ban đầu chỉ được xem như một giải pháp tình thế trong bối cảnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đến hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho xúc tiến thương mại trực tiếp, trở thành hình thức xúc tiến thương mại – đầu tư mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *