Chính sách hỗ trợ giảm giá điện đã tạo động lực cho doanh nghiệp khôi phục nhanh sau Covid-19

Trong thời gian qua, ngành điện tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã chủ động triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo động lực để doanh nghiệp khôi phục sản xuất – kinh doanh.

Tích cực triển khai giảm giá điện, tiền điện

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã công bố kế hoạch và lộ trình cụ thể về việc giảm giá điện, tiền điện cho các nhóm khách hàng, trong đó, giảm 10% giá điện bậc thang từ 1 – 4 đối với khách hàng điện sinh hoạt; giảm 10% giá điện cho khách hàng sản xuất kinh doanh ở tất cả các khung giờ; hỗ trợ áp dụng chuyển đổi giá điện khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện kinh doanh sang giá điện sản xuất và tiếp tục giảm 10% giá điện trên tổng hóa đơn.

giam gia dien tao dong luc de doanh nghiep khoi phuc nhanh sau covid 19
PC Quảng Bình trao đổi với đơn vị sản xuất gạch không nung về chính sách hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện của Bộ Công Thương cho doanh nghiệp sản xuất

Theo đại diện PC Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có trên 290.000 khách hàng được giảm giá điện, tiền điện do ảnh hưởng dịch Covid-19 gồm 274.000 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, 15.100 khách hàng sản xuất kinh doanh và 1.200 khách là cơ sở lưu trú du lịch.

Tại TP. Đà Nẵng, ước tính tổng cộng số tiền PC Đà Nẵng hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong 3 tháng là trên 150 tỷ đồng, trong đó, phần hỗ trợ cho hơn 300.000 hộ sử dụng điện sinh hoạt khoảng 40 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp của PC Quảng Nam, sẽ có khoảng 411.815 khách hàng sử dụng điện được hưởng chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng số tiền 92,8 tỷ đồng.

Tại khu vực Tây Nguyên, 3/4 tỉnh đã công bố công khai việc giảm giá điện, tiền điện gồm tỉnh Đắk Lắk sẽ có trên 527.000 khách hàng được hưởng lợi, với tổng số tiền khoảng 75 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum có hơn 142.500 khách hàng nằm trong diện được hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến gần 26 tỷ đồng; và tỉnh Gia Lai với hơn 400.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện.

giam gia dien tao dong luc de doanh nghiep khoi phuc nhanh sau covid 19
Giảm giá điện, tiền điện giúp doanh nghiệp thương mại – dịch vụ giảm áp lực chi phí cố định

Giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp thương mại – dịch vụ

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, hoạt động thương mại – dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch gần như bị đóng băng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chi nhiều khoản cố định để duy trì sự tồn tại của mình dẫn đến áp lực tài chính lớn.

Ông Lê Quang Huỳnh – Phó Giám đốc điều hành Đoàn Gia Resort (Quảng Bình) cho biết, mỗi tháng doanh thu của doanh nghiệp khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, doanh nghiệp gần như không có doanh thu thì tiền điện để duy trì hoạt động của đơn vị cũng là một áp lực. “Do vậy, việc giảm giá điện trong 3 tháng liên tiếp từ mức bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức áp dụng cho các ngành sản xuất, đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú vượt qua khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho ngành du lịch sớm khôi phục hoạt động. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Chính phủ, Bộ Công Thươgn và ngành điện cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn”, ông Huỳnh chia sẻ.

Theo đại diện nhà hàng Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà hàng cũng đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh trong thời gian dài và mới mở cửa hoạt động trở lại. “Sự hỗ trợ kịp thời, cụ thể này góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm và tin tưởng hơn vào các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp dịch vụ du lịch phục hồi sau Covid-19”, đại diện nhà hàng chia sẻ.

Bà Phan Thị Thanh – Giám đốc khách sạn Sam Grand – cho rằng, chính sách hỗ trợ giảm giá điện cho các đơn vị, cơ sở lưu trú du lịch là vô cùng cần thiết và “hỗ trợ trúng đối tượng khó khăn nhất do dịch Covid-19”. Theo bà Thanh, ngành dịch vụ du lịch nói riêng, các cơ sở lưu trú du lịch như Sam Grand nói chung còn cần nhiều thời gian để có thể khôi phục mọi hoạt động. “Trong khi các chi phí cố định như chi lương cho người lao động, chi phí điện nước, bảo trì…. không thể cắt giảm là một áp lực đối với doanh nghiệp thì việc giảm giá điện, tiền điện sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Thanh nói và cho biết thêm, ngoài việc được tính chuyển giá điện từ kinh doanh sang sản xuất, giảm giá bán lẻ tiền điện (10%) theo diện cơ sở lưu trú du lịch, Sam Grand còn được giảm thêm 20% tổng hóa đơn tiền điện theo diện là khách sạn phục vụ cách ly.

Ông Phạm Thành Nguyên – chủ một cơ sở lưu trú du lịch nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, việc PC Đắk Lắk đã chuyển từ giá điện kinh doanh sang giá điện sản xuất và giảm 10% cho các cơ sở lưu trú du lịch trong 3 tháng giúp các doanh nghiệp có động lực để tiếp tục khắc phục khó khăn khi du lịch được dự báo sẽ có thời gian khôi phục kéo dài.

giam gia dien tao dong luc de doanh nghiep khoi phuc nhanh sau covid 19
Giúp doanh nghiệp sản xuất có khoản tái đầu tư để phục hồi

Khoản giảm là nguồn tái đầu tư lý tưởng cho doanh nghiệp sản xuất

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, trong bối cảnh sản xuất chững lại do Covid-19, số tiền doanh nghiệp tiết kiệm được nhờ chính sách giảm giá điện, tiền điện sẽ là khoản tái đầu tư lý tưởng cho doanh nghiệp sản xuất tăng tốc trở lại hoặc tạo ra chương trình kích cầu để có thêm nhiều đơn hàng, đối tác.

Ông Nguyễn Ngọc Trí – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng 1-5 tại Quảng Bình cho biết, công ty chuyên sản xuất gạch nung nên nhu cầu sử dụng điện lớn. Với chính sách giảm 10% giá điện liên tục trong 3 tháng đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thì công ty sẽ tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi cảm ơn chính sách thiết thực của Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong dịch Covid-19, với số tiền giảm đó chúng tôi sẽ tái đầu tư, sản xuất sau này”, ông Trí chia sẻ.

Còn Công ty TNHH Xi măng Luks – Việt Nam (Thừa Thiên Huế) thì lại chuyển đổi số tiền diện được hỗ trợ thành tiền chiết khấu ngay cho khách hàng khi mua xi măng như một biện pháp kích cầu. Ông Võ Ngọc Hà – Kế toán trưởng công ty – cho biết: “Chính sách hỗ trợ tiền điện của Chính phủ đã giảm bớt phần nào chi phí của doanh nghiệp. Chúng tôi sử dụng số tiền đó để hỗ trợ lại cho khách hàng, người mua hàng, mặc dù không giảm giá thành sản phẩm nhưng người mua hàng sẽ nhận được số tiền phần trăm tương ứng khi mua 1 tấn xi măng”.

Bà Nguyễn Khánh Chi – Công ty Cổ phần dệt may Huế – cho biết, hoạt động may, sợi tại công ty sử dụng điện rất nhiều, trong đó sợi sử dụng điện lớn nhất. Việc giảm giá điện sẽ giúp công ty bù lỗ vào các chi phí cố định, bởi tình hình dịch Covid – 19 công ty không có đơn hàng, sản xuất kinh – doanh bị đình trệ, trong khi đó các cho phí cố định như điện, nước vẫn phải duy trì thực hiện.

Ông Trần Quốc Toàn – Giám đốc Công ty Dây và cáp điện Vạn Xuân chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên – cho hay: “Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng liên quan đến điện như chúng tôi đặc biệt quan tâm về giá. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, giảm giá điện và giảm tiền điện phần nào khắc phục được khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho công ty vào thời điểm hiện tại”.

giam gia dien tao dong luc de doanh nghiep khoi phuc nhanh sau covid 19
Các doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời từ Bộ Công Thương thông qua các chính sách cụ thể, trong đó có giảm giá điện, tiền điện

Theo đại diện Công ty TNHH Quốc Duy (Gia Lai), dịch Covid-19 khiến thị trường xây dựng gần như dừng hoạt động vì vậy đầu ra của sản phẩm đá granite do công ty sản xuất cũng bị “bít tạm thời”. “Mỗi tháng doanh nghiệp chi khoảng hơn 300 triệu đồng cho tiền điện. Với chính sách giảm 10% giá điện này sau 3 tháng chúng tôi đã tiết kiệm được tới gần 100 triệu đồng. Đây là nguồn dự phòng tái đầu tư lý tưởng cho doanh nghiệp trong bối cảnh đang nỗ lực tìm giải pháp kích cầu thị trường để khôi phục sản xuất như hiện nay”, đại điện công ty cho hay.

Ông Trịnh Văn Dũng – Phó Giám đốc VNPT Đắk Lắk – cho biết, đề xuất của Bộ Công Thương về giảm tiền điện sẽ giúp đơn vị tiết giảm được khoảng 300 triệu một tháng, đồng thời đơn vị sẽ áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để góp một phần nhỏ hỗ trợ người dân, hỗ trợ khách hàng, tiết giảm chi phí cũng như nâng cao năng suất lao động, vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *