Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết với những ưu đãi hấp dẫn về thuế được đánh giá là cơ hội cho ngành dệt may trong nước thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào xây dựng và tự chủ chuỗi cung ứng.
“Sức nóng” từ hội nhập
Tự chủ chuỗi cung trong bối cảnh phân công sản xuất có quy mô toàn cầu là rất khó đối với mỗi quốc gia, tuy vậy làm chủ ở một mức độ nhất định để tránh phụ thuộc hoàn toàn là điều cần thiết. Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển khâu sợi, dệt nhuộm vẫn là giải pháp hữu hiệu, có tính bền vững cho ngành dệt may trong nước. Một điều kiện khá thuận lợi cho dệt may Việt Nam là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã được ký kết sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa thu hút vốn cũng như công nghệ hiện đại cho phát triển từ khâu thượng nguồn.
Thực tế, ngay từ khi EVFTA, CPTPP khởi động đàm phán đã tạo nên làn sóng thu hút FDI vào chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) – cho hay: Tổng vốn FDI đăng ký vào dệt may Việt Nam trong 6 năm (2013-2018) đạt gần 9,6 tỷ USD, vượt xa tổng số vốn trong cả giai đoạn 24 năm trước. Đóng góp của khối FDI vào xuất khẩu (XK) chung của toàn ngành cũng rất đáng kể, trung bình chiếm tới 60% tổng kim ngạch, trong đó xơ, sợi chiếm 70%, hàng dệt may chiếm 59%.
Sức nóng từ các FTA khiến dòng vốn ngoại đầu tư vào lĩnh vực dệt may tăng mạnh những năm gần đây. Cụ thể, nếu như đến tháng 5/2018, Việt Nam chỉ thu hút được 8 dự án với tổng vốn đăng ký 46 triệu USD thì 1 năm sau đã tăng lên 11 dự án, tổng vốn đăng ký 190,5 triệu USD. Tuy vậy, ông Cao Hữu Hiếu cũng khuyến cáo: “Doanh nghiệp (DN) dệt may nội địa phải thực sự chủ động để không bị lép vế, tránh trở thành vệ tinh gia công cho DN FDI. Chủ động đầu tư xứng đáng cho sản xuất nguyên, phụ liệu là mấu chốt để thành công lâu dài trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt”.
Các FTA thế hệ mới tạo sức hút cho ngành dệt may Việt Nam |
Cần chính sách đủ mạnh
Cho dù các FTA mở rộng hơn cánh cửa thu hút vốn và công nghệ vào phát triển chuỗi cung ứng dệt may. Tuy nhiên chất lượng nguồn vốn, công nghệ thu hút như thế nào lại là vấn đề khác. Đặc biệt, làm sao để kết nối giữa DN trong nước và DN FDI trong xây dựng nguồn cung, sử dụng nguyên, phụ liệu sản xuất nội địa cũng là vấn đề cần bàn. Giải quyết vấn đề này, về mặt vĩ mô, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiệm vụ rà soát, xây dựng lộ trình về đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành dệt may. Từ đó, phân tích chi tiết trình độ công nghệ, lộ trình đổi mới cũng như chính sách hỗ trợ cần thiết cho từng phân ngành xơ, sợi, dệt, may đầu tư ứng dụng công nghệ mới.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có chính sách mạnh hơn nữa để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), có quy hoạch quốc gia và chiến lược phát triển các vùng nguyên liệu hoặc các nguồn nguyên liệu nhập khẩu (NK) thay thế.
Cụ thể, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – đề nghị: Bộ Công Thương cần khẩn trương xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn năm 2035-2040, đặt cao vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Trong đó, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may cũng như sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho ngành bứt phá.
Ở một khía cạnh khác, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh: Nâng giá trị gia tăng cho dệt may không chỉ ở tự chủ nguyên, phụ liệu mà còn phát triển khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu. Do vậy, trong Chiến lược phát triển ngành tới đây, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề từ khâu thiết kế, thương hiệu sau đó là phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, để tận dụng hiệu quả các FTA, DN phải đầu tư dây chuyền hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về nguyên, phụ liệu của các chuỗi thời trang trên thế giới.
Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT. Theo đó, các DN có dự án sản xuất CNHT bên cạnh được vay vốn với lãi suất thấp còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây được đánh giá là nhân tố quan trọng, nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu ngành dệt may trong nước. |