Điện gió ngoài khơi đang có sức hấp dẫn chưa từng có đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dẫu vậy, theo cuộc chơi này không dành cho số đông, vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn và độ rủi ro cao.
Các dự án điện gió tỷ đô
Hàng loạt dự án điện gió đang “dàn hàng ngang” tiến ra biển cho thấy kỳ vọng lớn của nhà đầu tư về nguồn điện năng vô tận này. Nhiều dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD, thậm chí hơn chục tỷ USD, đang chạy đà kỹ lưỡng, thận trọng để có những bước đi vững chắc.
Thiết bị đo gió Lidar tại Dự án Điện gió HBRE Vũng Tàu vừa được nhà đầu tư lắp đặt. Ảnh: H.M |
Trong đó, phải kể đến Dự án điện gió của Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí châu Á – Tập đoàn Pure New Energy – Công ty TNHH Novasia Energy (do Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí châu Á làm đại diện, tổng công suất tới 2,5 GW, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, ở ngoài khơi huyện Tuy Phong và Bắc Bình của tỉnh Bình Thuận); Dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận (công suất 3,4 GW, vốn đầu tư 11,9 tỷ USD)…
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh mới đây, hàng loạt dự án điện gió đến từ các tên tuổi đầu tư lớn được ghi nhận với tổng đầu tư vượt 42.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Trong đó, Công ty Đầu tư Xây dựng Trung Nam có dự án điện gió V3-6 với tổng vốn 6.759 tỷ đồng. Được biết, Trung Nam đã huy động thành công hơn 3.000 tỷ đồng cho mảng năng lượng trong năm 2019.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Hải rót 5.775 tỷ đồng vào dự án điện gió V3-7; Năng lượng Trường Thành với dự án năng lượng gió ngoài khơi với tổng vốn 5.775 tỷ đồng; Tập đoàn Xây dựng Thăng Long góp mặt với dự án Điện gió Thăng Long V3-1, tổng vốn 8.591 tỷ đồng; Công ty Đầu tư – Phát triển SG-CCG với Dự án Nhà máy Điện gió Duyên Hải, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án Nhà máy Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu do HBRE Group đầu tư là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và lớn nhất tại địa phương này, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, công suất 500 MW. “Dự án đã được lắp đặt thành công thiết bị đo gió (công nghệ Lidar), với chiều cao bắt gió khoảng 200 m. Dự kiến, công việc đo gió sẽ hoàn tất trong một năm để nhà đầu tư tiến hành các bước tiếp theo”, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HBRE Group cho biết.
Cuộc chơi không dành cho số đông
Là quốc gia mới nổi trong lĩnh vực đầu tư điện gió, nhưng trang eco-business (Singapore) vào cuối tháng 11/2019 đã ghi nhận, Việt Nam đang nổi lên trở thành một trung tâm điện gió mới của Đông Nam Á với các dự án lớn nhất thế giới dọc bờ biển.
Không phải ngẫu nhiên, eco-business đưa ra nhận định trên. Theo dõi lộ trình phát triển điện gió của Việt Nam qua sự nhập cuộc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khoảng 5 năm trở lại đây, có thể thấy, điện gió tuy không sôi động bằng điện mặt trời, nhưng tỷ lệ dự án có vốn đầu tư quy mô lớn vượt trội hơn hẳn.
Vốn đầu tư lớn, nên nơi “đầu sóng ngọn gió” đó không thể là “điểm đến an toàn” cho những người hay bị “say sóng”. Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch CCG group chia sẻ: “So với quy mô đầu tư, điện gió ngoài khơi cần vốn đầu tư gấp 4 lần dự án điện gió trên bờ. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại phụ thuộc vào khung gió qua các mùa. Có dự án, dù đã lên kế hoạch đầu tư bài bản, nhưng sau khi đo gió không đạt hiệu suất, đành ngậm ngùi “chia tay”. Và đương nhiên, theo ông Tuấn, chi phí khảo sát, đo gió xem như “bỏ biển”.
Ông Trần Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Bắc Phong (đang có dự án thi công tại Bạc Liêu) cho biết, để kịp phát điện vào tháng 11/2020, chủ đầu tư đã tăng cường 200 công nhân làm 3 ca để thi công các trụ tua-bin trên biển, cùng 25 sà lan phục vụ thi công, bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân. “Điều kiện thi công trên biển không hề dễ dàng, thậm chí rủi ro lớn nếu gặp thời tiết bất lợi. Vì vậy, dẫu điện gió ngoài khơi được đánh giá là hiệu quả vượt trội, nhưng không phải nhà đầu tư nào, đơn vị thi công nào cũng có thể nhập cuộc”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Hồ Tá Tín cho biết: “Ở khâu khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch trên bờ và ngoài khơi đã cho thấy sự khác nhau rõ rệt. Trên bờ chỉ cần 1 tỷ đồng cho cột đo gió, cùng chi phí lập hồ sơ bổ sung quy hoạch khoảng 1 tỷ đồng là ai cũng có thể triển khai được. Trong khi đó, chi phí để đo gió và lập hồ sơ bổ sung quy hoạch ngoài khơi rất lớn, lên đến 20 tỷ đồng. Nếu số liệu gió đo không đáp ứng yêu cầu thì sẽ mất số tiền này”. Do đó, theo ông Tín, với rủi ro như vậy, cuộc chơi ngoài khơi không dành cho số đông, mà chỉ những doanh nghiệp có kinh nghiệm sâu và tiềm lực lớn mới dám dấn thân khai phá.
Theo đại diện HBRE, để khuyến khích đầu tư điện gió ngoài khơi, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, mang tính đột phá để doanh nghiệp mạnh dạn vươn khơi đầu tư, khai phá tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi. “Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng”.
Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HBRE Group: Suất đầu tư của điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ và ven bờ (2,5 – 3 triệu USD/MW), thời gian xây dựng dự án trên 2 năm, chưa kể thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên điện gió dễ đánh mất cơ hội ưu đãi từ Chính phủ. |