Khó khăn do Covid-19, đầu tư vào các khu công nghiệp tăng chậm

Theo đánh giá Công ty CP chứng khoán Rồng Việt, số lượng các doanh nghiệp (DN) FDI tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các KCN trong 3 tháng đầu năm bị sụt giảm rõ rệt do dịch lan rộng tại đa phần các nước có dòng FDI lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… dẫn đến hạn chế quá trình đi lại và tiếp xúc.

kho khan do covid 19 dau tu vao cac khu cong nghiep tang cham
Thu hút vào các KCN tăng chậm vì đại dịch kéo dài

Thực tế, việc thu hút đầu tư tại các KCN vùng Tây Nam bộ như Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An… cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư không mấy khởi sắc trong 3 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thậm – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang – cho biết, từ đầu năm tới nay, tỉnh mới thu hút được 83 dự án, 54 dự án đi vào hoạt động. Tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 74.434 tỷ đồng, ngoài nước 488,4 triệu USD. “Dịch bệnh kéo dài, đi lại giữa các quốc gia gặp khó khăn nên thu hút đầu tư nước ngoài chậm lại. Còn trong nước, các ngành vốn được đầu tư nhiều như dệt may, da giày, nông sản… nay lại bí đầu ra nên nhiều DN chưa muốn bỏ vốn đầu tư thêm. Điều này đã khiến đầu tư vào các KCN trong tỉnh chậm lại, tỷ lệ lấp đầy các KCN chưa cao như kỳ vọng”, ông Thậm chia sẻ.

Tương tự, ở Long An, dù được đánh giá là tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông, gần TP. Hồ Chí Minh nhưng việc thu hút đầu tư cũng không khá khẩm hơn. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, bối cảnh hiện tại khó để dự báo được hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN sẽ khởi sắc khi nào.

Còn ở Đồng Tháp, đến nay, trong số 15 cụm công nghiệp (CCN) có quyết định được thành lập thì chỉ có 6 CCN được đầu tư cơ bản về hạ tầng với diện tích 169,93ha. Nguyên nhân khiến DN ngại đầu tư vào CCN trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến dịch bệnh, việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; việc lập và phê duyệt dự án hạ tầng tại một số địa phương thời gian qua còn chậm; địa điểm quy hoạch CCN không còn hấp dẫn…

Với các tỉnh khác như Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… hoạt động thu hút đầu tư ở các KCN cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí, các DN hiện hữu trong các KCN này còn đang gặp phải những khó khăn kép từ tác động của đại dịch, dẫn tới thiếu nguyên liệu sản xuất (với các ngành dệt may, da giày) và bí đầu ra cho sản phẩm (với ngành thủy sản, nông sản đông lạnh).

Về triển vọng trong thời gian tới, các tỉnh đều kỳ vọng việc thu hút đầu tư sẽ hồi phục sau khi dịch cúm kết thúc. Để kéo dòng vốn vào các KCN, hiện nhiều tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, mời gọi DN. Đơn cử như ở Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm cho biết, trước mắt Hậu Giang sẽ tập trung vào thu hút nguồn đầu tư từ nội địa thông qua việc miễn 100% tiền thuê đất, miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt (nông nghiệp, công nghệ cao…). Xa hơn, khi dịch được dập tắt, tỉnh sẽ liên hệ lại với các nhà đầu tư nước ngoài trước đó đã tới khảo sát, hoặc thông qua các văn phòng đại diện, đại sứ quán của nước ngoài tại Việt Nam để gửi thư mời gọi đầu tư.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp đã quy định cụ thể nhiều chính sách ưu đãi mới về kinh phí quy hoạch chi tiết; hạ tầng ngoài hàng rào CCN; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong CCN; hỗ trợ chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, song song với chính sách mới này, tỉnh cũng chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời áp dụng linh hoạt nhiều chính sách của Trung ương và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, các dự án dịch vụ phát triển công nghiệp, y tế, dân sinh…

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, bức tranh thu hút đầu tư sẽ không còn tích cực như đỉnh cao 2018-2019, khi toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng sau đợt dịch này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *