Ngành Công Thương: Hóa giải khó khăn kép

Ảnh hướng của dịch Covid-19 khiến sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng chậm lại, tình trạng “khó khăn kép” do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào để sản xuất và thị trường đầu ra cho xuất khẩu vẫn là nỗi lo của nhiều DN, ngành hàng.

Khó khăn kép

Bước sang tháng 4/2020, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó, hoạt động SXCN cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số SXCN chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo tăng 3%, thậm chí một số ngành giảm sâu hoặc tăng rất thấp như sản xuất xe có động cơ, đồ uống, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; chế biến gỗ; sản xuất trang phục; thiết bị điện…

hoa giai kho khan kep
Da giày là một trong những ngành chịu tác động bởi dịch Covid-19

SXCN tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép”, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt, các DN ngành dệt may và da giày chịu tác động rất lớn. Cụ thể, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,5%, ngành sản xuất trang phục giảm 6,3%. Nguyên nhân do các nước áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch, nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng.

Ngoài ra tác động của dịch Covid-19, giá dầu giảm sâu cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu khí. Doanh thu khai thác dầu khí sụt giảm mạnh, nhiều mỏ đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải dừng khai thác nếu. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số SXCN ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8% (cùng kỳ giảm 4,1%).

Tìm kiếm nguồn cung trong nước

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện việc tìm kiếm thị trường cho ngành dệt may, da giày đang rất khó khăn do phụ thuộc vào 2 thị trường chính EU và Mỹ. Trong khi đó, hai thị trường này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Để thúc đẩy SXCN, hóa giải khó khăn kép về nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra, Bộ Công Thương sẽ khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên, phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày, tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngoài ra, để các DN công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp – Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cho rằng, cần sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến, chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo.

Thời gian tới, bên cạnh duy trì ổn định các loại nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất mà trong nước có lợi thế như cao su, xơ, sợi… Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải… bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *