Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau ba năm triển khai đã tạo ra bước tiến mới, mang tính “bước ngoặt” trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở các địa phương trong cả nước. Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân làm giàu, đồng thời giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài 3: Khơi dậy nội lực, sức sáng tạo của người dân
Sau ba năm triển khai đề án chương trình OCOP tại các tỉnh miền núi phía bắc, kết quả bước đầu đạt được rất phấn khởi, vượt chỉ tiêu chương trình đề ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cũng như các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Từ nay đến cuối năm 2020, các tỉnh đều đặt ra các mục tiêu cụ thể đi kèm những giải pháp, nhiệm vụ thực hiện, bảo đảm tính khả thi cao.
Vượt chỉ tiêu đề ra
Việc triển khai đề án chương trình OCOP tại các tỉnh miền núi phía bắc mang lại kết quả bước đầu rất phấn khởi, vượt chỉ tiêu chương trình đề ra. Trong đó, một số tỉnh như Bắc Kạn, Hà Giang và Lào Cai có chuyển biến rõ nét. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, chỉ tiêu chương trình OCOP của tỉnh là phấn đấu đến hết năm 2020 có 40 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 105 sản phẩm OCOP, vượt 65 sản phẩm so với chỉ tiêu, đạt hơn 262% kế hoạch, trong đó có 97 sản phẩm đạt ba sao và tám sản phẩm đạt bốn sao. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sau khi được công nhận đã có bước phát triển mạnh. Qua đánh giá, có khoảng 54% tổ chức, doanh nghiệp (DN) tăng doanh thu từ 1,2 đến 1,4 lần; 27% tổ chức, DN tăng doanh thu từ 1,5 đến hai lần và gần 20% số tổ chức, DN còn lại có doanh thu gấp hơn hai lần so với trước khi triển khai chương trình. Tỉnh Lào Cai có 52 sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp được cấp chứng nhận OCOP từ ba đến bốn sao cấp tỉnh và một sản phẩm vừa được cấp chứng nhận năm sao cấp quốc gia.
Tại tỉnh Hà Giang, chương trình được triển khai từ năm 2018, đến cuối năm 2019, tỉnh đã phê duyệt kết quả chấm cho 71 sản phẩm của 43 chủ thể. Trong đó, có 21 sản phẩm đạt bốn sao; 48 sản phẩm đạt ba sao và hai sản phẩm đang được trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá năm sao. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đã có gần 100 DN, HTX và hộ dân đăng ký hơn 260 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Điều này khẳng định, chương trình đáp ứng được nguyện vọng của người dân, giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Một số tỉnh triển khai muộn hơn, nhưng kết quả bước đầu khả quan. Tỉnh Sơn La lúc đầu phân bổ chọn 20 sản phẩm để thí điểm xây dựng chương trình OCOP cấp tỉnh, nhưng các huyện đã đăng ký vượt số lượng. Kết quả đánh giá phân loại cấp tỉnh có 28 sản phẩm của 18 đơn vị, HTX được lựa chọn, với chín sản phẩm đạt bốn sao, 19 sản phẩm đạt ba sao. Tỉnh Yên Bái có tám sản phẩm OCOP, gồm ba sản phẩm đạt bốn sao, năm sản phẩm đạt ba sao. Tỉnh Điện Biên có 26 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống… đạt doanh thu hơn 45 tỷ đồng.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình tại các địa phương bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cũng như các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nhận định về vấn đề này, ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nêu rõ, có năm bất cập cần khắc phục để nâng cao hiệu quả của OCOP ở Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung, đó là: Thứ nhất, chuỗi giá trị hàng nông sản phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa có sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản. Thứ hai, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, quy mô, phạm vi của liên kết còn nhỏ, hình thức liên kết còn giản đơn (chủ yếu dừng lại ở hợp đồng mua bán nông sản). Thứ ba, hoạt động của các HTX phổ biến quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu. Thứ tư, quy mô sản xuất sản phẩm hàng hóa nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ. Thứ năm, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rất hạn chế.
Những bất cập, hạn chế này do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, địa hình tự nhiên của các tỉnh miền núi phía bắc bị chia cắt mạnh một số tỉnh như Hà Giang, phần lớn diện tích canh tác trên địa hình dốc, manh mún, xen lẫn đá, không tạo được vùng chuyên canh rộng, cung ứng dồi dào sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng lớn. Giao thông, đi lại còn khó khăn cho nên ảnh hưởng đến việc giao thương và thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Về chủ quan, như ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh, người dân các địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc, nhận thức còn hạn chế, tập quán sản xuất vẫn là tự cung, tự cấp, khi bước vào sản xuất lớn theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao thì phần lớn các hộ nông dân còn nhiều bỡ ngỡ. Trình độ kiến thức của cán bộ cấp xã và các huyện vùng cao cũng chưa thích ứng kịp về việc tổ chức, quản lý sản xuất theo mô hình mới. Trong khi, các tổ hợp tác, HTX được hình thành, nhưng điều kiện về con người, trang thiết bị không theo kịp xu thế chung, vẫn còn nhiều HTX hoạt động không hiệu quả. Phần lớn các HTX, tổ hợp tác chưa tiếp cận được vốn vay vì thủ tục còn rườm rà, yêu cầu tài sản thế chấp trong khi tài sản của các đơn vị này chủ yếu là đất do thành viên góp vốn. HTX không có nhiều vốn đầu tư nhà xưởng, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn mới, cho nên các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình còn lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ. Do vậy, một số sản phẩm đã đăng ký từ đầu năm, nhưng không kịp hoàn thiện đầy đủ hồ sơ minh chứng theo yêu cầu bộ tiêu chí nên kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm chưa cao dù chất lượng và thương hiệu của sản phẩm rất tốt. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho các hoạt động của chương trình còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động còn hạn chế…
Nâng cao hiệu quả chương trình
Phát huy kết quả đạt được sau ba năm triển khai chương trình, từ nay đến cuối năm 2020, các tỉnh đều đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đi kèm những giải pháp, nhiệm vụ thực hiện, bảo đảm tính khả thi cao. Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến hết năm 2020, nâng cấp ít nhất một sản phẩm 4 sao lên 5 sao; nâng cấp ít nhất năm sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; phát triển ít nhất 36 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên; xác định 10 đến 20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại các địa phương. Tư vấn, hỗ trợ tái cơ cấu bộ máy ba đến năm tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; có ít nhất tám tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình OCOP năm 2020 dưới dạng tổ hợp tác, HTX, DN; nghiên cứu xây dựng ít nhất hai điểm bán hàng OCOP tại các huyện, thành phố.
Với hơn 220 sản phẩm lợi thế, trong năm 2020, Lào Cai phấn đấu có thêm từ 40 đến 50 sản phẩm OCOP để tiếp cận, cạnh tranh với thị trường. Tỉnh Yên Bái đã xác định chủ thể và tên 70 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong khi đó các huyện đăng ký lên tới 87 sản phẩm. Tỉnh Cao Bằng tập trung lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có đưa vào chương trình, gắn sao; phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Tỉnh Sơn La xây dựng một kế hoạch dài hơi với 200 sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc hữu, có giá trị thương mại cao để mở rộng chương trình này, phấn đấu đến hết năm 2020 có 53 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, từ một đến hai sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu OCOP tỉnh Sơn La. Tỉnh Điện Biên dành bảy tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hỗ trợ hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng, xúc tiến thương mại cho các đơn vị có sản phẩm đã được công nhận OCOP…
Để thực hiện các mục tiêu của chương trình, hầu hết đại diện lãnh đạo chính quyền các tỉnh và các chuyên gia đều cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên là tiếp tục truyền thông để thay đổi nhận thức từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành, cho đến người dân, để mọi người đều hiểu khi tham gia được lợi ích gì, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Coi phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai chương trình OCOP. Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải đa dạng, tập trung vào chuỗi sản phẩm chiến lược. Từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Thường xuyên rà soát, bổ sung các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý chương trình OCOP, các chủ DN, HTX, tổ hợp tác, các chủ thể tham gia chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại với các tỉnh, thành phố trong cả nước, từng bước hội nhập thị trường quốc tế; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào Chương trình OCOP. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “nông nghiệp 4.0”, “nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “nông nghiệp hữu cơ” và giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.
Là tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền núi phía bắc trong triển khai chương trình, tỉnh Bắc Kạn đặt ra yêu cầu cao hơn với những giải pháp mạnh mẽ hơn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, tỉnh xây dựng các sản phẩm OCOP nâng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu. Tùy từng sản phẩm có cách thức phát triển quy mô diện tích khác nhau, phấn đấu đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giá trị kinh tế lớn, mang tính đặc hữu, đặc sản. Ngoài ra, tất cả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, như: xây dựng NTM, mục tiêu giảm nghèo bền vững đều được lồng ghép, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP cũng sẽ gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.
Tiến sĩ Bùi Đình Hòa, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, thành viên tổ tư vấn Đề án Chương trình OCOP của một số tỉnh miền núi phía bắc nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương không chỉ tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực, mà phải hướng tới mục tiêu lớn hơn là đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn. Chú trọng hỗ trợ, tuyên truyền vận động, khơi dậy nội lực, sức sáng tạo của người dân để phát triển sản phẩm chủ lực địa phương và người dân được hưởng lợi từ đó. Như vậy, chương trình mới đạt hiệu quả bền vững.
Như vậy, hướng đi để thực hiện chương trình OCOP của các tỉnh miền núi phía bắc là rất rõ. Hy vọng rằng, từ kết quả bước đầu, các địa phương sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh, tiềm năng, kinh nghiệm, khắc phục những bất cập, hạn chế, đạt những bước tiến vững các mục tiêu của chương trình, từ đó thực hiện giảm nghèo và xây dựng NTM mới thành công.