Có đến 14/15 ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ở các mức độ khác nhau. Điều này cho thấy, việc thích ứng mới những xu thế đầu tư – kinh doanh mới đang là đòi hỏi cấp bách với nhiều DN Việt Nam.
Tại Diễn đàn Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng dịch Covid-19 vừa diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong số 15 ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có 8/15 ngành bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, 6/15 ngành bị ảnh hưởng ở mức độ vừa phải và 1/15 ngành (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) mức độ ảnh hưởng còn chưa rõ ràng. Đáng chú ý, trong số các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, bất động sản và dịch vụ nặng nề hơn cả với việc có lần lượt 99,5% và 41% DN tạm ngừng kinh doanh. “Trong bối cảnh này, việc DN hoàn thành độ 70% kế hoạch năm cũng đã là một thành công”- TS Lực nhìn nhận.
Ảnh minh họa |
Từ góc độ tái cấu trúc mô hình cạnh tranh, kinh doanh trong và sau khủng hoảng dịch Covid-19, TS. Lực cho rằng, việc thích ứng với những xu thế đầu tư kinh doanh mới dù muốn hay không đang là một thách thức với không ít DN Việt Nam. Xu hướng thứ nhất, đầu tư vào những tài sản an toàn hơn mà vàng vẫn là nơi giới đầu tư tìm đến đầu tiên, giá vàng phi mã trong mấy ngày gần đây chính là ví dụ cho xu hướng này. Thứ hai, mua – bán, sáp nhập (M&A) sẽ gia tăng mạnh; các lĩnh vực dự kiến có hoạt động này diễn ra mạnh là công nghiệp ôtô, bán lẻ, hàng không, giải trí… Thứ ba, cắt giảm chi phí và nhân sự sẽ diễn ra quyết liệt; các ngành hàng không, bán lẻ, sản xuất công nghiệp, du lịch, nhà hàng dự kiến sẽ đi đầu cho xu hướng này trong khi kinh doanh hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, thương mại điện tử, công nghệ thông tin là những ngành tuyển dụng nhiều. Thứ tư, cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư. Thứ năm, áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Thứ sáu, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư thay đổi, đòi hỏi các DN phải định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Chia sẻ ý kiến của TS Lực, ông Hoàng Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam – cho rằng, DN cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước để có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ DN tận dụng được thế mạnh của chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam từ khách hàng đến các nhà cung ứng.
Nhóm nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020. Ở kịch bản cơ sở, GDP năm 2020 sẽ có mức tăng 3%; GDP kịch bản tích cực 4% và 1,50% ở kịch bản tiêu cực. Tuy nhiên, cả 3 kịch bản đều cho thấy, năm 2020 vẫn tiếp tục là một năm có thặng dư thương mại. |