Triển vọng sáng của nền kinh tế

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung, tuy nhiên kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều triển vọng khả quan bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định; cùng với đó kim ngạch xuất khẩu (XK) có sự bứt phá mạnh mẽ.

FDI đổ vào các ngành trọng yếu

8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam giảm 13,7% so với cùng kỳ 2019, tuy nhiên theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này được đánh giá khả quan. Đáng mừng hơn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ký kết và được thực thi. Cùng với đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) ký kết được đánh giá là một điểm sáng, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam trước tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới trong đại dịch.

4004-o8
Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, làn sóng dịch chuyển của nhà đầu tư FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Để đón đầu sự dịch chuyển này, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn đang quan tâm đến việc xây dựng các khu công nghiệp gắn với khu đô thị mới.

Đại diện của Công ty Nghiên cứu thị trường Colliers International tại Việt Nam – cho biết, ngoài những địa điểm đầu tư quen thuộc là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển sự quan tâm về các khu vực đang đón sóng công nghiệp mạnh mẽ như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, kéo theo đó là sự gia tăng vốn đầu tư vào hàng loạt yếu tố về hạ tầng, logistics, dịch vụ… Minh chứng rõ nhất là vừa qua, các nhà đầu tư EU đề nghị đầu tư 1 tỷ USD vào dự án logistics cảng biển Cái Mép Hạ tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xét theo từng ngành cụ thể, dệt may, công nghệ cao là lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm. Điển hình như dệt may. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cho biết: Trước đây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những “cường quốc” dệt may hàng đầu thế giới. Bây giờ các nước và vùng lãnh thổ trên đang giảm dần sản xuất lĩnh vực này. Do đó, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác là điều tất yếu và Covid-19 càng thúc đẩy việc dịch chuyển nhanh hơn. Trong làn sóng đó, Việt Nam là một thị trường có nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước, sẽ tạo ra nhiều cơ hội đón đầu sự dịch chuyển đầu tư.

Ông Giang dự báo, sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ Việt Nam gia tăng tỷ lệ cung ứng nội địa. Cụ thể, thay vì chỉ đạt từ 47-48% tỷ lệ nội địa hóa như hiện tại thì có thể tăng lên 67-68% trong thời gian tới. Điều này giúp DN trong nước được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các FTA mang lại.

Thị trường xuất khẩu – động lực quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế

Cùng với đầu tư vào Việt Nam, chính sách thuế ưu đãi từ EVFTA và một số hiệp định khác đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK. Điều này được đánh giá là động lực quan trọng, giúp phục hồi kinh tế cho nước ta.

Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,78 tỷ USD, đưa kim ngạch XK từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 25,92 tỷ USD, tăng gần 600 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó một số nông sản XK sang EU như: Tôm nước lợ, cà phê, chanh dây, gạo… Nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… cũng đang kỳ vọng lớn.

Ông Terence Alford – Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư Công ty Colliers International tại Việt Nam – nhận xét: Một trong những động lực thương mại quan trọng nhất giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi trong 6 đến 12 tháng tới là XK. Và EVFTA sẽ hỗ trợ thêm cho việc mở rộng thị trường XK của Việt Nam ra ngoài khu vực ASEAN.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ nằm trong khoảng từ 2,5 đến 2,7%, đây là mức tăng ấn tượng trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *