Xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến được coi là “chìa khóa vàng” hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) trước tác động của dịch Covid-19. TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thời gian qua, thương mại toàn cầu gặp khó khăn, việc dịch chuyển phương thức XTTM truyền thống sang trực tuyến được nhiều doanh nghiệp (DN) tiến hành. Ông có thể cho biết đánh giá về kênh hỗ trợ kinh doanh này đối với DNNVV?
8 tháng năm 2020, cả nước có khoảng 70 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong đó, hơn 34 nghìn DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 24 nghìn DN chờ giải thể, hơn 10 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có hơn 9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều khả năng các con số này sẽ chưa dừng lại, bởi hầu hết các DN đang phải đối mặt với bài toán nan giải về nguyên liệu sản xuất, thị trường kinh doanh và đầu ra cho XK hàng hóa. Thực tế cho thấy, các DN, đặc biệt là các DNNVV đang rất “đuối sức”.
Trước bối cảnh đó, XTTM tìm kiếm khách hàng và XK hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu, đặc biệt là marketing thông qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) nhằm kết nối, mở rộng thị trường của hầu hết DN. Ưu điểm vượt trội của kênh XTTM này là: Rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN; DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7; đặc biệt là tiết giảm chi phí, trong đó, chỉ bằng 1/10 chi phí so với xúc tiến trực tiếp, nhưng XTTM trực tuyến đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Tất nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Trong đó, các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.
Được biết, VINASME đang triển khai chương trình “Hỗ trợ DNNVV XK qua kênh TMĐT B2B”. Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung chương trình?
DNNVV trong nước thường có vốn mỏng, nên gặp nhiều khó khăn trong áp dụng số hóa vào XTTM, hoạt động kinh doanh, XK. Vì vậy, trước tác động của dịch Covid-19, VINASME đã đề nghị Bộ Công Thương Đề án “Hỗ trợ DNNVV XK qua kênh TMĐT B2B”, nhằm bổ sung vào Chương trình XTTM cấp quốc gia năm 2020. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các DN sản xuất, XK hàng hóa Việt Nam quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm XK toàn cầu. Theo đó, chúng tôi xây dựng một trang TMĐT B2B dựa trên cơ sở hợp tác giữa VINASME và 1 tập đoàn TMĐT toàn cầu uy tín của Mỹ, là Global Sources. Cụ thể, VINASME và Global Sources sẽ lựa chọn 20 DN có sản phẩm đạt tiêu chí về mẫu mã, chất lượng, uy tín, sản phẩm thân thiện với môi trường để giới thiệu và trưng bày, bán sản phẩm của mình trong các kệ hàng ảo trên sàn TMĐT từ tháng 9/2020 đến hết tháng 9/2021.
Chương trình hướng đến các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, XK trong lĩnh vực có lợi thế, sử dụng nhiều lao động như: Dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, gỗ và đồ gỗ, nhựa. Tham gia chương trình, DN được hỗ trợ miễn phí rất nhiều, tuy nhiên, DN được tuyển chọn phải cam kết có nhu cầu gia tăng doanh thu XK, có năng lực giao tiếp thương mại bằng tiếng Anh; chuẩn bị sẵn sàng nội dung, hình ảnh sản phẩm và nhà xưởng một cách chuyên nghiệp.
Nếu như trước đây VINASME thường chủ trì các Chương trình XTTM cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế thì nay thích ứng với tình hình mới, chúng tôi đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ XTTM sang trực tuyến cho DN. Cụ thể, thông qua các đề án đã triển khai như: Đào tạo hỗ trợ DNNVV tăng cơ hội XK qua mạng internet”, “Đào tạo hỗ trợ DNNVV XK qua kênh TMĐT B2B”… chúng tôi mong muốn giúp DN đứng vững trước khó khăn, tận dụng được thời cơ kinh doanh, đẩy mạnh XK hàng hóa.
Ngoài hỗ trợ của VINASME, ông có những gợi ý thêm về hình thức XTTM, giúp DN đẩy mạnh XK?
Qua thực tế đồng hành cùng DNNVV, đặc biệt là DN XK, chúng tôi nhận thấy, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các DN vẫn có những lợi thế so với một số DN ở quốc gia khác khi nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện rất nhiều cam kết từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Mặt khác, các DN XK của Việt Nam luôn sáng tạo kinh doanh với tinh thần tự chủ cao chứ không chỉ đơn thuần là trông đợi, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong đó, nhiều DN đã và đang tích cực áp dụng công nghệ số vào tiếp thị, kinh doanh, XK. Một điều quan trọng là, DN đã thay đổi cách nhìn về XK, khi hướng tới XK tại chỗ, bán sản phẩm ngay tại thị trường nội địa. Vì vậy, để tiếp sức cho sự thay đổi này, các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của XTTM trực tuyến, kinh doanh TMĐT; tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ DN về nhân sự điều hành kinh doanh TMĐT, hỗ trợ tài chính để DN chuyển đổi số, nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!