Trái cây Việt chinh phục thị trường Thượng Hải

Hơn 40 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoa quả của Việt Nam và các nhà nhập khẩu đến từ Thượng Hải – Trung Quốc đã có cơ hội kết nối, giao thương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hoa quả tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) 2020.

Khai thác tiềm năng bỏ ngỏ

Phát biểu tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc (Thượng Hải) ngày 24/9, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Trong đó Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số với hơn 24 triệu dân, là đối tác thương mại hết sức quan trọng.

Trong những năm qua, thương mại giữa Việt Nam với thành phố Thượng Hải vẫn còn nhiều dư địa bỏ ngỏ, đặc biệt là thương mại các sản phẩm trái cây được ươm trồng và chế biến tại Việt Nam, do đó rất cần sự tích cực hơn nữa của các cơ quan và doanh nghiệp hai bên.

5032-nong-san-hoa-qua
Hội nghị thu hút 21 doanh nghiệp là những nhà cung cấp sản phẩm hoa quả của Việt Nam với gần 20 nhà nhập khẩu đến từ Thượng Hải – Trung Quốc

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 27,35 tỷ USD, trong đó nhóm hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu đạt 1,31 tỷ USD, giảm 25,25% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm đáng kể trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hiện nay, Việt Nam mới có 9 loại quả tươi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long (xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc), xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Việt Nam hiện đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam khác như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi,bơ, và dừa (sầu riêng, chanh leo, dừa qua chế biến hiện vẫn xuất khẩu được sang Trung Quốc). Do đó, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam sang Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trước đó, trong tháng 8/2020, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Ủy ban Thương hiệu Tư nhân Thượng Hải tổ chức giao thương trực tuyến cho các doanh nghiệp hai nước về nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng các loại.

Với nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm hoa quả của các chợ đầu mối, kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Thượng Hải, sự ưa chuộng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc với đa dạng sản phẩm hoa quả Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục kết nối các doanh nghiệp hoa quả Việt Nam tham gia giao dịch trực tuyến với các khách mua hàng tiềm năng Thượng Hải với mong muốn thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp hai bên sẽ tìm được đối tác tin cậy, cùng phát triển lâu dài, bền vững trong các hoạt động giao dịch, kinh doanh sản phẩm hoa quả Việt Nam tại thị trường Thượng Hải – ông Phú nhấn mạnh.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hợp tác kinh doanh, Cục Xúc tiến thương mại đã có văn phòng xúc tiến thương mại thứ 2 của Việt Nam, ngay tại thủ phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (gần với Thượng Hải). Văn phòng sẽ là địa điểm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Thượng Hải tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoa quả Việt Nam nói riêng và nhiều mặt hàng khác nói chung.

Cùng với đó, Hiệp hội Trái cây Thượng Hải và các cơ quan, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây liên quan tại Thượng Hải sẽ tăng cường hợp tác các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng trái cây với Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng các cơ quan liên quan thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, văn phòng xúc tiến thương mại tại Hàng Châu, để đem đến nhiều hơn nữa các cơ hội kết nối kinh doanh cho các nhà cung cấp Việt Nam và nhà nhập khẩu Thượng Hải – ông Phú thông tin.

Nâng “chất” nông sản, hoa quả

Chia sẻ về lợi thế của hàng Việt Nam nói chung và hoa quả nói riêng tại thị trường Thượng Hải, ông Ninh Thành Công, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải cho biết, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi để khai thác thế mạnh, tiềm năng thương mại sẵn có, nhất là trong lĩnh vực hoa quả. Việt Nam và Trung Quốc đều có hệ thống vận chuyển đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển rất thuận tiện, dịch vụ logistics nhanh chóng, tạo thuận lợi cho giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm soát, khống chế tốt dịch Covid-19, giúp cho doanh nghiệp hai nước trao đổi thương mại thuận tiện hơn trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành chủ quản của hai nước luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại hai bên, nhất là việc doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, trong đó có hoa quả.

5040-thanh-long
Thanh long Việt Nam là 1 trong 9 loại quả tươi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

Việt Nam có nhiều nông sản, hoa quả vùng nhiệt đới, đặc trưng với khí hậu của Việt Nam và sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Liên minh Châu Âu (EU), có sự bổ sung lớn có thể cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Thượng Hải và Hoa Đông là những khu vực năng động, phát triển của Trung Quốc, hệ thống siêu thị và thương mại điện tử phát triển. Với những tiềm năng mà hai bên vốn có, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển hợp tác lâu dài.

Qua đó, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải luôn luôn nỗ lực tìm tòi, triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể, mang lại kết quả thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh vào thị trường rộng lớn này- ông Ninh Thành Công khẳng định.

Bên cạnh đó, dưới góc độ nhà nhập khẩu, ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, để chiếm thị phần nhiều hơn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh. Theo đó, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cũng sẽ tạo ra bước ngoặt. Tuân thủ quan điểm chất lượng là trên hết, lấy thị trường làm phương hướng, lấy “ngon” làm nguyên tắc thì sẽ đạt được sự ổn định, để sản phẩm tốt được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng yêu thích.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc hiện đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu công việc cho tất cả các nhà sản xuất trái cây.

Đặc biệt, ông Từ Trí, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Long Ngô (Trung Quốc) cho biết, chợ Long Ngô sẽ tiếp tục được củng cố như một cầu nối giữa các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam và các nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc, đồng thời cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp cho cả hai bên, thu hút ngày càng nhiều loại trái cây chất lượng cao vào Trung Quốc cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *