Xuất khẩu trái cây vào EU: Cần tuân thủ truy xuất nguồn gốc

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho các mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi việc thực hiện truy xuất nguồn gốc phải được triển khai một cách đầy đủ.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu (XK) thứ tư của rau, quả Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Khi EVFTA có hiệu lực, việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước khác.

xuat khau trai cay vao eu can tuan thu truy xuat nguon goc
Muốn xuất khẩu sang thị trường EU, trái cây Việt phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn e ngại thị trường EU. Bởi lẽ, hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên EU được xếp vào loại thị trường khó tính nhất thế giới. Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam- cho biết, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng là phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.

Ông Filip Graovac – Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam- đánh giá, dù khá nhạy bén trong kinh doanh, song người Việt Nam áp dụng chưa tốt truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, ông cũng đã nhìn thấy những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn sau thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Việt Nam có tiềm năng XK hàng nông sản, trái cây, có những sản phẩm tốt và nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới”- ông Filip Graovac nói.

Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành rau, quả. Trên thực tế, để trang bị cho DN Việt Nam những nền tảng cơ bản theo yêu cầu của thị trường, Chính phủ Australia đã tài trợ Dự án “Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển XK”. Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong năm 2020 và 2021 với 5 loại hàng như cà phê, tiêu, xoài, hàng gốm sứ và hàng mây tre lá. Dự án cũng đề xuất triển khai đến 13 dòng hàng XK nông sản chủ lực của Việt Nam và đầy đủ các sản phẩm khác thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cả nước.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các dự án, đòi hỏi sự nỗ lực của chính các DN, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. “Cùng với các tiêu chuẩn như GlobalGAP, HACCP… thì nhiều điều khoản có thể được coi là mới lạ đối với DN Việt như: Phúc lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường,… đòi hỏi các DN cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, xây dựng nền tảng tốt thì mới có thể XK tốt sang thị trường này” – ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T – khuyến nghị.

Với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau, quả tươi. Do đó, nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, trái cây và rau, quả của Việt Nam sẽ có giấy thông hành vào EU.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *