XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRONG KINH DOANH XUẤT KHẨU
21-08-2023 09:39 AM
Xu thế hoà bình, hợp tác cùng phát triển ngày một trở thành đòi hỏi bức xúc của các dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Các nước đều giành ưu tiên cho phát triển kinh tế, cần phải có mối trường hoà bình ổn định và thực hiện chính sách mở cửa. Các nền kinh tế ngày càng gắn bó, tuỳ thuộc lẫn nhau, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Các thể chế đa phương thế giới và khu vực có vai trò ngày càng tăng cùng với sự phát triển của ý thức độc lập tự chủ, tự cường của các dân tộc. Trước những biến độngto lớn về khoa học công nghệ, tất cả các nước trên thế giới đều thực hiên điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chính sách theo hướng mở cửa, giảm và tiến tới dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan làm cho việc trao đổi hàng hoá ngày càng thông thoáng hơn, mở đường cho kinh tế phát triển.
Với sự hợp tác quốc tế, những hàng rào cản trở giao lưu thương mại và đầu tư ngày càng giảm đi, kinh tế thế giới ngày càng trở thành một thị trường chung.
Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động hội nhập một cách chủ động và tích cực. Những kết quả bước đầu của quá trình hội nhập đã tạo tiền đề cho phát triển kinh tế và đây là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển các hoạt động xúc tiến.
Những nỗ lực của chính phủ về phát triển thương mại nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng vì vậy trong mấy năm gần đây tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề được tiến hành ở cơ quan của chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh doanh dịch vụ và các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh.
Những thông tin thương mại cần thiết như thông tin về thị trường, thông tin về sản phẩm, thông tin về kỹ thuật xúc tiến, thông tin về điều kiện thương mại quốc tế, thông tin về vận tải và thông tin trong nước được truyền thông một cách rộng rãi và tiếp cận một cách dễ dàng bởi các công cụ xử lý thông tin hiện đại.
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật dẫn đến sự ra đời của thương mại điện tử, với các phương tiện như: điện thoại, Telex và fax, truyền hình thiết bị, kỹ thuật thanh toán điện tử, mạng cục bộ và mạng diện rộng, internet và Web. Các hình thức hoạt động chủ yếu của thương mại điện tử là thư tín điện tử bao gồm thanh toán điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử, giao gửi số hoá các dung liệu…
Thương mại điện tử cung cấp các công cụ tạo điều kiện dễ dàng cho công ty thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó cũng chịu tác động của nhiều thách thức:
Do lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu chịu ảnh hưởng của những biến đổi của tình hình kinh tế ngoại thương, tỷ giá hối đoái.
Trong điều kiện hiện nay, tình hình kinh tế chính trị đang có những diễn biến phức tạp chứa đựng những bất ngờ, những nguy cơ khó lường gây cản trở cho việc kinh doanh.
Thách thức trong việc mở rộng kinh doanh sang các thị trường mới đòi hỏi phải có những hiểu biết về thị trường. Trên thị trường quốc tế, mỗi một nước, mỗi một khuvực có những đặc tính riêng về khu vực, về thu nhập, nhu cầu, văn hoá, cách thứcmua, hành vi mua, ngôn ngữ khác nhau điều này gây khó khăn cho công ty trong việc tiếp cận thị trường.
Sự tiến bộ khoa học công nghệ và sự xuất hiện của thương mại điện tử chính là thời cơ và cũng chính là thách thức đối với doanh nghiệp nếu công ty đủ nguồn nhân lực để có thể ứng dụng những công nghệ này.
Môi trường văn hoá như cách sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, cách tiếp cận thông tin, trình độ học vấn, thái độ đối với các sản phẩm do nước ngoài cung cấp… tất cả những thứ này đều gây ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại thực chất là một quá trình truyền thông tin marketing, khi hoạch định một chương trình marketing cần tính đến tất cả các yếu tố trên.
Cầu thị trường cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Nếu phạm vi thị trường của một sản phẩm chỉ ở trong khuôn khổ một khu vực địa lý đó, khi cầu thị trường giảm mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh sản phẩm đó. Nhưng nếu sản phẩm đó tham gia vào nhiều đoạn thị trường ở nhiều khu vực địa lý khác nhau thì các đoạn có thể bù đắp hoặc ứng cứu được cho nhau, hoạt động xúc tiến thương mại có thể triển khai cho tất cả các đoạn thị trường, hoặc riêng cho từng đoạn thị trường, khi thị trường lớn hoạt động xúc tiến cũng được lợi thế theo quy mô.
Yếu tố pháp luật như khi tham gia thị trương nhập khẩu các giao dịch tranh chấp sẽ liên quan đến hệ thống luật pháp của hơn một quốc gia. Luật pháp địa phương quyết định các hoạt độnh marketing thông qua các đặc điểm cần có của sản phẩm độ an toàn, nội dung vật lý, kích thướt… việc đóng gói và gắn tên nhãn hiệu, thời gian bảo hành, giá cả, xúc tiến bán hàng và nhiều vấn đề khác. Phát luật của các nước khác nhau sẽ có những quy định khác nhau về quảng cáo, các biện pháp khuyến mại, các hình thức quan hệ công chúng …
Yếu tố chính trị là cơ cấu chính trị của một quốc gia có ảnh hưởng quyết định đến các chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định cơ cấu kinh tế, chính phủ có thể giành ưu tiên phát triển cho ngành kinh tế này hoặc ngành kinh tế khác. Sự phát triển mạnh mẽ của một ngành kinh tế sẽ tạo cơ sở vật chất cho hoạt động xúc tiến. Người dân ở mỗi quốc gia khác nhau, có nền chính trị khác nhau, sẽ có những quan điểm về mỗi vấn đề khác nhau.
Môi trường cạnh tranh khi tham gia vào thị trường cạnh tranh quốc tế các công ty phải đối mặt với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn, hình thức phức tạp hơn. Đó là sự cạnh tranh trong cùng một ngành, trên toàn cầu và giữa các ngành với nhau. Tuy cạnh tranh sẽ làm giảm tỷ suất lợi tức trên vốn đầu tư với một tỷ lệ nhất định nhưng doanh nghiệp cũng có thể có được những lợi thế nhất định từ cạnh tranh. Ví dụ như có thể khai thác tốt hơn lợi thế cạnh tranh, khai thác triệt để khả năng và nguồn lực của mình để tấn công vào những khoảng trống của thị trường. Cạnh tranh tạo ra những động lực để buộc các doanh nghiệp vươn lên. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều, công chúng ngày càng tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, để có thể định vị hình ảnh của riêng mình trong tâm trí khách hàng các chương trình xúc tiến ngày càng phải được tiến hành bài bản và có hiệu quả cao hơn.
Tình hình kinh tế như thu nhập của dân cư có mối liên hệ trực tiếp đến người tiêu dùng. Sự tăng trưởng cua các chỉ số kinh tế sẽ là điều kiện cần thiết để tăng tiêu dùng cá nhân và toàn xã hội, từ đó kích thích sản xuất phát triển. Tinh hình này kéo theo các hoạt động liên quan phát triển trong đó có hoạt động xúc tiến, chi phí xúc tiến được tính vào giá cả, khi thu nhập cao họ có xu hướng dễ dàng chấp nhận giá cả cao hơn. Kinh tế phát triển sẽ cung cấp các điều kiện vật chất đảm bảo cho hoạt động xúc tiến phát triển.
Sự chuyển đổi và mở cửa hội nhập đang và sẽ tạo ra cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội to lớn để phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, chính sự chuyển đổi và mở cửa này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi họ đang và sẽ phải cạnh tranh gay gắt và bình đẳng với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn gấp nhiều lần không những trong xuất khẩu mà còn cả ngay trên thị trường nội địa. Do vậy hoạt động xúc tiến thương mại đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp.
Trên phương diện quốc gia, nước ta có tận dụng được những cơ hội và hạn chế được những thách thức hay không chủ yếu phụ thuộc vào hàng hoá và dịch vụ của chúng ta có xâm nhập được vào thị trường thế giới hay không và đứng vững được trên thị trường nội địa hay không. Đồng thời việc nhập khẩu phải đảm bảo được đúng định hướng đổi mới công nghệ, phục vụ tốt nhu cầu trên thị trường nội địa. Do vậy, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, ngoài những hoạt động phát triển xuất khẩu thì hoạt động xúc tiến để đầu tư và mở rộng thị trường cũng rất quan trọng. Những hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong điều kiện nước ta hiện nay, do sức mua trong nước còn thấp việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong xuất khẩu sẽ góp phần quan trọng để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đặt biệt là trong những lĩnh vực đang có nguy cơ dư thừa năng lực sản xuất như một số mặt hàng nông sản và trong ngành may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ… Duy trì được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao là một trong những yếu tố quyết định để duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP cao, giảm bớt sức ép về việc làm...
Tóm lại, hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu nói riêng và trong hoạt động kinh doanh nói chung là vấn đề luôn đặt ra cho mọi doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trên thị trường đòi hỏi hoạt động kinh doanh có hiệu quả, kiểm soát được chi phí, tăng được doanh thu và có lợi nhuận. Để làm được các điều đó, cần phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng và các hoạt động marketing nói chung. Vì vậy, việc tìm ra các biện pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa các hoạt động xúc tiến của các công ty là vấn đề cần đặt ra cho mọi doanh nghiệp trong thời buổi hiện nay./.