Ba Lan là một trong những quốc gia Liên minh châu Âu có giá trị hàng hóa trao đổi với Việt Nam nhiều nhất

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng

FTAs Hải Phòng

Thương mại điện tử Hải Phòng

Logistics Hải Phòng

CỔNG THÔNG TIN
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Home HOẠT ĐỘNG FTAs

Ba Lan là một trong những quốc gia Liên minh châu Âu có giá trị hàng hóa trao đổi với Việt Nam nhiều nhất

13-08-2024 04:21 PM

Trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan đạt trên 793 triệu USD (bao gồm trên 695 triệu USD xuất khẩu từ Việt Nam và 98 triệu USD xuất khẩu từ Ba Lan).

“Giá trị giao thương giữa Việt Nam và Ba Lan vào năm 2023 đã đạt mốc trên 5 tỷ EUR, trong đó phần lớn là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu về thị trường Ba Lan - 4,6 tỷ EUR, tức là đã giảm 2% so với năm 2022. Vào năm 2023, Ba Lan đã xuất khẩu sản phẩm với tổng giá trị 540 triệu EUR về thị trường Việt Nam, tăng 16% so với năm 2022”, ông Piotr Harasimowicz - Giám đốc đại diện Cục đầu tư thương mại Ba Lan tại Việt Nam đã phát biểu trong buổi họp báo quảng bá chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” diễn ra vào chiều ngày 8/8/2024 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

họp báo quảng bá chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng”
Họp báo quảng bá chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng”.

Chương trình với sự hỗ trợ của Cục Đầu tư - Thương mại Ba Lan (PAIH), KIGCP thường niên tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Ba Lan hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, F&B tìm kiếm đối tác mới, phát triển thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) tiếp tục dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Ba Lan sang khảo sát thị trường Việt Nam trong tháng 8/2024.

Trong những năm qua, quan hệ song phương Việt Nam - Ba Lan không ngừng được củng cố trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc biệt, hai nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan (1950-2025). 

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan năm 2023 đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 7% so với năm 2022). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương gữa hai nước đạt trên 793 triệu USD (bao gồm trên 695 triệu USD xuất khẩu từ Việt Nam và 98 triệu USD xuất khẩu từ Ba Lan).

Về quan hệ đầu tư, Ba Lan xếp thứ 35 trên 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 31 dự án, tổng vốn đăng ký trên 465 triệu USD. Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam và Ba Lan vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng quan hệ hai bên. Do vậy, hai nước đã nhất trí sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Ông Piotr Harasimowicz - Giám đốc đại diện Cục đầu tư thương mại Ba Lan tại Việt Nam
Ông Piotr Harasimowicz - Giám đốc đại diện Cục đầu tư thương mại Ba Lan tại Việt Nam.

Theo ông Piotr Harasimowicz - Giám đốc đại diện Cục đầu tư thương mại Ba Lan tại Việt Nam, Việt Nam là một nền kinh tế và thị trường mở cửa chưa phải là lâu đối với kinh tế toàn cầu, nhờ những hiệp định thương mại lần lượt được ký kết và đưa vào hoạt động đang xây dựng một mạng quan hệ thương mại bền vững. Những hiệp định thương mại đó không chỉ dần gỡ bỏ đa số các loại thuế xuất nhập khẩu giữa hai bên mà còn đơn giản hóa các quá trình cấp phép và các chướng ngại khác. Những quy định về quá trình xác định nguồn gốc, xuất xứ cũng sẽ được đồng bộ hóa.

“Khi hợp tác với các công ty Việt Nam, những nhà kinh doanh Ba Lan sẽ được tiếp cận đến các thị trường của cả hai hiệp định thương mại chính mà sẽ thay đổi hình thức thương mại ở khu vực châu Âu trong những năm sắp tới. Nhờ những hiệp định này, các quan hệ thương mại giữa các quốc gia nằm ở khu vực châu Âu sẽ được cải tiến” - ông Piotr Harasimowicz nói.

Ông Piotr Harasimowicz cho rằng, từ góc nhìn của quốc gia Ba Lan, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA vào năm 2020 là một việc hết sức quan trọng. Việt Nam là một trong số rất ít đất nước tham gia vào việc xây dựng quá trình hội nhập của nền kinh tế châu Âu ở cả hai khối, mà còn có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Hiện nay, giao thương Ba Lan và Việt Nam chủ yếu liên quan đến các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm. Vào năm 2022, tổng giá trị của các sản phẩm trong lĩnh vực nông phẩm và thực phẩm mà Ba Lan xuất khẩu về thị trường Việt Nam đạt mốc 176 triệu EUR, tăng 16% so với năm trước. Vào năm 2023, tổng giá trị các sản phẩm thịt và các sản phẩm động vật là gần 142 triệu EUR, tăng 43% so với năm 2022 khi tổng giá trị các sản phẩm này đạt mốc 99 triệu EUR.

Ba Lan là một trong số những quốc gia Liên minh châu Âu mà tăng giá trị hàng hóa trao đổi với Việt Nam nhiều nhất. Các nhóm sản phẩm được ưa chuộng nhất là thịt gia cầm đông lạnh với giá trị 42 triệu EUR, tăng 71% so với năm 2022, fille cá với giá trị 5 triệu EUR, tăng 20% so với năm 2022 và sữa và kem từ sữa với tổng giá trị 10,3 triệu EUR, tăng 83% so với năm trước.

Thực phẩm chế biến đến từ Ba Lan được giới thiệu tại chương trình
Thực phẩm chế biến đến từ Ba Lan được giới thiệu tại chương trình.

Được biết, chương trình năm nay hướng đến mục tiêu quảng bá thịt bò và thịt heo (tươi sống, ướp lạnh và đông lạnh); táo và các sản phẩm từ táo…; đồng thời, hoạt động của chương trình nhắm đến người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà nhập khẩu tại Việt Nam để mang đến thị trường nội địa những sản phẩm chất lượng cao với giá cả phù hợp.

Ông Tomasz Parzybut- Giám đốc điều hành Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan (SRWRP) cho biết, cùng với Liên minh quốc gia nhóm những nhà sản xuất rau và quả, Hiệp hội đã đồng tổ chức chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” kéo dài qua các năm. Tính đến nay, Hiệp hội có hơn 130 nhà sản xuất và chế biến thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm hoạt động ở Ba Lan và luôn tham gia tích cực những hoạt động tiếp thị sản phẩm ra thị trường nước ngoài tiềm năng.

Ông Tomasz Parzybut - Giám đốc điều hành Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan (SRWRP)
Ông Tomasz Parzybut - Giám đốc điều hành Hiệp hội những nhà giết mổ, sản xuất và chế biến thịt của Ba Lan (SRWRP).

“Với tư cách là người đứng đầu Hiệp hội, cùng với Liên minh quốc gia nhóm những nhà sản xuất rau và quả, chiến dịch “Hương vị châu Âu” nhằm mục đích thuyết phục những người tiêu dùng ở Nhật Bản, Việt Nam và Singapore về chất lượng các sản phẩm của EU: thịt tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh (thịt bò, thịt heo) cũng như táo tươi và chế phẩm…”, ông Tomasz Parzybut chia sẻ.

Còn với bà Bozena Wroblewska - Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan, hiện tại, nhiều sản phẩm Ba Lan đã có mặt tại Việt Nam, nhưng Ba Lan mong muốn mang đến thị trường Việt Nam đa dạng sản phẩm hơn. Sản phẩm thực phẩm của Ba Lan, EU và châu Âu nói chung luôn đảm bảo tuân thủ chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn sản xuất cao. Điển hình, Ba Lan là một trong những nhà cung cấp trái cây hàng đầu EU, đang đóng vai trò quan trọng ở nhiều thị trường bên ngoài châu Âu nhờ đảm bảo yếu tố chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả cạnh tranh.…

Bà Bozena Wroblewska - Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan
Bà Bozena Wroblewska - Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan.

Bên cạnh đó, mạng lưới trang trại sản xuất trái cây và rau quả ở châu Âu do những nông dân trẻ quản lý đang sử dụng đa dạng công nghệ hiện đại và trang thiết bị chuyên dụng nên chất lượng sản xuất ngày càng được nâng cao.

“Những Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết vào thời gian gần đây tạo nhiều cơ hội để tăng cường các hoạt động đầu tư từ phía Ba Lan. Các doanh nghiệp cũng nên để ý đến các sản phẩm sữa bò và thực phẩm đã chế biến, vì thuế xuất nhập khẩu đối với nhóm sản phẩm này sẽ dần được giảm xuống số 0 trong vòng 5 -7 năm kể từ khi Hiệp định thương mại vào hoạt động”- Giám đốc đại diện Cục đầu tư thương mại Ba Lan tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Piotr Harasimowicz cũng khẳng định:“Chính phủ Cộng hòa Ba Lan luôn quan tâm và mong muốn xúc tiến các hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông phẩm và thực phẩm, đồng thời tạo điều kiện để quan hệ giữa các doanh nghiệp Ba Lan và Việt Nam được xây dựng một cách bền vững”.

Cùng với chương trình quảng bá “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng”, các đơn vị xúc tiến của Ba Lan còn tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống và Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 (Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2024) diễn ra từ ngày 8 - 10/8, tại TP. Hồ Chí Minh. Tại triển lãm, khu vực gian hàng quốc gia của Ba Lan trưng bày, giới thiệu phong phú sản phẩm thực phẩm đặc trưng có nguồn gốc xuất xứ từ Ba Lan.

Uyển Nhi

Ý kiến

cong-thuong.png

cong-ttdt.png

© Copyright 2024 - Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng
An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙