(hpe.gov.vn) - Thực hiện Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 23/4/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng năm 2024; Kế hoạch số 1646/KH-SCT ngày 15/5/2024 của Sở Công Thương về Hội nhập quốc tế Sở Công Thương Hải Phòng năm 2024; Văn bản số 8460/BCT-ĐB ngày 22/10/2024 của Bộ Công Thương về việc đề nghị phối hợp tổ chức Hội thảo về Hiệp định RCEP. Sở Công Thương phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp”.
Sáng ngày 08/11/2024, Hội thảo chuyên đề “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp” đã diễn ra tại Khách sạn The Shine 2 - Hải Phòng, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Hội thảo do Sở Công Thương Hải Phòng phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương chủ động thích ứng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng đã nhấn mạnh rằng “Hiệp định RCEP – Một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới hiện nay – Mở ra cơ hội xuất khẩu lớn, nhưng đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe”. Các đại biểu và chuyên gia ngay sau đó đã có những phân tích sâu sắc về các cam kết thương mại hàng hóa, cách thức tra cứu thuế quan, cùng các ưu đãi cụ thể mà RCEP dành cho hàng dệt may, giày dép – những mặt hàng chiến lược của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám Đốc Sở Công Thương Hải Phòng phát biểu Khai mạc Hội thảo
Sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp dồn vào phần chia sẻ của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, khi chuyên gia của đơn vị này trình bày về Quy tắc xuất xứ trong RCEP. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan và khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những thông tin chi tiết về quy trình và điều kiện xuất xứ đã nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong giao dịch quốc tế.
Tiếp nối chương trình, Bà Quyền Thị Thuý Hà - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka đã kết nối trực tuyến từ Nhật Bản tới Hội thảo để chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu mặt hàng dệt may và giày dép vào thị trường này. Với kinh nghiệm thực tiễn, bà Hà đã đưa ra những lời khuyên quý báu cho các doanh nghiệp Hải Phòng, giúp họ hình dung rõ ràng về những yêu cầu đặc thù và cơ hội thị trường mà Nhật Bản mang lại trong khuôn khổ RCEP.
Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của TMĐT trong việc tận dụng hiệp định RCEP để mở rộng thị trường. Những khía cạnh quan trọng của việc phát triển kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến được trình bày, giúp doanh nghiệp hình dung cách tận dụng các lợi thế số hóa để vượt qua rào cản truyền thống trong xuất khẩu.
Kết thúc hội thảo, phần hỏi đáp sôi nổi đã giúp các đại biểu giải đáp nhiều vấn đề thực tế liên quan đến Hiệp định, từ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ đến các chiến lược để gia tăng xuất khẩu hiệu quả. Bà Nguyễn Việt Chi đã tổng kết các nội dung chính và bày tỏ mong muốn rằng các doanh nghiệp Hải Phòng sẽ tận dụng hiệu quả những lợi thế từ RCEP, góp phần phát triển thương mại quốc tế của thành phố.
Hội thảo không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo ra một không gian trao đổi, giao lưu hữu ích, giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức và kết nối với các cơ quan quản lý, sẵn sàng thích ứng và vươn xa trên thị trường quốc tế./.
Công Nguyễn