Bộ Công Thương bền bỉ xây dựng chính sách cho phát triển cụm công nghiệp

Với các chính sách do Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt, cụm công nghiệp dần có hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất cho phát triển.
Tạo cơ chế đơn giản, thuận lợi cho phát triển cụm công nghiệpNam Định chủ trương không thu hút đầu tư dự án ngoài khu, cụm công nghiệp

Trước khi Quyết định số 105/2009/ QĐ-TTg ngày 19/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (Quyết định 105), các cụm, điểm công nghiệp trên cả nước hình thành theo nhu cầu của địa phương và hầu hết hình thành từ các làng nghề. Sau giai đoạn phát triển “nóng” các cụm công nghiệp này phát sinh nhiều hệ lụy.

Đầu tiên là vấn đề môi trường, do hầu hết các cụm, điểm công nghiệp hình thành tại các làng nghề, xen lẫn khu dân cư ô nhiễm tiếng ồn, bụi và hoạt chất trong sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân. Mặt khác, do phát triển tự do, các cụm công nghiệp không tuân theo các tiêu chuẩn về diện tích, hạ tầng không được đầu tư đầy đủ. Điều này dẫn tới khó thu hút đầu tư thứ cấp, lãng phí đất đai, bên cạnh đó công tác quản lý còn nhiều chồng chéo, bất cập.

Chính sách cho phát triển cụm công nghiệp được Bộ Công Thương nỗ lực xây dựng và hoàn thiện
Chính sách cho phát triển cụm công nghiệp được Bộ Công Thương nỗ lực xây dựng và hoàn thiện

Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã tham vấn, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định 105. Sau khi ra đời, Quyết định đã giúp các địa phương có hành lang pháp lý cho chuyển đổi mô hình chủ đầu tư, đầu mối quản lý và thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Quan trọng nhất, Quyết định 105 cho phép các địa phương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp để xử lý chất thải, trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân.

Từ Quyết định 105, để phù hợp với bối cảnh phát triển, sức khoẻ của các cụm công nghiệp và đặc biệt để thuận lợi cho công tác quản lý, thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp, Bộ Công Thương tiếp tục tham vấn, xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về Quản lý phát triển cụm công nghiệp (Nghị đinh 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 68 (Nghị định 66).

Với hai Nghị định này, các địa phương có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn, các quy định mở hơn về diện tích, tỷ lệ lấp đầy, ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư cho quản lý cụm công nghiệp. Đặc biệt, Nghị định 68 và Nghị định 66 giúp các địa phương có cơ chế chuyển đổi mô hình chủ đầu tư cụm công nghiệp từ các đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp. Tạo bước phát triển đột phá về chất và lượng cho cụm công nghiệp.

Hiện nay, do một số luật hiện hành có sửa đổi bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch… dẫn đến những mâu thuẫn trong các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành về cụm công nghiệp, khiến các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Đồng thời, làm “mờ” đi chức năng đầu mối của ngành Công Thương. Để khắc phục, Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý phát triển cụm công nghiệp. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan và đang được chỉnh sửa. Dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối quý II/2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Dự thảo Nghị định sẽ phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế của các văn bản chính sách khác và tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án trong cụm công nghiệp. Điều này sẽ được thể hiện qua việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư. “Nhiều địa phương đã linh hoạt thực hiện nhưng vẫn cần quy định rõ ràng để tạo sự minh bạch, thuận lợi”, Thứ trưởng nêu yêu cầu.

Dự thảo Nghị định cũng khá thông thoáng và tạo điều kiện cho địa phương trong các quy định về thành lập, quy mô cụm công nghiệp và đặc biệt phân cấp phân quyền mạnh cho các địa phương để nâng cao tính tự chủ.

Như vậy có thể thấy, về mặt chính sách từ năm 2005 đến nay, Bộ Công Thương liên tục bám sát theo dõi và kịp thời chỉnh sửa cũng như cập nhật những yếu tố mới giúp các cụm công nghiệp trên cả nước thuận lợi phát triển, góp sức vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp các địa phương cũng như toàn ngành công nghiệp.

Sự can thiệp kịp thời này đã tạo nên sức phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng cho các cụm công nghiệp. Số liệu thống kê từ Cục Công Thương địa phương cho thấy: Cả nước có trên 730 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 24.900 ha đi vào hoạt động, thu hút gần 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 64%, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 660.000 lao động. Việc đầu tư, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình tiếp cận đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất. Các cụm công nghiệp này ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Cụm công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân trên chính quê hương của mình, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương khẳng định.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đang được Bộ Công Thương chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các địa phương, bộ ngành liên quan và dự kiến trình Chính phủ vào cuối quý II/2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *