Chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, kích cầu tiêu dùng nội địa

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020 được đánh giá là ngày hội của nhà sản xuất, nhà phân phối, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng. Đồng thời, chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, đảm bảo cung cầu của thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, đặc biệt trong các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Chiều ngày 25/11, UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020, gắn với Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2020. Hội nghị thu hút gần 60 tỉnh, TP với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự.

5006-thu-truong-cao-quoc-hung
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị

Là một hoạt động thường niên được UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức trong 5 năm trở lại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2020 là hoạt động thường niên hết sức có ý nghĩa trong việc chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, đảm bảo cung cầu của thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường, đặc biệt trong các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, TP gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Đặc biệt trong năm 2020, Hội nghị là hoạt động hết sức thiết thực để thực hiện nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng nội địa và nằm trong Chương trình phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương với Thành ủy, UBND TP Hà Nội. “Tôi rất vui mừng được chứng kiến sự có mặt của hơn 400 doanh nghiệp sản xuất của gần 60 tỉnh, TP trong cả nước, hơn 100 đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng và lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan của gần 40 địa phương đã tham dự Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP và chuỗi sự kiện Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2020”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Cùng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương kỳ vọng TP Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua về công tác kết nối cung- cầu và bình ổn thị trường. Mặt khác, thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng hướng tới tiêu dùng xanh vào các hệ thống bán lẻ. Các nhà quản lý, lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương có cơ hội lắng nghe, trao đổi, thảo luận, truyền đạt kinh nghiệm và có những đề xuất,giải pháp hữu ích, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, của các hợp tác xã, hộ nông dân thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, TP trên cả nước, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước,cũng như thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

5205-toan-canh-hoi-nghi
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn chỉ đáp ứng được từ 5 đến 35% nhu cầu, còn lại vẫn phải khai thác từ các tỉnh, TP khác và nhập khẩu. Nhất là trong những tháng Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân còn tăng cao hơn bình thường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho thị trường Hà Nội, phát huy vai trò đầu mối phối phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu,triển khai hiệu quả, toàn diện các chương trình hợp tác, liên kết, TP Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với 44 trong số 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh, TP trong cả nước thời gian qua.

5019-toan-canh-hoi-thao
Hội nghị thu hút gần 60 tỉnh, TP với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự

Từ năm 2019 tới nay, Hà Nội đã phối hợp các tỉnh, TP tổ chức 17 hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp, 22 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm, phát triển 786 chuỗi cung ứng nông sản. Qua đó, đã có hơn 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ, cung cấp thông tin cho các hệ thống phân phối.

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP Hà Nội xác định, thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế nên đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Kết quả trong năm 2020, TP Hà Nội phối hợp, hỗ trợ với các tỉnh, TP tổ chức hơn 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, TP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin nông sản an toàn TP Hà Nội; tại các điểm bán OCOP, các hội chợ, triển lãm…; kết nối, tiêu thụ hơn 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản của các địa phương dư cung do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ và xuất khẩu… “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống phòng chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới”, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

5005-hoi-nghi
Thảo luận, trao đổi về kết nối cung cầu, giao thương

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận chủ đề “Thương mại đa kênh – liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển về công nghệ, tác động của đại dịch Covid- 19 đã thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, thương mại điện tử càng chứng tỏ ưu thế và đã phát huy được tác dụng tích cực. Chính vì vậy, ngoài các đơn vị phân phối là các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng… việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử, đơn vị tư vấn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp tài chính… sẽ giúp đa dạng hóa các giải pháp kết nối, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững.

Chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, kích cầu tiêu dùng nội địa
Sở Công Thương Hà Nội trao biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh, TP liên kết, tạo kênh cung ứng – tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước

Trong khuôn khổ Hội nghị, ngoài hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với nhau, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội đã ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử; kết nối trang nông sản an toàn Hà Nội với “Gian hàng Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử; Cục Thương mại điện tử và kinh tế số trao đổi hợp đồng hợp tác về việc xây dựng “Gian hàng Việt Nam” trên các sàn Thương mại điện tử Sendo, Voso và Tiki; Sở Công Thương Hà Nội ký hợp tác với 28 Sở Công Thương các tỉnh, TP liên kết, tạo kênh cung ứng – tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *