Ông đánh giá thế nào về hiệu quả xuất khẩu (XK) của DN thủy sản sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực?
Qua 2 tháng thực thi EVFTA. Hiệp định đã tác động 3 vấn đề của ngành hàng thủy sản XK sang EU. Thứ nhất, số lượng đơn hàng với mặt hàng tôm tăng lên từ 10-15% và hy vọng từ nay đến cuối năm nhu cầu sẽ tăng lên so với năm trước. Thứ hai, các nhà nhập khẩu (NK) quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế 3-5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề xâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế. Thứ ba, các DN cũng đã quan tâm tối đa đến các vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU, nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định này trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, khi EVFTA và một số FTA khác có hiệu lực, hàng NK với thuế suất thấp tràn vào Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp, đe dọa đến thị phần của DN trong nước. Vấn đề này có đúng với ngành thủy sản không?
Việt Nam là một quốc gia XK về thủy sản, chúng ta đang có một hệ thống nuôi trồng tốt nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, tập quán tiêu dùng của người Việt thích hàng tươi sống hơn hàng đã qua chế biến đông lạnh, do đó trong thời gian 1 đến 2 năm tới, khả năng thủy sản phải cạnh tranh tại nội địa do giảm thuế cho hàng NK chưa xảy ra.
Nếu có thì việc giảm thuế chỉ tạo cơ hội để cho một số mặt hàng trước đây đã vào Việt Nam như cá hồi hoặc những mặt hàng Việt Nam không sản xuất được. Điều này sẽ giúp hàng hóa hai bên bổ trợ cho nhau, người tiêu dùng được lợi hơn khi sử dụng sản phẩm với mức giá hợp lý hơn.
Hàng thủy sản đáp ứng được nhu cầu trong nước nhờ hệ thống nuôi trồng tốt |
Theo ông, để tận dụng tốt các FTA trong việc mở rộng XK và chiếm lĩnh thị trường nội địa, DN thủy sản cần chú ý điều gì?
Theo tôi, một trong những vấn đề quan trọng để thủy sản Việt Nam thúc đẩy XK và chiếm lĩnh thị trường nội địa là chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Do đó, việc đầu tiên DN cần quan tâm là phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.
Ngoài ra, về chất lượng – hiện khái niệm chất lượng thủy sản đang dịch chuyển về phía an toàn. An toàn ở đây có nghĩa là kiểm soát được cả một chuỗi sản xuất, chứ không phải là ở trong một nhà máy hay một phân xưởng sản xuất. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng là việc cần được quan tâm tối đa.
Với ngành thủy sản, các DN đã làm việc này nhiều năm nay chứ không phải tới bây giờ bắt đầu khởi động, nên không khó để nắm bắt cơ hội tại thị trường EU cũng như ở nội địa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta lơ là trong quản lý, nâng cao chất lượng mà cần phải làm tốt hơn nữa để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!