Ông Nguyễn Đình Phúc – Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, Chủ tịch Hội cơ khí Đà Nẵng cho rằng hiện doanh nghiệp trong nước còn bị động trong tìm hiểu và tận dụng các FTA |
Cơ hội nhiều nhưng sức ép, áp lực cạnh tranh cũng lớn
Tại hội thảo “Hội nhập EVFTA và những chính sách về công nghiệp phụ trợ, thuế, hải quan, đổi mới khoa học & công nghệ” do Hội Cơ khí Đà Nẵng phối hợp với Sở Công Thương thành phố tổ chức sáng 17/11, ông Nguyễn Đình Phúc – Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Đà Nẵng cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Theo ông Phúc, đối với sản xuất trong nước, việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước nằm trong hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng nếu hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam có nguy cơ sở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Đối với hoạt động xuất khẩu, mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhưng sự hiểu biết của doanh nghiệp trong nước về FTAs còn khá hạn chế, trong khi đó, doanh nghiệp FDI lại rất chủ động và chuẩn bị khá kỹ để đón đầu và tận dụng các ưu đãi từ FTAs. “Mới chỉ có khoảng chưa đến 30% doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan”, ông Phúc nói.
Đã có 23.000 bộ C/O form EUR.1 được cấp để doanh nghiệp hưởng ưu đãi từ EVFTA |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi biểu thuế tiến về 0%, các cam kết ưu đãi đối với doanh nghiệp trong hiệp định này có tính ổn định, hàng hóa của EU với Việt Nam có tỉnh bổ sung và thị trường EU là một thị trường lớn, có mức chi tiêu cao…. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ và đáp ứng các điều kiện trong EVFTA. Trong đó, đầu tiên và lớn nhất đó là đáp ứng về quy tắc xuất xứ.
“Một hàng hóa bất kỳ muốn hưởng ưu đãi thuế quan trong FTAs nói chung, EVFTA nói riêng thì bắt buộc hàng hóa đó phải đáp ứng quy tắc xuất xứ”, bà Ngọc nói và cho biết, quy tắc xuất xứ trong EVFTA được quy định tại thông tư 11 của Bộ Công Thương ban hành vào ngày 15/6/2020, tức là 1 tuần sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA, và một tháng rưỡi trước khi EVFTA có hiệu lực. “Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc ban hành, để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thời gian để tìm hiểu kỹ về nội dung này, để đảm bảo hàng hóa của mình khi sang EU sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Thông tư này quy định rất cụ thể, rõ ràng hàng hóa phải đảm bảo những tiêu chí gì để được xem như đáp ứng tiêu chí của EVFTA”, bà Ngọc nhận định và thông tin thêm, mẫu form để cấp C/O hưởng ưu đãi EVFTA là mẫu EUR.1. Qua hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã cấp được khoảng 23.000 bộ C/O mẫu EUR.1, tương đương với kim ngạch xuất khẩu 830 triệu USD.
Ngoài quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Chương TBT trong EVFTA ngoài tuân thủ theo hiệp định TBT trong WTO còn có những nguyên tắc bổ sung để hạn chế tình trạng lạm dụng các biện pháp TBT bảo hộ trá hình cho sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, xuất nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ tìm hiểu về các vấn đề FTA, chính sách thuế, hải quan |
Doanh nghiệp phải chủ động đầu tư, đổi mới và chuẩn hóa sản phẩm
Ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, EVFTA đã có hiệu lực, vì vậy, thời gian để doanh nghiệp chần chừ là không còn nữa, vì hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đón đầu và tận dụng tốt các FTA, trong đó có EVFTA. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và hiệp hội để tiếp cận thông tin từ các hiệp định CPTPP, EVFTA, thì cần nhanh chóng nghiên cứu tìm hiểu kỹ về các hiệp định này. Chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm của doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với các nước khác. “Nếu không nhanh chóng thì dù FTAs có cơ hội, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận thị trường và tận dụng được cơ hội, tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Phúc nói. Cùng với đó, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc lựa chọn nguồn gốc các nguyên phụ liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; phải thực hiện tốt các yêu cầu khác như vệ sinh, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề và nhân lực trình độ cao; chủ động liên kết gắn bó giữa các doanh nghiệp, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài.
Theo bà Hồng Ngọc, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động tìm hiểu các quy định, cam kết của các FTA về thuế quan, quy tắc xuất xứ, các cam kết đầu tư, mở cửa thị trường. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp các thông tin có được, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể và hành động cụ thể để tận dụng các ưu đãi như tìm hiểu, thiết lập và mở rộng mạng lưới đối tác ở các thị trường có lợi thế FTA, thiết lập mạng lưới nguồn cung nguyên liệu cũng như điều chỉnh quy trình sản xuất để có thể đáp ứng những yêu cầu của hiệp định… Tìm hiểu các nội dung khác trong FTAs có thể tác động gián tiếp đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp mình.
Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ nội địa tìm cần tìm hiểu các cam kết về mở cửa thị trường Việt Nam như loại bỏ, cắt giảm thuế quan đối với các loại hàng hóa, cam kết mở cửa thị trường đối với các dịch vụ có cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp tới hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; cam kết loại bỏ thuế quan đối với máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh như xác định thế mạnh của mình để phát huy và nhận diện các yếu tố đang cản trở năng lực cạnh tranh để có giải pháp cải thiện.
“EVFTA là cơ hội và là sức ép hợp lý để doanh nghiệp thay đổi, từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được cơ hội gia tăng kim ngạch, doanh nghiệp trong nước đứng vững trên sân nhà”, bà Ngọc nói.
Hội thảo “Hội nhập EVFTA và những chính sách về công nghiệp phụ trợ, thuế, hải quan, đổi mới khoa học & công nghệ”, thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, xuất nhập khẩu, công nghệ phụ trợ.
Ngoài thông tin về cơ hội, thách thức, khuyến nghị cho doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, hội thảo còn thông tin đến doanh nghiệp những chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ Đà Nẵng; những chính sách hải quan mới trong hội nhập; những chính sách hỗ trợ đổi mới Khoa học & Công nghệ; tác động của hội nhập trong đào tạo nguồn nhân lực; tác động của hội nhập đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp nắm được những nội dung cơ bản để nâng cao kiến thức, vai trò trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong hội nhập CPTPP, EVFTA và huy động sự tham gia tích cực của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh…trong việc hội nhập, mở rộng giao lưu, nắm bắt các quy định mới về chính sách công nghệ phụ trợ, thuế, hải quan, đổi mới khoa học công nghệ… góp phần mở rộng liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động hội nhập quốc tế trong thời đại mới. |