CHƯƠNG II. THÔNG TIN CHUNG VỀ HIỆP ĐỊNH EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 49,78 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
- Về thương mại
EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Từ năm 2000 đến năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 12,14 lần (từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 49,78 tỷ USD năm 2020); trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng12,55 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 35,14 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,26 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 14,64 tỷ USD). Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 49,78 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 35,13 tỷ USD (giảm 15,4%) và nhập khẩu đạt 14,64 tỷ USD (giảm 1,7%). Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2020 là Hà Lan (6,99 tỷ USD), Đức (6,64 tỷ USD), Pháp (3,29 tỷ USD), I-ta-li-a (3,11 tỷ USD), Áo (2,88 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,13 tỷ USD), Bỉ (2,31 tỷ USD), Ba Lan (1,77 tỷ USD) và Thụy Điển (1,12 tỷ USD).
Các nước xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan.
- Về xuất khẩu
Năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 35,13 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện (đạt 12,21 tỷ USD, giảm 30,22%), giày dép các loại (3,79 tỷ USD, giảm 24,65%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,76 tỷ USD, tăng 23,6%), hàng dệt may (3,07 tỷ USD, giảm 27,9%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,76 tỷ USD, tăng 9,96%), hàng thủy sản (0,91 tỷ USD, giảm 27,2%) và cà phê (0,98 tỷ USD, giảm 15,51%).
Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2020 là chất dẻo nguyên liệu (đạt 29,89 triệu USD, tăng 56,31%), máy vi tính và linh kiện (5,7 tỷ USD, tăng 23,76%), hóa chất (54,7 triệu USD, tăng 42,64%) và gạo (12,86 triệu USD, tăng 20,46%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng giảm như hàng dệt may (3,07 tỷ USD, giảm 27,84%), gỗ và các sản phẩm gỗ (484,2 triệu USD, giảm 24,49%), thủy sản (914,5triệu USD, giảm 26,69%), điện thoại và các loại linh kiện (8,5 tỷ USD, giảm 30,2%) và cà phê (982,7 triệu USD, giảm 15,59%).
- Về nhập khẩu
Năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 14,648 tỷ USD giảm 1,7% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 3,07 tỷ USD, giảm 21,35%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,07 tỷ USD, tăng 62,2%), dược phẩm (1,74 tỷ USD, tăng 6,98%), sản phẩm hóa chất (503,103 triệu USD, giảm 9,59%) và nguyên phụ liệu, dệt, may, da, giày (265,95 triệu USD, giảm 33,87%).
Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2020 là xơ, sợi dệt các loại (đạt 30,04 triệu USD, tăng 88,9%), máy vi tính, sảm phẩm điện tử và linh kiện (đạt 4,08 tỷ USD, tăng 62,209%), quặng và khoáng sản khác (đạt 6,7 triệu USD, tăng 36,66%), chế phẩm thực phẩm khác (đạt 75,34 triệu USD, tăng 22,12%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (đạt 285,04 triệu USD, tăng 8,95%), dược phẩm (đạt 1,75 tỷ USD, tăng 6,98%). Đáng lưu ý là một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng giảm như điện thoại các loại và linh kiện (đạt 0,14 triệu USD, giảm 88,95%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (đạt 3,12 triệu USD, giảm 62,76%), sắt thép các loại (đạt 89,97 triệu USD, giảm 48,3%), phế liệu sắt thép (đạt 16,9 USD, giảm 71,68%), linh kiện phụ tùng ô tô (đạt 111,3 triệu USD, giảm 49,13%), nguyên phụ liệu dệt may và da giày (đạt 265,95 triệu USD, giảm 33,87%).
- Về đầu tư
- Đầu tư của EU vào Việt Nam
Năm 2020, EU có 2.149 dự án từ 27/28 quốc gia thuộc EU (trừ Crô-ati-a) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22,2 tỷ USD chiếm 6,5% số dự án của cả nước và 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 374 dự án và 10,418 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 47% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Tiếp sau đó là Pháp với 614 dự án và 3,60 tỷ USD tổng vốn đầu tư và Cộng hòa Liên bang Đức với 379 dự án và 2,2 tỷ USD, chiếm lần lượt 16.2% và 10% tổng vốn đầu tư. Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển), v.v.. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ).
- Đầu tư Việt Nam vào EU
Ở chiều ngược lại, nhìn chung đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức.
Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Ngày 1/12/2015: EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố.
Ngày 26/6/2018: EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 8/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.
Ngày 30/6/2019 Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.
Ngày 21/01/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.
Ngày 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA
Ngày 08/6/2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
EVFTA là một FTA thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao. Các lĩnh vực cam kết chính trong EVFTA bao gồm:
- Thương mại hàng hóa, bao gồm:
- Các quy định chung
- Các biểu cam kết thuế quan cụ thể – gọi là cam kết mở cửa thị trường)
- Quy tắc xuất xứ, bao gồm:
- Các nguyên tắc xác định xuất xứ chung
- Các quy tắc xuất xứ riêng cho những loại hàng hóa nhất định
- Hải quan và thuận lợi hóa thương mại
- Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)
- Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)
- Thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường)
- Các quy định chung (gọi là cam kết lời văn)
- Các biểu cam kết mở cửa dịch vụ cụ thể – gọi là cam kết mở cửa thị trường
- Đầu tư
- Các nguyên tắc chung về đối xử với nhà đầu tư
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài
- Phòng vệ thương mại
- Cạnh tranh
- Doanh nghiệp nhà nước
- Mua sắm của Chính phủ
- Sở hữu trí tuệ
- Phát triển bền vững (bao gồm cả môi trường, lao động),
- Các vấn đề pháp lý
- Hợp tác và xây dựng năng lực