Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển Thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên số”

Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tự nguyện của các doanh nghiệp sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tăng tốc cho các hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Chưa bao giờ hoạt động ứng dụng TMĐT trong kinh doanh được nhắc tới và thực hiện nhiều như hiện nay. Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020, cũng xác định rõ vai trò của TMĐT sẽ là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời sẽ là công cụ hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sau đại dịch Covid-19.


Với mục đích đánh giá khách quan, chân thực sự phát triển của TMĐT Việt Nam; xác định những thành công, những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân, tận dụng những lợi thế để đề xuất giải pháp, chính sách phát triển phù hợp với TMĐT Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Thương mại, 15 năm thành lập ngành Thương mại điện tử. Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và Công văn số 227/TMĐT-TTPT, Theo Quyết định số 836/QĐ-ĐHTM, sáng nay ngày 04/11/2020, Cục TMĐT & Kinh tế số – Bộ Công Thương và Khoa Hệ thống thông tin kinh tế & Thương mại điện tử – Trường Đại học Thương Mại phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “
Phát triển TMĐT Việt Nam trong kỷ nguyên số” tại Trường ĐHTM.

Hội thảo là một diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp TMĐT và CNTT trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng TMĐT Việt Nam hiện nay, các cơ hội và thách thức của quá trình phát triển; chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu mới, đề xuất các giải pháp phát triển TMĐT Việt Nam trong bối cảnh các công nghệ kỹ thuật số đang được ứng dụng một cách rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh doanh.

Nội dung của Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề chính là:

Phần 1: Môi trường pháp lý, Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề trong phát triển TMĐT Việt Nam.

Phần 2: Giao vận và thanh toán không sử dụng tiền mặt

Phần 3: Bán lẻ điện tử, Tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ khách hàng điện tử

Phần 4: Động lực thúc đẩy, công nghệ cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số và các lĩnh vực liên quan đến TMĐT, HTTT.


Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, qua sàn thương mại điện tử Amazon, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU….

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biễn phức tạp trên thế giới từ đầu năm đến nay, thương mại điện tử là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam và đang trở thành công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trần Hưng, Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử Trường Đại học Thương Mại cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang hội tụ rất nhiều lợi thế về dân số trẻ, sự phổ cập của các thiết bị di động thông minh cùng với sự hoàn thiện về nền tảng luật pháp, thanh toán và logistics.

Điều này đã được thể hiện rõ khi “Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn 2020 – 2025 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng trên 30%”, TS. Nguyễn Trần Hưng cho biết.

Cụ thể, thị trường đã ghi nhận sự tham gia sâu hơn, rộng hơn và ganh đua mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia vào thị trường TMĐT Việt Nam như SBI Holdings của Nhật Bản rót thêm vào Sendo 51 triệu USD đầu năm 2018, Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada Đông Nam Á và SEA tăng thêm 1.200 tỷ đồng tương đương 50 triệu USD vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.

Đặc biệt, theo Báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2019 do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường có sự tăng trưởng đột phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/năm. Trong năm 2019, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD và dự báo có triển vọng bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025.

Góp phần vào kết quả chung của thị trường thương mại điện tử cũng bao gồm nhiều bước tiến về công nghệ trong lĩnh vực thanh toán số, truyền thông thương hiệu tích hợp, xu hướng ứng dụng công nghệ maketing trong mô hình bán lẻ trực tuyến và các giải pháp phát hiện người bán hàng gian lận trong thị trường trực tuyến bằng phương pháp học máy SVM…

Đơn cử, trong lĩnh vực thanh toán, TS. Đặng Hương Giang cho rằng, sự bùng nổ và lan toả của khoa học công nghệ, sự thay đổi trong xu hướng sản xuất và tiêu dùng và đòi hỏi từ chính sự sống còn của ngay bản thân ngân hàng đã làm cho quá trình tiến tới ngân hàng số của các ngân hàng thêm mạnh mẽ hơn trước.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Maxbuy cho biết, việc tự động hoá quy trình bán hàng tạo ra cơ hội bán hàng hoặc nuôi dưỡng cơ hội bán hàng mới, tăng trải nghiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp trên môi trường số; giảm thiểu sự phụ thuộc về chi phí cũng như việc mang về khách hàng mới từ các kênh quảng cáo…

Bên cạnh đó, TS. Lê Trung Hiếu, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã, đang trở thành những điều kiện rất tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng kênh trực tuyến nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đại dịch tạo đà và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam, khi khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm kiếm sản phẩm và thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua các thiết bị điện tử… Do đó, kỳ vọng thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới”, TS. Lê Trung Hiếu nhấn mạnh.

Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề còn tồn tại, cần giải quyết. Thông qua hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giảng viên, các doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý đã tìm được những hướng nghiên cứu mới, những câu trả lời thỏa đáng, những giải pháp phù hợp cho tổ chức của mình đồng thời thúc đẩy sự phát triển của TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới tương xứng với những tiềm năng vốn có và kỳ vọng đột phá trong khu vực.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *