Hướng tới minh bạch thông tin hàng hoá trong thương mại điện tử

Nhằm minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung chính tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT (Nghị định 52), diễn ra sáng 3/11 tại Hà Nội.

Yêu cầu cấp thiết

Không thể phủ nhận Nghị định 52 về TMĐT là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử. Sau 7 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, TMĐT Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới cho thương mại nói chung và nền kinh tế số nói riêng.

1940-tthung-ok2
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành; các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước… Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sửa đổi Nghị định 52, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TMĐT để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu thương mại, qua đó góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Nói về những bất cập của TMĐT, ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường – cho biết, tại thời điểm này không ít mạng xã hội ứng dụng TMĐT cũng đang bị các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Phân tích cụ thể mánh khóe, ông Minh cho hay, qua vụ việc phát hiện kho hàng lậu khủng ở Lào Cai cho thấy, các đối tượng không cần chuyển về Hà Nội mà đặt ngay trụ sở giáp tỉnh biên giới, bởi khi hàng hóa đi qua biên giới sẽ được hợp thức hóa nhanh chóng, cùng với đó chi phí mặt bằng, trả lương nhân viên cũng thấp hơn nhiều so với đặt tại Hà Nội. Đáng chú ý, đối với vụ việc ở Lào Cai không cần cửa hàng, showroom trưng bày và được hỗ trợ trực tiếp của các công ty vận chuyển, giao nhận hàng bình thường mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu bán lẻ hàng tháng đạt hơn 10 tỷ đồng; sao kê giao dịch qua ngân hàng cho thấy, trong chưa đầy 2 năm qua các đối tượng đã bán lượng hàng trị giá hơn 649 tỷ đồng.

Từ thực tế công việc quản lý thị trường, theo đó trách nhiệm minh bạch hóa của người bán hàng là vô cùng quan trọng. “Hơn nữa, đơn vị làm trung gian đều phải có trách nhiệm liên quan đến TMĐT (Nghị định 52 mới quy định chung chung về mô tả hàng hóa, nhưng quan trọng những vấn đề liên quan đến chứng từ hàng hóa mới là yếu tố để xác định hàng giả, hàng nhái). Quan trọng hơn, hiện sự tham gia của các chủ sàn rất tích cực, do vậy chống hàng giả, đặc biệt trên mạng nếu không có cách nào để kiểm soát truy xuất xuất xứ hàng hóa sẽ rất khó” – ông Nguyễn Kỳ Minh phân tích vấn đề.

1613-qltt-ok
Đại điện Tổng cục Quản lý thị trường đóng góp ý kiến về Nghị định 52

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TMĐT, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội – cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 52 cần tạo thuận lợi thỏa đáng cho doanh nghiệp để những doanh nghiệp tiên phong đầu tư dám nghĩ, dám làm mới có bước tiến phát triển TMĐT mạnh mẽ như hôm nay. Bên cạnh đó, cần cân bằng lợi ích trong việc việc hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các mô hình phân phối hàng hóa;, phương thức tổ chức TMĐT…

Lành mạnh hóa môi trường hoạt động TMĐT

Đưa ra ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TMĐT để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. “Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52 hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT; không để TMĐT bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật” – Thứ trưởng lưu ý.

Đóng góp vào việc sửa đổi Nghị định 52, theo Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương), Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

1307-toan-canh-ok

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận; bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng (gọi chung là dịch vụ logistics) về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội: Với mục tiêu thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho TMĐT trên mạng xã hội hoạt động với định hướng tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các phương thức hoạt động TMĐT dù trong lãnh thổ Việt Nam hay xuyên biên giới; hạn chế hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến tham gia hội thảo, tập trung hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất để ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *