Doanh thu giảm sút
Là một thành phố lớn, đông dân, trong khi tháng 2 năm nay cũng là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán nhưng sức mua tại TP. Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2021 chỉ đạt 110.675 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 69.912 tỷ đồng, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 10,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú chỉ đạt 6.099 tỷ đồng, giảm 27,2% so với tháng trước và giảm 14,9% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 29,8% so tháng trước và giảm 67,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) một tỉnh có thế mạnh kinh tế dịch vụ du lịch, song trong 2 tháng năm 2021, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ của tỉnh này đã giảm 2,31% so với cùng kỳ và chỉ đạt 23.984 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thương mại 17.446 tỷ đồng, giảm 1,32%; doanh thu dịch vụ 6.537,36 tỷ đồng, giảm 4,87%.
Không giảm sâu như TP. Hồ Chí Minh, nhưng mức tăng trưởng thương mại - dịch vụ trong 2 tháng đầu năm của tỉnh Tây Ninh cũng thấp hơn nhiều so với mọi năm. Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 15.210,7 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành đạt 0,96 tỷ đồng, giảm 67,88% so với tháng cùng kỳ năm 2020.
|
Doanh thu dịch vụ du lịch giảm mạnh |
Triển khai nhiều giải pháp phục hồi
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh BRVT - cho biết, năm 2021 ngành Công Thương BRVT đặt mục tiêu tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ đạt hơn 56.766 tỷ đồng, tăng 10,76% so với năm 2020. Để đạt được kế hoạch này, ngành Công Thương tập trung chuyển đổi cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Trước mắt Sở Công Thương sẽ tổ chức các lớp tập huấn như: Nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm; kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên Internet; phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện, hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh và quốc tê”- ông Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Để thương mại - dịch vụ phát triển bền vững, ông Lê Anh Tuấn cho biết, ngành Công Thương Tây Ninh sẽ tập trung cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, đây là ngành đang có lợi thế. Nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang được đầu tư; quá trình thu hút đầu tư đã có sự lựa chọn các dự án công nghệ cao thân thiện với môi trường. “Tại Tây Ninh, xu hướng sản xuất, chế biến sâu sản phẩm hàng hóa đang được nhiều nhà đầu tư rót vốn và nhiều doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới để tạo ra sản phẩm chất lượng và mang tính cạnh tranh cao” - ông Tuấn nhìn nhận.
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ 2, kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thuộc các ngành như: Du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm… Trước mắt, sẽ xây dựng kế hoạch làm việc với các hội ngành nghề, doanh nghiệp nhằm nắm rõ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu đầu tư, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, mở rộng và phát triển thị trường đang được triển khai trên diện rộng.