Luật sư Trần Xuân Tiền: Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng

FTAs Hải Phòng

Thương mại điện tử Hải Phòng

Logistics Hải Phòng

CỔNG THÔNG TIN
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Home TIN TỨC - SỰ KIỆN

Luật sư Trần Xuân Tiền: Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

08-01-2021 09:20 AM
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, hiện doanh nghiệp đang phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Để hiểu hơn về vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về các vụ kiện phòng vệ thương mại trong thời gian qua và làm thế nào để nâng cao hiệu quả hơn nữa vai trò của các biện pháp PVTM trong thời gian tới?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để có thể tiếp cận được các thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản về phòng vệ thương mại, chưa kể đến những rào cản như quốc phòng, sở hữu trí tuệ. Các biện pháp về hàng rào kỹ thuật hay vệ sinh an toàn thực phẩm khá phổ biến. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại lại là thách thức lớn vì xuất hiện bất ngờ, gây hệ quả lâu dài và biến động khó lường. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ… Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó, 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực. Về công tác khởi kiện, tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế khá như: sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón, bột ngọt, đường,... Để đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu quy định, thủ tục điều tra của các nước; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý; chủ động theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra; cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh sự khác biệt của sản phẩm; phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để phản biện; kiểm tra các lập luận về thiệt hại do nguyên đơn cung cấp; thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả. Dưới góc độ luật sư, ông có nhận định như thế nào về các cơ chế, chính sách trong nước về phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện nay? Việc chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và các FTA khác,… đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực PVTM một cách tổng thể, toàn diện nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ hợp pháp, hợp lý sản xuất trong nước. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai công tác PVTM một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PVTM (Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương) đến việc ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Những hoạt động trên đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Theo ghi nhận của Cục Phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ kịp thời đã góp phần bảo vệ việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng; bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc chống bán phá giá với ước tính chiếm khoảng 5,12% tổng GDP Việt Nam (2019). Hệ thống pháp luật về PVTM của nước ta đã được bổ sung và hoàn thiện, Việt Nam đã và đang bảo đảm môi trường thương mại công bằng, ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến nền sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Tuy số lượng vụ việc PVTM Việt Nam điều tra còn khá khiêm tốn, nhưng việc áp dụng các biện pháp PVTM đã cho thấy chuyển biến tích cực của Việt Nam. Từ chỗ là bị đơn đã chủ động hơn trong việc sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, giúp hạn chế nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị các nước khác điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác PVTM của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập mới của Việt Nam như năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài còn bất cập. Vậy, để nâng cao năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, ông có đề xuất gì để các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực PVTM trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu? Để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp và nâng cao năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp trong nước, cần phải tập trung chú ý các vấn đề sau đây: Thứ nhất, các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện pháp luật, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện cam kết về PVTM trong các Hiệp định Thương mại tự do phù hợp với thực tiễn đời sống, thống nhất và đồng bộ với các cam kết quốc tế, giúp đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, phổ biến kiến thức về PVTM cho các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng trong nước thông qua việc tổ chức các hội thảo, hướng dẫn về sử dụng các biện pháp PVTM; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 824 về Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế; phổ biến sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá và nhận biết nguy cơ bị điều tra PVTM nước ngoài; nâng cao năng lực phối hợp xử lí các vụ kiện PVTM cho các Sở, ngành, địa phương. Thứ ba, các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu; xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan truyền thông Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, kết quả cảnh báo sớm về PVTM cho các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước bằng việc xây dựng chuyên mục, tạo cơ sở dữ liệu, triển khai bản tin, soạn thảo, phổ biển cẩm nang hướng dẫn sử dụng, ứng phó với các biện pháp PVTM trong một số ngành xuất khẩu chủ lực. Thứ năm, tăng cường nguồn lực, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác PVTM; xây dựng cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và nước ngoài; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM. Nếu thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, tôi tin tưởng rằng công tác PVTM của Việt Nam sẽ ngày càng đạt kết quả tích cực trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, góp phần thực hiện tốt chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng, Nhà nước đề ra. Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến

TIN TỨC - SỰ KIỆN

cong-thuong.png

cong-ttdt.png

© Copyright 2024 - Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thành phố Hải Phòng
An error has occurred. This application may no longer respond until reloaded. Reload 🗙