Thị trường còn nhiều dư địa
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các nước châu Âu, châu Mỹ thì việc khai thác các thị trường mới như châu Phi là một lối đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Đặng Thị Thu Hà, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Ma-rốc cho biết: “Tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ma-rốc là rất lớn do hai bên có điểm tương đồng về độ ‘mở’ của thị trường và đều đang tích cực đẩy mạnh độ hợp tác, hội nhập quốc tế, có nhiều mặt hàng có thể bổ sung cho nhau cho nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu.”
Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ma-rốc đạt 220 triệu USD. Mức tăng trưởng bình quân trong trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 12-13%. Theo số liệu thống kê của Ma-rốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 74,8 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kì năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu từ Ma-rốc đạt 7,3 triệu USD, tăng 48,9% so với cùng kì 2019 (4,9 triệu). Kim ngạch hai chiều năm 2020 có thể giảm do đại dịch Covid.
|
Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc đánh giá: “Kim ngạch hai chiều tăng trưởng tốt dù không ổn định và không theo quy luật.”
Theo Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, Thị trường Ma-rốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. “Bên cạnh tiềm năng về xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác đầu tư tại chỗ để khai thác nguồn nguyên liệu và nhân công dồi dào tại Ma-rốc và phát triển hàng xuất khẩu sang nước thứ 3”, bà Hà đánh giá. Với những điều kiện thuận lợi đó, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh về tỷ lệ trong những năm gần đây nhưng giá trị tuyệt đối còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng. Lý giải về điều này, bà Hà cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do doanh nghiệp hai nước chưa hiểu rõ về thị trường của nhau.
Một tín hiệu đáng mừng là các quốc gia tại khu vực Bắc Phi đã có nhiều cải cách về thể chế, thuế, quản lý tài chính, chính sách ngoại thương ngày càng cởi mở, cải cách khung pháp lý theo hướng đơn giản hóa và hội nhập để khuyến khích hợp tác.
Năm 2020 đánh dấu một năm nền kinh tế thế giới gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19. Các nước châu Phi cũng không phải ngoại lệ. Theo các đánh giá, các quốc gia ở khu vực này cần khoảng 2 năm để có thể hồi phục. Do đó, giai đoạn 2022-2030 hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác cho các doanh nghiệp mới đến khai thác thị trường để đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và khai thác chế biến nguyên liệu.
Cần lưu ý về thủ tục hành chính
Mặc dù Việt Nam và Ma-rốc đã ký nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư nhưng theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay hai nước chưa có dự án hợp tác đầu tư chính thức nào được triển khai trên lãnh thổ của nhau. Nguyên nhân được cho là do những khác biệt trong văn hóa và tập quán kinh doanh giữa hai nước.
Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cho biết, cơ chế chính sách của Ma-rốc vẫn còn rườm rà, vấn đề tham nhũng, áp thuế, phí tùy hứng gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp vấn đề khi thanh toán hay trục trặc khách hàng khi xuất khẩu sang Ma-rốc.
Mặt khác, uy tín trong kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Ma-rốc không cao. Nhiều doanh nghiệp dễ thay đổi và không tuân thủ cam kết hợp đồng khi gặp khó khăn. Ma-rốc cũng không có chế tài đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể hỗ trợ xử lý vướng mắc hàng hóa cho doanh nghiệp. Có rất nhiều các vụ việc khách bỏ hàng, không thanh toán hoặc cấu kết với nhau để lấy hàng không thanh toán, trong khi luật pháp Ma-rốc có kẽ hở để bên nhập khẩu lách luật.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý là thuế nhập khẩu của Ma-rốc rất cao, có thể lên tới 67% gồm cả thuế và phí.
“Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường và sản phẩm, tổ chức khảo sát thị trường, lựa chọn đại lý thương mại địa phương” – Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc khuyến cáo.