Một số đề xuất nhằm gắn kết sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ sản phẩm
23-11-2022 03:18 PM
Một là, tiếp tục nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.
Mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2025, chương trình OCOP của Thành phố hoàn thiện đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm theo chương trình OCOP và nâng cấp phát triển cho ít nhất từ 150 - 200 sản phẩm có tiềm năng và tính thương mại cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tiếp tục phổ biến sâu rộng chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã và cả các hộ sản xuất để nắm bắt chủ trương và đặc biệt là kiến thức về bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng sản phẩm, cũng như các bước trong quy trình đăng ký tham gia. Mỗi địa phương cần tập trung đánh giá chính xác tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình, cụ thể là ngành nghề đặc trưng của địa phương có quan hệ với sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ kết hợp với du lịch cộng đồng, để có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển hệ thống sản phẩm OCOP có chất lượng và mang bản sắc riêng. Ví dụ như Cát Bà, Bạch Long Vĩ là 2 huyện có nhiều lợi thế về du lịch và sản phẩm thủy hải sản nên rất nhiều tiềm năng phát triển thêm sản phẩm OCOP khác thuộc nhóm dịch vụ du lịch truyền thống - lễ hội địa phương, một số điểm du lịch cộng đồng đạt từ 3 đến 4 sao, đồng thời tiếp tục gia tăng số lượng sản phẩm OCOP thuộc nhóm chế biến từ thủy hải sản nhằm khai thác tiềm năng của các địa phương.
Hai là, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng các điểm bán cho sản phẩm OCOP.
Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan của thành phố Hải Phòng cần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP của địa phương gắn với các hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cung cầu cấp thành phố tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các thành phố khác. Cùng với đó, Thành phố cũng tiếp tục chú trọng đến các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP của Hải Phòng.
Hiện nay, sàn thương mại điện tử đầu tiên dành khu vực riêng cho sản phẩm OCOP được Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Trung ương ký kết hợp tác với sàn thương mại điện tử Voso.vn của Viettel Post. Sàn thương mại điện tử Voso sẽ trực tiếp tham gia vào chương trình OCOP với vai trò cung cấp kiến thức bán hàng trực tuyến, quảng cáo trực tuyến cho các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các sở, ngành của thành phố Hải Phòng cần nghiên cứu xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử riêng của Thành phố để thuận tiện cho hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của địa phương. Lập bản đồ điện tử chỉ dẫn thương hiệu sản phẩm OCOP có gắn kết với bản đồ điểm đến du lịch của Thành phố để dễ dàng cho du khách trong nước cũng như quốc tế khi tìm hiểu và đến du lịch tại Hải Phòng góp phần gắn kết trường tiêu thụ với tour du lịch trên địa bàn Thành phố. Xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của Hải Phòng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP rộng khắp hơn, tạo thuận tiện cho việc triển khai đưa sản phẩm OCOP đến khách hàng trong và ngoài nước. Tổ chức thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của Thành phố trên địa bàn các quận, huyện, các trung tâm thương mại và chợ đầu mối.
Đối với các chủ thể tham gia vào chương trình và có sản phẩm OCOP tiếp tục chủ động trong các hoạt động xúc tiến cho sản phẩm. Các chủ thể chủ động trong đưa sản phẩm đến tham dự các hội chợ chuyên đề sản phẩm OCOP tại các khu vực tỉnh, thành khác trong cả nước. Có thể đăng ký tham gia hội chợ online đối với sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao. Hội chợ online sẽ là nơi chủ thể có thể thực hiện các hoạt động truyền thông như giới thiệu về quy trình sản xuất sản phẩm hay là chia sẻ những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm OCOP tới khách hàng.
Ba là, Thành phố tiếp tục quan tâm đến hoạt động khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm, chú trọng đối với những sản phẩm chủ lực.
Có những chủ thể quy mô sản xuất nhỏ lẻ chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu và mã số vạch cho sản phẩm nên các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các chủ thể thực hiện ghi nhãn hàng hóa, hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để những sản phẩm OCOP của Hải Phòng có đủ sức cạnh tranh và vươn xa trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cần tiếp tục triển khai hướng dẫn và tập huấn cho các cán bộ quản lý các cấp về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Sở cần kết hợp với chính quyền địa phương tại các quận, huyện tiếp tục triển khai rộng rãi các lớp tập huấn cho các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) về quy trình và quyền lợi khi đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Với thực tiễn nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng thuộc chủ thể là hợp tác xã do đó cần nâng cao vai trò của các hội viên đoàn kết trong sản xuất, ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng của sản phẩm, có như vậy mới phát triển được nhãn hiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP của Hải Phòng mới dễ được thị trường chấp nhận.